Mới đây, CISAC – Liên minh Quốc tế các Tổ chức Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc đã vinh danh Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trong Báo cáo Doanh thu Toàn cầu về Quyền tác giả.

Doanh thu quyền tác giả trên toàn cầu giảm mạnh vào năm 2020

CISAC vừa công bố bản Báo cáo Doanh thu Toàn cầu về quyền tác giả dài 53 trang với nhiều bảng biểu của nhiều lĩnh vực khác nhau: âm nhạc, điện ảnh, văn học, hình ảnh, kịch…Trong đó, do hậu quả của đại dịch toàn cầu, doanh thu quyền tác giả trên toàn cầu bao gồm tác giả âm nhạc, tác giả điện ảnh, tác giả văn học, nghệ thuật và kịch giảm 9,9% vào năm 2020 – tương đương hơn 1 tỷ Euro. Các biện pháp đóng cửa nền kinh tế của các nước trên thế giới đã khiến cho nguồn thu từ lĩnh vực biểu diễn trực tiếp và biểu diễn nhạc nền qua bản ghi âm giảm gần một nửa. Tổng số tiền thu được đã giảm xuống còn 9,32 tỷ Euro.

Nhờ tiền bản quyền thu được từ lĩnh vực kỹ thuật số đang tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, sự sụt giảm nguồn thu này đã phần nào được bù lại. Sự tăng trưởng mạnh này có được nhờ vào lưu lượng và nhu cầu phát trực tuyến âm thanh và video trên toàn thế giới và hoạt động cấp phép mạnh mẽ của nhiều tổ chức bảo quyền tác giả là thành viên của CISAC.

Biểu diễn trực tiếp và biểu diễn nhạc nền qua bản ghi giảm 45% xuống còn 1,6 tỷ euro, cụ thể doanh thu từ biểu diễn trực tiếp ước tính giảm 55%. Doanh thu kỹ thuật số tăng 16,6% lên 2,4 tỷ euro, lĩnh vực Truyền hình và phát thanh – nguồn thu nhập lớn nhất của người sáng tạo, giảm 4,3% xuống 3,7 tỷ euro, trong khi đó, doanh thu từ quyền tác giả âm nhạc – chiếm 88% trong tổng số doanh thu quyền tác giả, giảm 10,7% xuống 8,19 tỷ euro.

Việt Nam nằm trong danh sách những thị trường dẫn đầu về tăng trưởng kỹ thuật số

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua kéo theo các biện pháp đóng cửa nền kinh tế đã khiến cho mức tiêu thụ các sản phẩm trực tuyến tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực thuê bao của dịch vụ video theo yêu cầu. Nhờ các hoạt động cấp phép lĩnh vực kỹ thuật số của một số tổ chức bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ đã giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này. Đặc biệt là Việt Nam nằm trong danh sách những thị trường dẫn đầu về tăng trưởng kỹ thuật số.

Tuy nhiên lĩnh vực kỹ thuật số vẫn được đánh giá là hoạt động khá khiêm tốn vì chỉ chiếm hơn một phần tư (26,2%) tổng số doanh thu quyền tác giả toàn cầu.

Các thị trường dẫn đầu về tăng trưởng kỹ thuật số (Anh: sohuutritue.vn)

CISAC cũng đưa vào Báo cáo những Nghiên cứu Điển hình từ một số Tổ chức Bảo vệ Quyền tác giả trên thế giới về cách thức những tổ chức này phản ứng và đối phó với đại dịch và nỗ lực của họ để đảm bảo nguồn thu cho các tác giả trong thời kỳ khó khăn của đại dịch. Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là một trong số những tổ chức nằm trong những Nghiên cứu điển hình này của CISAC trong báo cáo lần này.

VCPMC đã khẳng định mình là trụ cột thiết yếu để hỗ trợ cho các tác giả tại Việt Nam mặc dù thành lập cách đây chưa đầy 20 năm. Các cán bộ của VCPMC đã chứng kiến sự tăng trưởng liên tục của Trung tâm qua các năm. Bất chấp tình hình đại dịch và khuôn khổ pháp lý còn nhiều thiếu sót cho lĩnh vực biểu diễn trực tiếp thì mức tăng trưởng vẫn tiếp tục vào năm 2021( mức tăng trưởng toàn lĩnh vực cho năm 2020 là 11%).

Do ảnh hưởng của dịch, các doanh nghiệp, bao gồm các đơn vị tổ chức hòa nhạc, khách sạn, nhà hàng, quán bar và quán cà phê, đã đóng cửa trong thời gian dài. Thậm chí, nhiều đơn vị được cấp phép đã phá sản, gây áp lực lên các hoạt động cấp phép của VCPMC. Tuy nhiên, VCPMC vẫn có thể phân phối tiền bản quyền đúng hạn, ngoài ra còn có thể ứng trước cho những tác giả khi họ cần.

Với việc sụt giảm mạnh các hoạt động biểu diễn công cộng từ năm 2020, để gia tăng nguồn thu kỹ thuật số, VCPMC đã phân bổ lại nguồn lực và thuê các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba. So với năm ngoái, doanh thu từ Kỹ thuật số tăng 44%, bù đắp cho sự sụt giảm 54,4% của hoạt động biểu diễn công cộng và biểu diễn trực tiếp. Để giúp tăng cường xử lý lượng lớn dữ liệu sử dụng từ các DSP (ví dụ: YouTube), xác định quyền sở hữu tác phẩm, khảo sát và ký hợp đồng cấp phép với những người dùng và nền tảng mới (ví dụ: Amanote, MusicMax, Deezer, Maxbro, T -Mobile và Twitch), các khoản đầu tư cũng được thực hiện.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hiện đang là đại diện duy nhất – thành viên của CISAC đã ký thỏa thuận và hợp tác song phương với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngay từ đầu năm 2019, VCPMC cũng đã đổi mới công nghệ, tiệm cận gần hơn với xu hướng thế giới bằng nhiều hoạt động giao lưu, kết nối trực tuyến. Chính vì thế, khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, Trung tâm đã sớm có biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại mà vẫn giữ được mức tăng trưởng năm sau, cao hơn năm trước.