Đã có không ít các thương hiệu (nhãn hiệu) Việt nổi tiếng bị nước ngoài “đánh cắp” nhưng chỉ có một số ít doanh nghiệp thành công trong việc đòi lại thương hiệu, có rất nhiều những thương hiệu Việt đã bị mất trắng. Điều này đã giấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho những chủ đầu tư ở trong nước khi đem sản phẩm của họ đến với thị trường quốc tế. Một số vụ việc nổi tiếng có thể kể đến như Nước mắm Phú Quốc, Cà Phê Trung Nguyên bị đánh cắp nhãn hiệu trên thị trường quốc tế. Vậy, nguyên nhân của việc bị đánh cắp nhãn hiệu này là do đâu? Các doanh nghiệp cần phải làm gì khi đưa các sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế?  Bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sự bảo hộ đối với nhãn hiệu qua các vụ việc trên.

Nước mắm Phú Quốc

Nước mắm Phú Quốc là chỉ dẫn địa lý đầu tiên ở Việt Nam được bảo hộ tại Liên minh Châu Âu (EU) và là sản phẩm đầu tiên được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại các nước thuộc Liên minh này. Có thể nói rằng Nước mắm Phú Quốc đã trở thành một niềm tự hào của nhân dân nơi đây đối với thị trường trong nước và quốc tế. Nước mắm Phú Quốc có hương vị thơm ngon rất đặc trưng do sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu cá cơm với bí quyết gia truyền của các cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo. Tuy nhiên, nếu không trực tiếp đến đảo, thì việc mua được một chai nước mắm chính hiệu Phú Quốc không dễ chút nào. Bởi thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã và đang bị đánh cắp để sử dụng tại nhiều địa phương trong và ngoài nước. Vụ việc điển hình nhất là Công ty Viet Huong Fishsauce- Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ và Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Australia.

Nước mắm Phú Quốc

Theo tiêu chuẩn, logo chính thống của nước mắm chỉ đẫn địa lý “Phú Quốc” gồm màu đỏ đậm, xanh biển, vàng nhạt, nhãn của các nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc có thêm dòng chữ nước mắm Phú Quốc truyền thống 100 năm cùng tên doanh nghiệp. Tuy nhiên, Công ty Viet Huong Fishsauce (Mỹ) đã thay đổi nhãn này, thêm logo hình cá cơm và bản đồ Việt Nam. Sau đó công ty được cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc độc quyền tại Mỹ, sau đó là Liên minh châu Âu và Australia. Đến năm 2006, Công ty TNHH Việt Hương được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc. Điều này đã gây nhầm lẫn nghiêm trọng về sản phẩm nước mắm nổi tiếng được Việt Nam bảo hộ.

Cà Phê Trung Nguyên

Không chỉ đình đám với các vụ tranh chấp từ cuộc ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng ông chủ, thương hiệu Cà phê Trung Nguyên còn được biết đến là một trong những “ông lớn” Việt Nam với nhiều lần bị chao đảo do sự thiếu hiểu biết trong bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại một số quốc gia.

Tháng 07/2000, với mục đích mở rộng thị trường sang Mỹ, Công ty Trung Nguyên làm việc với Công ty Rice Field, nhưng chỉ đến bước thương thảo, Rice Field đã trở mặt, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Café Trung Nguyên trên thị trường này. Phải đến sau hai năm, Trung Nguyên mới giành lại được thương hiệu sau khi tiêu tốn tới hàng trăm nghìn USD cho việc lấy lại nhãn hiệu. Rice Field trở thành đại lý phân phối Café Trung Nguyên tại Mỹ. 

Mặc dù đã giữ lại được thương hiệu cà phê Trung Nguyên, thế nhưng hàng loạt sự cố liên quan tới tên miền đã xảy ra, năm 2003, tên miền trungnguyen.com.vn được Công ty Trung Nguyên mua và cũng muốn thâu tóm cả tên miền .com cho mình, nhưng từ năm 2001 tên miền trungnguyen.com đã được một việt kiều Séc đăng ký trước. Không chỉ có vậy, tên miền trungnguyencoffee.com cũng không thuộc sở hữu của doanh nghiệp này mà đã bị Công ty Clockworkcommerce đăng ký từ năm 2007. Năm 2010, tên miền trungnguyen.com.au lại được dùng để quảng bá, giao dịch cho Highlands Coffee. Năm 2011, Trung Nguyên mua tên miền Legendee.com nhưng đến năm 2012, hàng loạt các tên miền có liên quan “mọc” lên như nấm sau mưa nhưng chủ sở hữu của chúng lại không có liên quan gì đến Trung Nguyên cả. Điều này khiến cho Trung Nguyên bị mất cơ hội xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ.

Cà phê Trung Nguyên

Nhìn chung, với một doanh nghiệp luôn thể hiện khát vọng vươn ra toàn cầu như Trung Nguyên mà lại chao đảo với vấn đề liên quan bảo hộ thương hiệu, cùng với đó là hàng loạt tên miền quan trọng thực sự là một bài học lớn không chỉ dành cho doanh nghiệp này. Qua sự việc này, chúng ta còn có thể thấy rằng doanh nghiệp Việt vẫn rất thờ ơ, thiếu chuyên nghiệp trong chiến lược kinh doanh của mình, đặc biệt là việc đăng ký bảo hộ thương hiệu (nhãn hiệu).

Bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam

Qua các vụ việc trên có thể thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn lúng túng trong việc thiết lập các quyền bảo hộ đối với nhãn hiệu của mình, đặc biệt tại thị trường nước ngoài. Qua đây chúng ta có thể rút ra bài học như sau:

  1. Việc bảo hộ nhãn hiệu mang tính lãnh thổ, tức việc nhãn hiệu của doanh nghiệp được bảo hộ ở Việt Nam, không đồng nghĩa với việc nhãn hiệu cũng được bảo hộ ở Úc hay nước khác. Ví dụ, một số quốc gia như Mỹ và Canada, tuân theo nguyên tắc First-to-Use, theo đó các nhãn hiệu mà được sử dụng trong thương mại trước tiên, sẽ được chỉ định quyền nhãn hiệu và được ưu tiên. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam lại tuân theo nguyên tắc First-to-File, theo đó người nộp đơn đầu tiên hoặc đăng ký nhãn hiệu của họ được chỉ định quyền nhãn hiệu và được ưu tiên hơn những bên khác, bất kể mục đích sử dụng thực tế là gì. Do đó, để tránh những sai lầm không đáng có, các doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình ở thị trường nước ngoài ngay khi có kế hoạch mở rộng thị trường sang nước khác.
  1. Cần quan tâm đặc biệt các điều khoản về hợp đồng đại lý phân phối tại nước ngoài liên quan đến vấn đề sử dụng nhãn hiệu bên cạnh các điều khoản về hàng hóa, thời gian, phương thức thanh toán.
  2. Việc đăng ký và duy trì nhãn hiệu ở thị trường quốc tế sẽ không tốn nhiều chi phí nếu các doanh nghiệp hiểu rõ bản chất pháp lý về nhãn hiệu. Ví dụ, chỉ cần đăng ký dấu hiệu có tính phân biệt mạnh của nhãn hiệu với các nhóm sản phẩm chính của công ty. Như vậy doanh nghiệp chỉ cần đăng ký một nhãn hiệu ở một nước là đã có thể hạn chế tình trạng ăn cắp nhãn hiệu của doanh nghiệp ở nước đó.

Tóm lại, doanh nghiệp Việt trên con đường chinh phục thị trường nước ngoài, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thì vấn đề bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cũng là một việc cực kỳ cần thiết.