Giải Ngoại hạng Anh không chỉ là một sân chơi của những tài năng bóng đá hàng đầu, mà còn là một thị trường lớn về bản quyền truyền hình. Bài viết này sẽ phân tích về tình hình bán bản quyền truyền hình phát sóng Ngoại hạng Anh, ảnh hưởng đến tài chính của các đội bóng, và cách họ có thể sử dụng nguồn thu nhập này để cải thiện chất lượng đội hình, chi trả chi phí hoạt động, và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trong mùa giải 2022-2025, giải Ngoại Hạng Anh đã thu về khoảng 15 tỷ bảng Anh (18.84 tỷ USD) dựa trên tiền bản quyền phát sóng giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này tại Vương Quốc Anh cũng như nhiều tại quốc gia ngoại khác như Việt Nam.

Trong đó, Ngoại Hạng Anh thu về khoảng 5 tỷ bảng tiền bản quyền trong nước cho các đài phát thanh, truyền hình tại Anh và khoảng 10 tỷ bảng cho các tổ chức truyền hình nước ngoài.

Việc bán bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh mang lại nguồn thu nhập đáng kể, mở ra cánh cửa cho việc đầu tư và phát triển. Số tiền từ các thương vụ này không chỉ giữ cho các câu lạc bộ bóng đá Anh như Manchester United, Manchester City, Tottenham, Chelsea, Liverpool,… ổn định tài chính mà còn là một động lực quan trọng đằng sau việc cải thiện chất lượng bóng đá.

Chi phí bản quyền bóng đá Ngoại Hạng Anh

Trong giai đoạn hiện tại mùa giải từ 2022-2025, Ngoại Hạng Anh, hay được biết đến như Premier League đã bán bản quyền phát sóng giải đấu cho nhiều quốc gia khác nhau.

Ví dụ, tổ chức BeIn ở Trung Đông mua bản quyền với giá 123 triệu bảng/năm. Trong khi đó, CANAL tiếp tục nắm bản quyền Premier League phát sóng ở Pháp, Cộng hòa Séc và Slovakia với mức phí 89 triệu bảng mỗi năm.

Ngoài ra, Premier League cũng đã bán  bản quyền cho các quốc gia khác như Đức (Sky Deutschland), Ý (Sky Italia), Tây Ban Nha (DAZN), Bồ Đào Nha (ELEVEN Sports) và Bỉ (Telenet).

Tại Việt Nam, K+ tiếp tục là đơn vị độc quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Chi phí cho thương vụ thường không được tiết lộ. Mùa giải 2019-2022, các chuyên gia dự đoán rằng chi phí để K+ mua bản quyền là khoảng 37 triệu bảng Anh. K+ cũng không công bố thông tin về giá trị thương vụ cho mùa giải 2022-2025.

Bản quyền Ngoại hạng Anh tại Việt Nam

So với các quốc gia khác, con số này không quá lớn dựa trên việc dù Việt Nam là một trong các quốc gia có lượng fan hâm mộ bóng đá hàng đầu, tuy nhiên với quy mô còn khiêm tốn (100 triệu dân) và thói quen sử dụng các trang web lậu để xem bóng đá thay vì trả tiền mua gói tháng hoặc gói năm từ K+ dẫn đến việc tổ chức sở hữu giải đấu không áp giá quá cao tại Việt Nam.

Việc định giá một thương vụ, cũng như phần lớn các yếu tố khác trên xã hội dựa trên quy luật cung – cầu. Dù người hâm mộ Việt Nam đông đảo, song phần lớn họ không đồng ý trả tiền để được xem các giải đấu thì giá trị thương vụ cũng sẽ không tăng cao. Thậm chí, ban tổ chức, sở hữu giải đấu NHA có thể ban hành lệnh cấm dựa trên việc Việt Nam có quá nhiều vụ việc xem lậu, vi phạm bản quyền.

Tháng 3 năm 2022, Truyền hình K+ đã thông báo về việc tiếp tục nắm giữ bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu 15 năm nền tảng K+ trở thành bên phát sóng Ngoại hạng Anh độc quyền tại Việt Nam.

