Vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPC) đã đưa ra phán quyết bác bỏ kháng cáo của công ty TNHH Beijing RedBull và giữ nguyên tuyên án do Tòa án Nhân dân Cấp cao Bắc Kinh đưa ra vào ngày 25 tháng 11 năm 2019. Qua đó, Tòa án xác nhận rằng công ty TNHH Thailand T.C. Pharmaceutical Industries có quyền sở hữu hoàn toàn đối với loạt nhãn hiệu “RedBull”.

Tranh chấp nhãn hiệu Redbull

Vụ kiện giữa công ty TNHH Beijing Redbull và công ty TNHH Thailand T.C. Pharmaceutical Industries liên quan đến tranh chấp về quyền sở hữu các đơn đăng ký nhãn hiệu “RedBull” ở Trung Quốc. Cụ thể, bên Beijing RedBull, với tư cách là nguyên đơn, đã yêu cầu bị đơn – Thailand T.C. Pharmaceutical Industries phải bồi thường 3,753 tỷ Nhân dân tệ cho chi phí quảng cáo. Trong phiên sơ thẩm, Tòa án Nhân dân Cấp cao Bắc Kinh đã bác bỏ tất cả các yêu cầu của nguyên đơn. Hiển nhiên, Beijing RedBull không hài lòng với phán quyết này.

Sau một thời gian, công ty này đã kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân Tối cao vẫn giữ nguyên tuyên án ở phiên tòa sơ thẩm do Tòa án Nhân dân Cấp cao Bắc Kinh đưa ra và tuyên bố quyền sở hữu hoàn toàn của nhãn hiệu “RedBull” thuộc về công ty TNHH Thailand T.C. Pharmaceutical Industries.

Tranh chấp nhãn hiệu RedBull. Ảnh: bachhoaxanh

Vụ kiện này đã gây sốt trong xã hội bởi số tiền bồi thường thiệt hại khủng khiếp lên tới 3,753 tỷ NDT (khoảng 13,354 tỷ VND) và án phí 18,8 triệu NDT (khoảng 67 tỷ VND).

Ý kiến chuyên gia

Liên quan đến vụ tranh chấp nhãn hiệu “Redbull”, Nina Li – Đối tác về nhãn hiệu của IP March cho rằng để tránh những vụ tranh chấp như vậy, hợp đồng phải luôn quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên, bất kể bên đó đến từ quốc gia nào và quan hệ giữa 2 bên ra làm sao.

Bà Nina nói rằng: “Theo Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, nếu không được người sở hữu nhãn hiệu cấp phép thì việc sử dụng nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã đăng ký trên cùng một loại hàng hóa; sử dụng nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trên cùng một loại hàng hóa và có khả năng gây nhầm lẫn; hoặc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trên hàng hóa tương tự và có khả năng gây nhầm lẫn; sẽ cấu thành hành vi vi phạm quyền sử dụng độc quyền nhãn hiệu đã đăng ký.”

Rắc rối trong quy trình đăng ký nhãn hiệu

Như vậy, nói chung, các nhãn hiệu giống hệt nhau có thể cùng tồn tại đối với hàng hóa/dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu bạn định đăng ký có sự tương đồng với một nhãn hiệu nổi tiếng; hoặc trên thị trường đã có một nhãn hiệu chữ cái hoặc nhãn hiệu hình ảnh, logo tương tự thì việc sử dụng/đăng ký nhãn hiệu đó (dù không tương tự về hàng hóa/dịch vụ) cũng có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Khi kí kết một hợp đồng, bất kể mối quan hệ với bên kia là gì đều cần phải quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên cũng như quyền sở hữu tài sản, bao gồm cả các quyền đối với nhãn hiệu.

Khi đăng ký nhãn hiệu, tốt nhất là tất cả các đơn đăng ký cho tất cả các nhãn hiệu liên quan đều nên được nộp dưới tên của cùng một tổ chức. Nếu nhà phân phối, người hợp tác hoặc bất kỳ tổ chức liên quan nào không thể tự mình đứng ra đăng ký dưới tên của một tổ chức duy nhất thì cần phải quy định rõ ràng quyền sở hữu của mỗi bên trong hợp đồng.

-Huntress-