Ngày nay, khi mọi người muốn nghe nhạc, tất cả những gì họ cần phải làm là vào các trang web dịch vụ nhạc số như Spotify hoặc Tidal để được nghe những bản nhạc hay nhất, nóng nhất thế giới. Những trang web nhạc số này có một thư viện âm nhạc khổng lồ với bộ sưu tập nhạc vượt thời gian, vượt không gian. Người nghe chỉ cần trả một khoản phí nhỏ là có thể xem tất cả các bài hát đến từ mọi miền quốc gia trên thế giới bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Ngoài ra, với lệnh cách ly xã hội và hạn chế di chuyển, các nền tảng nhạc trực tuyến lại càng được nhiều người quan tâm và sử dụng hơn. Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức, nhu cầu về các dịch vụ trực tuyến đã tăng theo cấp số nhân từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra. Sự ra đời của những dịch vụ nhạc số tiện lợi và ảnh hưởng của đại dịch đã khiến thế giới trải qua cơn biến động mang tầm cỡ vĩ mô trên thị trường nhạc kỹ thuật số. Do đó, chính phủ các quốc gia đã thiết lập nên những quy định nghiêm ngặt để ngăn ngừa các hành vi vi phạm bản quyền nhạc trên thế giới.

Nhạc kỹ thuật số trực tuyến – Thị trường nhạc ngày càng trở nên đa dạng

Trước khi nhạc trực tuyến gây bão khắp thế giới, nguồn thu lợi chính của ngành công nghiệp âm nhạc chính là từ việc bán nhạc trên các công cụ lưu và phát nhạc vật lý như băng cassette, CD và LP. Tuy nhiên, sau khi nhạc kỹ thuật số ra đời, một mối lo ngại khác liên quan đến việc phát nhạc trực tuyến không giấy phép, nghe nhạc bất hợp pháp lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của các công ty sản xuất nhạc. Khi các hành vi vi phạm bản quyền âm nhạc và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu tiêu tốn hàng tỷ đô la của ngành công nghiệp nhạc thì các quy định, hợp đồng nhằm quản lí và kiểm soát việc phân phối và sử dụng âm nhạc một cách hợp pháp đã được triển khai chặt chẽ hơn.

Điều kiện cần thiết để phát nhạc trực tuyến hợp pháp

Để phát nhạc trực tuyến và chỉnh sửa, remake các bản nhạc, các nền tảng phát nhạc này cần phải đặt cọc một khoản phí và nộp tiền hoa hồng cho các nhà cung cấp dịch vụ quản lý quyền, thu và phân phối giấy phép như Harry Fox. Các giấy phép phát nhạc này được coi là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các dịch vụ phát nhạc trực tuyến.

Các công ty nhạc khổng lồ như Spotify, Tidal, Apple Music và Amazon Music luôn là người tiên phong trong công cuộc chống lại hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng cách kết hợp và thiết lập nên vô số phần mềm phát hiện việc phát nhạc trực tuyến trái phép. Ngoài ra, các gã khổng lồ công nghệ này cũng đã gia tăng thêm hạn chế đối với các bản nhạc remake vì nó có thể dẫn đến vi phạm bản quyền nhạc.

Spotify vi phạm bản quyền nhạc

Thực sự là không có gì lạ khi nhiều dịch vụ nhạc số tầm trung đã vô tình hay cố ý vi phạm bản quyền nhạc bởi vì, kể cả ‘ông lớn’ trong ngành âm nhạc như Spotify cũng đã tự thân vướng vào vô số cáo buộc vi phạm bản quyền.

Ông trùm âm nhạc Spotify cũng đã vướng phải nhiều cáo buộc vi phạm bản quyền nhạc

Vào năm 2018, Spotify đã bị đưa vào tầm ngắm vì bị cáo buộc vi phạm hàng nghìn bài hát do công ty âm nhạc Wixen Music Publishing sản xuất. Cụ thể, Spotify đã bị kiện vì phát trực tuyến hơn 20% bài hát từ thư viện chứa hơn 30 triệu bài hát của họ mà không có giấy phép hoặc trả tiền bản quyền cho nhà xuất bản. Ngoài ra, gã khổng lồ nhạc trực tuyến này cũng bị Bob Gaudio và Bluewater Music Services Corporation cáo buộc không tuân thủ các nguyên tắc sở hữu trí tuệ và trốn tránh việc thanh toán giấy phép cho nhạc được phát trực tuyến trên Spotify.

Thậm chí, Công ty Spotify AB còn từng bị công ty cổ phần Vie Channel ở Việt Nam đòi bồi thường 9,5 tỷ do vi phạm nghiêm trọng bản quyền chương trình Rap Việt và chương trình “Người ấy là ai?”.

Tương lai của ngành âm nhạc

Ngày nay, với đại dịch Covid-19 đe dọa sự tồn tại của ngành công nghiệp nhạc trực tiếp, chặng đường phát triển phía trước của ngành âm nhạc cần có sự sắp xếp và tinh chỉnh các đạo luật ​​liên quan tới quyền sở hữu quyền phát nhạc trực tuyến và việc cấp phép phát nhạc trực tuyến bắt buộc đối với tất cả các sáng tác âm nhạc nói riêng và bản quyền âm nhạc nói chung.

-Huntress-