Trong thời gian thương thảo, K+ đã phải cạnh tranh gay gắt với FPT Play (Nền tảng hiện đang nắm quyền phát sóng giải đấu Champions League tại Việt Nam) để mua được bản quyền phát sóng Ngoại Hạng Anh.

Với việc FPT Play đã nắm quyền phát sóng các giải đấu do UEFA tổ chức, bao gồm Champions League mùa giải 2021-2024 từ trước đó cùng một số giải đấu khác như Super Cup, Europa League (Cúp C2), Europa Conference, Youth League, có thể thấy cuộc cạnh tranh giữa K+ và FPT Play với mong muốn độc quyền phát sóng các giải đấu hay nhất Châu Âu sẽ khốc liệt thế nào.

Tuy nhiên, cuối cùng K+ cũng đã chiến thắng, trở thành bên phát sóng 380 trận bóng đỉnh cao nước Anh mỗi mua giải (1 năm) giữa 20 câu lạc bộ mạnh nhất nước Anh thời điểm hiện tại. Với các trận bóng diễn ra trong các khung giờ đẹp vào mỗi tối Thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, người hâm mộ tại Việt Nam sẽ tiếp tục có những khoảng thời gian thăng hoa nhất cùng giải bóng đá đỉnh cao này.

Thông tin về bản quyền Ngoại hạng Anh mùa giải 2025-2029

Dù mùa giải 2023-2024 còn chưa qua được một nửa, dự kiến K+ cũng sẽ tiếp tục cạnh tranh cho việc tiếp tục sở hữu bản quyền phát sóng Premier League tại Việt Nam cho mùa giải 2025-2029. Tuy nhiên, trái với các mùa trước, dự kiến con số K+ cần phải trả lần này sẽ gia tăng đột biến khi giá bản quyền Ngoại hạng Anh cho các quốc gia ngoài Anh tăng mạnh thời gian gần đây.

Cuộc chiến giành bản quyền phát sóng giải đấu này sẽ là một cuộc chiến khốc liệt giữa K+ và FPT Play, cũng như các bên khác có ý định sở hữu bản quyền bóng đá NHA. Ngoài tiềm lực tài chính, ban tổ chức Premier League cũng sẽ đánh giá các yếu tố khác như sự ổn định của một tổ chức. Theo đó, K+ với lịch sử 15 năm hợp tác nhiều khả năng sẽ tiếp tục đạt được bản quyền trong thương vụ đấu thầu sắp tới, nếu khả năng tài chính của các bên tham gia đấu thầu tương xứng.

Theo thông tin từ ban tổ chức Premier League, trong 4 mùa giải tới, Ngoại Hạng Anh thu được 7,5 tỷ USD tiền bản quyền phát sóng nội địa tại Anh từ Sky và TNT Sports. Nếu tính theo từng mùa, mỗi mùa ban tổ chức sẽ thu về 1,9 tỷ USD. Đây là một kỷ lục mới về tiền bản quyền nội địa cho giải đấu này.

Để mang tính so sánh, giá bản quyền này cũng cao gấp đôi giá DAZN và Sky phải trả cho Serie A (Giải bóng đá vô địch Quốc gia Ý) là khoảng 0,96 tỷ USD/mùa với các đội bóng có cái tên quen thuộc như Inter Milan, Juventus, Roma.

Tuy còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng song giá trị của thương vụ mua bán bản quyền cũng phần nào thể hiện được độ hấp dẫn của giải đấu tại một quốc gia cụ thể, cũng như thể hiện được một phần sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đài truyền hình quốc tế trong việc mua bản quyền phát sóng.

Đáng chú ý, tuy là con số kỷ lục song biên độ gia tăng về giá trị không nhiều, chỉ tăng khoảng 4% so với mùa giải 2022-2025.

Nguyên tắc phân chia tiền bản quyền của Ngoại Hạng Anh gồm 50% được chia đều cho 20 câu lạc bộ tham gia, 25% được trao dựa trên thành tích đội bóng được xác định theo vị trí cuối cùng trong giải đấu và 25% được phân bổ dưới dạng phí cơ sở vật chất cho các trận đấu được truyền hình (vì NHA gồm 2 lượt đấu, được tổ chức tại sân vận động của đội nhà/đội khách).

