Gringo, Mozambique
Công ty TNHH Gringo là một công ty dệt may được thành lập bởi Abdulla Abdul Karim tại Maputo, Mozambique. Ước mơ của Abdul Karim không chỉ đơn giản là tạo ra một thương hiệu quần jean với chất lượng mang sức hấp dẫn của thương hiệu quốc tế nổi tiếng; mà còn trở thành một công ty hỗ trợ và truyền bá đạo đức nghề nghiệp một cách rõ ràng.
Mục tiêu ngắn hạn của Gringo là phục vụ giới trẻ ở Mozambique. Mục tiêu dài hạn của công ty là trở thành một công ty có trách nhiệm với xã hội; đi đầu trong việc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Mozambique; đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh hiện có ở đất nước và phấn đấu xóa đói giảm nghèo .
Xây dựng thương hiệu
Khởi đầu của Gringo đặc biệt khó khăn. Công ty được thành lập tại một quốc gia không có lịch sử sản xuất hoặc kinh doanh lâu đời, tại đây nguồn nguyên liệu thô còn thiếu và cơ sở hạ tầng còn tồi tàn. Do đó, những bước đầu tiên của Gringo rất quan trọng; đó là: thiết lập cấu trúc công ty và bản sắc thương hiệu công ty vững chắc và bắt đầu tạo và sản xuất sản phẩm.
Ông Abdul Karim đã thực hiện nghiên cứu về cách quảng bá thương hiệu trước khi thành lập công ty. Sau khi quyết định cái tên – Gringo – ông đã gắn nó với những nguyên tắc tích cực nhất định. Tên thương hiệu Gringo được dựa trên giới luật “The Cause”; một hệ tư tưởng xác định các giá trị cốt lõi của công ty. Một phần của các tư tưởng xung quanh The Cause được nêu trong tuyên bố về sứ mệnh của Gringo. Trong đó nêu rõ: “Hãy là một tấm gương tích cực, bằng cách cống hiến cho xã hội; và khi xã hội phát triển, thị trường sẽ phát triển và theo đó công ty cũng sẽ phát triển”.
Bộ phận Quản lý Thương hiệu đã liên kết hệ tư tưởng The Cause với thương hiệu Gringo; tạo ra một hình ảnh thương hiệu mới – Thương hiệu The Cause (TCB). Việc liên kết này mang mục tiêu giúp The Cause và Gringo hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phát triển.
Chiến dịch truyền thông
Công ty cũng tham gia vào các hoạt động tiếp thị theo định hướng truyền thông. Ví dụ như: về nhận thức và đạo đức HIV, bảo tồn văn hóa dân tộc và niềm tự hào dân tộc, giới thiệu những tài năng chưa được biết đến; cũng như một chiến dịch mạnh mẽ trên các tờ báo có tên là Senso Comum. Chiến dịch bao gồm 52 quảng cáo trên báo về chỉ trích xã hội, trách nhiệm đối với xã hội và đạo đức. Tất cả đều lấy cảm hứng từ những lời dạy của đức tin Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Vào năm 2016, Gringo đã tung ra một dòng sản phẩm mới – Revolt Jeans. Qua đó hãng hy vọng sẽ phát triển một nhãn hiệu thành công theo các nguyên tắc của công ty. Revolt kêu gọi nhân quyền và dân quyền, công lý, tự do được bảo vệ và thay đổi xã hội thông qua sáng tạo mà không cần tới vũ lực. Công ty đưa thông điệp này vào mác các sản phẩm Revolt; kèm theo hình ảnh cách điệu của nhà lãnh đạo phong trào dân quyền Martin Luther King, Jr.. Đây như một cách để phát triển thương hiệu; khuyến khích niềm tin của công ty và tạo tiếng vang đến khách hàng.

Nghiên cứu & Phát triển
Chiến lược của Gringo là xây dựng thương hiệu và giới thiệu sản phẩm ở giai đoạn cuối. Công ty tiến hành tái cấu trúc công ty, đầu tư vào các tài sản mới; bao gồm máy tính và chương trình quản lý. Đồng thời thực hiện một chương trình đào tạo nội bộ cho nhân viên về các sáng kiến kế toán, tiếp thị, quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao nhận thức cộng đồng cơ bản. Chương trình Giáo dục của công ty là một chương trình học bổng dành cho nhân viên không có điều kiện đặt ra trước. Ví dụ như nghĩa vụ làm việc trong công ty trong một khoảng thời gian quy định. Chương trình này có mục đích giúp cho công ty và nhân viên sẵn sàng cho các chiến dịch.
