Khi vòng chung kết EURO 2024 đang ngày càng sôi động và để lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, hãy cùng nhìn lại lịch sử và những công nghệ thú vị đằng sau trái bóng Jabulani biểu tượng được sử dụng tại một sự kiện thể thao hấp dẫn khác – kỳ World Cup 2010 tại Nam Phi. Mặc dù nhiều người cho rằng hình dạng của những trái bóng phải là hình cầu hoàn hảo, nhưng thực tế không phải vậy, ngoại trừ trái bóng Jabulani – trái bóng tròn nhất nhưng cũng đã gây ra nhiều tranh cãi nhất trong thế giới túc cầu.

Những cầu thủ nghĩ gì về trái bóng Jabulani

Thủ môn Julio Cesar của đội tuyển Brazil chia sẻ về trái bóng Jabulani rằng: “Trái bóng này thật tồi tệ”. “Nó giống như một quả bóng rẻ tiền trong siêu thị.” Cesar, cùng với cầu thủ khác khác cảm thấy thất vọng với những chuyển động không thể đoán trước của Jabulani. Quỹ đạo bay khó đoán của quả bóng này dường như có thể bỏ qua định luật vật lý.

Thủ môn Gianluigi Buffon của đội tuyển Ý cho biết: “Quả bóng mới hoàn toàn không phù hợp và tôi nghĩ thật đáng xấu hổ khi để chúng tôi chơi trong một giải đấu quan trọng như vậy, nơi có rất nhiều nhà vô địch tham gia, với một quả bóng như thế này”. Tiền đạo Robinho của Brazil nói thêm: “Chắc chắn người thiết kế quả bóng này chưa bao giờ chơi bóng. Nhưng chúng tôi không thể làm gì được, chúng tôi phải thi đấu với quả bóng này.”

Ngược lại, tiền đạo Diego Forlan lại “thuần hoá” thành công trái bóng Jabulani, tận dụng tính chất hoang dã của trái bóng để tạo ra những cú sút xa chí mạng giúp đội tuyển Uruguay của anh tiến thẳng tới bán kết, qua đó trở thành cầu thủ xuất sắc nhất và vua phá lưới World Cup 2010. Tuy nhiên, Forlan là trường hợp đặc biệt, khi hầu hết các cầu thủ đều gặp khó khăn với trái bóng, dẫn đến việc nhiều người cho rằng trái bóng Jabulani đã làm giảm chất lượng của các trận đấu, đặc biệt là các trận đấu trong vòng bảng.

Nỗi khiếp sợ của các thủ môn tại World Cup 2010.

Thiết kế đặc biệt của trái bóng Jabulani

Thiết kế của Jabulani có nhiều sự khác biệt đáng kể so với những trái bóng truyền thống. Năm 2010, Rabi Mehta, một kỹ sư hàng không vũ trụ của NASA, đã tiến hành phân tích trái bóng bằng cách sử dụng dữ liệu để hiểu quỹ đạo bay đặc biệt của nó. Mehta giải thích: “Vấn đề với quả bóng Jabulani thực sự bắt đầu vào năm 2006 khi quả bóng Teamgeist được giới thiệu cho kỳ World Cup ở Đức. Không giống như quả bóng được thiết kể với 32 tấm panel truyền thống, quả bóng Teamgeist chỉ có 14 tấm panel, khiến bề mặt của quả bóng ít gồ ghề hơn và làm thay đổi đặc tính khí động học của quả bóng.”

Khi xác định những lực cản tác động lên quả bóng khi bay, những lực này tương đối lớn khi quả bóng có tốc độ thấp, nhưng khi quả bóng đạt tới một tốc độ tới hạn nào đó, lực cản trên giảm đột ngột. Tốc độ tới hạn này được xác định bởi độ nhám của quả bóng. Quả bóng với 32 tấm panel truyền thống có tốc độ tới hạn là khoảng 35 mph, nhưng đối với quả bóng Teamgeist, tốc độ tới hạn tăng lên khoảng 45 mph, gây ra nhiều chuyển động khó đoán hơn khi quả bóng đạt đến tốc độ này.

Với trái bóng Jabulani, Adidas dự định giảm tốc độ tới hạn trên bằng cách sử dụng 8 tấm panel liên kết có các rãnh và đường gờ khí động học. Tuy nhiên, tốc độ tới hạn của Jabulani là khoảng 55 mph, thậm chí còn cao hơn cả trái bóng Teamgeist, khiến nhiều cầu thủ thường xuyên phàn nàn về quỹ đạo khó đoán của quả bóng.

Mehta cũng chỉ ra rằng các sân vận động ở Nam Phi được xây dựng trên các thành phố có độ cao so với mực nước biến lớn, điều này cũng đã ảnh hưởng đến quỹ đạo bay của Jabulani. Mật độ không khí thấp hơn tại khu vực này khiến lực cản và lực nâng giảm, từ đó khiến quả bóng thường xuyên có những chuyển động bất thường.

Phản hồi của Adidas và FIFA

Bất chấp những phản ứng dữ dội của cả người hâm mộ lẫn cầu thủ, FIFA vẫn ủng hộ thiết kế của Jabulani và nhấn mạnh rằng các cuộc thử nghiệm đầy đủ đã được thực hiện. Nicolas Maingot, người đứng đầu bộ phận truyền thông của FIFA và Thomas Schaikvan, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng toàn cầu của Adidas vẫn luôn bảo vệ quả bóng, cho rằng các cầu thủ chỉ cần thêm chút thời gian để thích nghi vào thời điểm World Cup 2010 mới diễn ra.

Không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy trái bóng Jabulani đã gây ra tác động tiêu cực đến sự kiện bóng đá lớn nhất thể giới tại Nam Phi. Tuy nhiên, giải đấu này không được nhiều người nhớ đến như một trong những giải đấu mang tính giải trí cao nhất, bất chấp tài năng của các cầu thủ tham gia.

Câu chuyện về trái bóng Jabulani đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc cân bằng giữa đổi mới với hiệu suất trên thực tế. Với EURO 2024 hay các giải đấu sắp tới, những bài học từ quả bóng Jabulani vẫn sẽ ảnh hưởng đến thiết kế của những trái bóng mới, đảm bảo rằng những tiến bộ công nghệ sẽ nâng cao thay vì làm giảm đi chất lượng của những trận đấu bóng đá.