Nếu tính theo khoản thu cụ thể, mỗi mùa giải, mỗi đội bóng thu được từ tiền bản quyền phát sóng dao động từ 90 đến 150 triệu USD (theo mùa giải 2022/2023), bao gồm cả tiền bản quyền nội địa và quốc tế. Theo đó, lượng tiền bản quyền tăng thêm sẽ không quá nhiều đối với các đội bóng hàng đầu này khi mà một thương vụ mua lại một cầu thủ đã lên đến hàng chục triệu USD, thậm chí đạt đến 100 triệu USD.

Ví dụ, trong 2 năm gần đây, đội bóng Chelsea đã chi hơn 1 tỷ USD cho thị trường chuyển nhượng, mua về nhiều cầu thủ tiềm năng. Dẫu vậy, đây cũng là điều khiến Chelsea bị chỉ trích khi số tiền bỏ ra nhiều nhưng vị trí đội bóng tại Ngoại Hạng Anh hiện chỉ xếp hơn 10, thậm chí có nguy cơ bị tụt hạng vào cuối mùa nếu không cải thiện.

Số tiền thực tế các đội bóng thu được đến từ nhiều nguồn khác, như số lần đội bóng được lựa chọn để truyền hình quốc gia, các Cúp đạt được, tiền thưởng từ vị trí sau cùng trong giải đấu, số tiền tài trợ từ các ‘ông chủ’ sau màn, tiền bán hàng hóa gắn thương hiệu, nhãn hiệu đội bóng, cầu thủ,…

Theo thông tin từ các tổ chức thể thao Anh, Manchester City, đội vô địch Ngoại Hạng Anh, Cúp FA và Giải Bóng đá Vô địch các Câu lạc bộ châu Âu mùa trước, tạo nên cú ăn ba lịch sử đã được thưởng 330 triệu USD. Đáng chú ý, tiền thưởng từ Cúp FA chỉ là 4 triệu USD, giải Champions League vốn là giải có tầm cỡ cao hơn Ngoại Hạng Anh là 116 triệu USD, và Ngoại Hạng Anh là 220 triệu USD.

Sự chênh lệch về tiền thưởng giữa Champions League và Premier League dù Champions League là giải đấu có trình độ cao hơn (Đội top 4 Ngoại Hạng Anh mới được quyền tham dự thi đấu tại Champions League mùa sau) đã phần nào thể hiện được sự đặc biệt của Ngoại Hạng Anh – Premier League, sự cuồng nhiệt của người dân toàn cầu về giải đấu này.

Giá trị thể thao toàn cầu

Dù đạt đỉnh cao trong giới bóng đá nhưng Ngoại Hạng Anh không hẳn là giải đấu thể thao có giá trị nhất toàn cầu. Ngôi vua này thuộc về giải bóng bầu dục và giải bóng rổ tại Mỹ – 2 giải đấu không quá quen thuộc tại Việt Nam.

Tháng 3 năm 2023, giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) ký hợp đồng với CBS, NBC, Fox, ESPN và Amazon với giá lên tới 110 tỷ USD trong 11 năm, tức 10 tỷ USD mỗi mùa, cao gấp hơn năm lần so với giá bản quyền của Ngoại hạng Anh mùa 2025-2029.

Một mùa NFL đã bằng, thậm chí hơn giá trị hợp đồng phát sóng nội địa trong 4 năm liên tiếp của nhà đài Sky.

Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) cũng đang có hợp đồng trị giá 2,7 tỷ USD mỗi năm với ESPN và Turner, nhưng họ dự kiến nâng con số này lên 6,8 tỷ USD kể từ mùa 2025-2026.

Lí do hai giải đấu này đạt được các khoản tiền mua, bán bản quyền phát sóng lớn như vậy đến từ việc người dân Hoa Kỳ có sự quan tâm lớn đến bóng bầu dục và bóng rổ. Dù chỉ nổi tiếng tại phạm vi nội địa, các con số bản quyền cũng có thể lên rất cao dựa trên việc Hoa Kỳ là nước dẫn đầu nền kinh tế thế giới hiện tại.