Năm 2001, đội ngũ nhân sự và tiếp thị của công ty bắt đầu xác định thị trường. Theo đó đối tượng tiêu dùng tiềm năng đó là sinh viên dự bị và sinh viên đại học. Nhóm đã tổ chức các chương trình để tiếp cận với các trường học và cộng đồng địa phương. Mục đích của họ không chỉ tuyển dụng nhân viên tiềm năng; mà còn nâng cao nhận thức về cái tên Gringo. Năm 2002, Gringo nhận được phản hồi tích cực từ các sinh viên bày tỏ mong muốn được gắn bó với thương hiệu. Trong đó nhiều người bày tỏ mong muốn được làm việc cho công ty trong tương lai.
Thương mại hóa
Với một thương hiệu đã có tên tuổi, cơ cấu tổ chức rõ ràng, cơ sở nguồn lực và khách hàng đã được xác định; Gringo bắt đầu nhập và sản xuất sản phẩm chính của mình. Do Mozambique thiếu nguồn lực sản xuất, ban đầu 90% sản lượng do công ty được nhập từ Cộng hòa Nam Phi (RSA); và phần còn lại là từ Bồ Đào Nha.
Sau nghiên cứu của ông Abdul Karim, Gringo đã xác định được Ấn Độ là một đối tác sản xuất lý tưởng. Năm 2006, công ty lần đầu tiên đầu tư vào Ấn Độ với số tiền 100.000 đô la Mỹ; 250.000 đô la Mỹ năm 2007; sau đó là 550.000 đô la Mỹ vào năm 2008. Năm 2009, Gringo được phép điều hành văn phòng liên lạc tại Ấn Độ trong ba năm; và công ty bắt đầu thuê hàng từ bên ngoài với toàn bộ sản phẩm của mình từ quốc gia đó.
Đến năm 2010, công ty đã tiếp tục bán quần jean mang nhãn hiệu của mình và các sản phẩm khác nhắm vào thị trường là giới trẻ. Đồng thời thực hiện các giới luật được nêu trong “The Cause” bằng cách đầu tư 50% lợi nhuận ròng của mình vào việc tạo và quảng bá các dự án cộng đồng.
Thương hiệu & Bản quyền
Ngay từ khi thành lập, tầm nhìn của ông Abdul Karim về Gringo là tạo ra sự hiện diện thương hiệu mạnh gắn liền với chiến lược toàn diện về sở hữu trí tuệ (IP). Xuyên suốt tất cả các sáng kiến xây dựng thương hiệu, Gringo rất chú ý đến tầm quan trọng của IP như một biện pháp bảo vệ cho thương hiệu của mình.

Năm 2000, công ty đã đăng ký cả “Gringo” và “GNG” – một từ viết tắt nghệ thuật, dễ nhận biết của nhãn hiệu “GRINGO”. Hơn nữa, công ty đã đăng kí một số nhãn hiệu ở nhiều quốc gia khác nhau có liên kết thương mại với Mozambique ; như Ấn Độ, Lesotho, Namibia, RSA, Swaziland và Zambia.
Với mong muốn nâng cao danh tiếng thương hiệu Gringo tại các thị trường mới; năm 2006, công ty đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid ở các quốc gia và các khu vực sau: Úc, Botswana, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Văn phòng Thương hiệu Châu Âu, Kenya, Cộng hòa Hàn Quốc, Singapore, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (Hoa Kỳ) và Việt Nam.
Gringo cũng đăng ký bản quyền cho các khẩu hiệu, biểu tượng và tuyên bố công khai của mình ở Mozambique.
Quản lý sở hữu trí tuệ (SHTT)
Ông Abdul Karim đã khai thác thành công hệ thống sở hữu trí tuệ ở cả Mozambique và các quốc gia khác. Ví dụ, Gringo được hưởng lợi từ Chính sách dành cho các quốc gia kém phát triển của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) về đăng ký nhãn hiệu quốc tế bằng cách chỉ trả 10% phí đăng ký cho các nhãn hiệu được nộp qua Hệ thống Madrid.
Hơn nữa, công ty đã tiến hành kiểm tra thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu tại văn phòng SHTT quốc gia trước ngày ra mắt sản phẩm. Công ty cũng nhận ra rằng tên Gringo có thể không được sử dụng ở một số khu vực trên thế giới. Vì vậy khi nhãn hiệu Gringo không thể đăng ký thì từ viết tắt GNG được sử dụng thay thế. Tên Gringo hiện đã được đăng ký ở năm quốc gia và từ GNG được đăng ký ở ba mươi tư quốc gia. Đây là một ví dụ rõ ràng về cách một doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể tận dụng hệ thống SHTT để tạo lợi thế giống như cách mà một công ty đa quốc gia có thể làm.
Tên miền
Do đã đầu tư rất nhiều công sức và nguồn lực vào việc xây dựng một thương hiệu có uy tín. Đồng thời muốn đảm bảo tên tuổi của công ty không bị các đối thủ hoặc “những kẻ phá hoại mạng” lợi dụng; công ty đã mua một loạt tên miền có từ “Gringo” như www.gringojeans.com; www.gringojeans.org; www.gringojeans.net; www.gringojeans.biz; và www.gringojeans.info. Hơn nữa, công ty cũng phủ sóng hình ảnh của mình trên Internet thông qua các trang mạng xã hội nổi tiếng; như Facebook (facebook.com/gringojeans) và Blogger (Gringojeans.blogspot.com). Bằng cách chủ động kiểm soát các tên miền của mình và xây dựng hình ảnh công ty trên mạng; công ty đảm bảo các tài sản SHTT và danh tiếng của mình; đồng thời cùng lúc giữ vững những triển vọng cho sự phát triển trong tương lai.
Vi phạm và thực thi quyền SHTT
Mặc dù có một chiến lược toàn diện nhưng công ty vẫn phải đối mặt với các tranh chấp về vi phạm quyền SHTT. Thương hiệu của Gringo đã bị một công ty sản xuất xà phòng Mozambique lợi dụng; dẫn đến tranh chấp pháp lý tại tòa án luật Mozambique. Đến năm 2012, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, công ty quyết tâm bảo vệ quyền SHTT của mình; thực hiện hành động pháp lý chống lại hành vi vi phạm.
Các vấn đề xã hội
Với thương hiệu The Cause là trọng tâm trong chiến lược xây dựng thương hiệu của Gringo; ông Abdul Karim và nhóm của mình đã tìm cách đưa tên tuổi của công ty vào các dự án hành động cộng đồng mới – The Cause Projects (TCP). Mục đích của TCP là giải quyết các mục tiêu khác của The Cause; bao gồm “ xóa sự đói nghèo và sự khốn khổ trên thế giới thông qua đầu tư vào giáo dục ”.
Các dự án xã hội
Trong số các sáng kiến TCP giàu trí tưởng tượng nhất của Gringo là Dự án Futescola (Futescola); thực hiện từ năm 2000 đến năm 2007. Futescola là một dự án xã hội được thiết kế cho trẻ em tại khu phố Hulene. Dự án nhằm trao quyền và làm phong phú cuộc sống của những trẻ em đó thông qua đào tạo bóng đá, trung tâm giao đồ ăn, giáo dục và hòa nhập trở lại xã hội; từ đó giúp chúng có những đóng góp có ý nghĩa cho vùng lân cận Hulene.
Dự án “Trường học cầu thủ bóng đá” của Futescola bắt đầu vào năm 2000; với sự huy động của hai trăm trẻ em từ khu phố Hulene. Sáu mươi trong số chúng; từ tám đến mười tám tuổi và có tiềm năng chơi bóng đá; đã được lựa chọn và cung cấp giáo dục, bữa ăn, kiểm tra y tế và đào tạo về bóng đá. Dự án không chỉ nhằm mục đích chi trả học phí cho trẻ em mà còn giáo dục chúng về các vấn đề sức khỏe; như HIV/AIDS và cách phòng ngừa; chăm sóc sức khỏe nói chung; cũng như dạy các em về các mối vấn đề xã hội bao gồm vai trò cá nhân và trách nhiệm của chúng đối với xã hội.
Kết quả kinh doanh
Từ khởi đầu khiêm tốn trong môi trường doanh nghiệp và hệ thống SHTT không chắc chắn; Gringo hiện đã có hai thương hiệu được công nhận trên toàn cầu; cùng với các dự án cộng đồng được hoan nghênh trên toàn quốc và hai cửa hàng bán lẻ ở Maputo. Công ty tiếp tục tìm kiếm những cách thức mới để mở rộng ra thị trường khu vực và thị trường quốc tế. Đồng thời truyền cảm hứng cho một thế hệ trẻ mới từ khắp nơi trên thế giới.
Từ những con phố của Maputo
Được xây dựng bởi một nhà tư tưởng sắc sảo với những ý tưởng cao cả; Gringo đã đi sâu vào cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế. Với một hình ảnh công ty mạnh mẽ, kế hoạch kinh doanh hợp lý và các nguyên tắc đạo đức; công ty đã tìm kiếm một chiến lược SHTT rõ ràng trước khi sản xuất các sản phẩm đầu tiên của mình. Gringo hiện hỗ trợ sức khỏe và tạo ra của cải; đồng thời xóa đói giảm nghèo, kết nối cộng đồng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
-Vicma-