Tại hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ 18, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã kêu gọi việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 nhằm mở rộng và tăng cường sản xuất vaccine trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 2/10/2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Huỳnh Thành Đạt tham dự và phát biểu tại Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ 18 bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Khoa học, Công nghệ với Xã hội theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của ông Inoue Shinji, Bộ trưởng phụ trách Chính sách khoa học và công nghệ, Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tham dự sự kiện. Ảnh: TTTT

Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19

Phát biểu tại Hội nghị, theo Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, đại dịch Covid-19 đặt nhân loại trước bài toán sinh tử, chưa có tiền lệ nên đòi hỏi phải có các giải pháp đặc biệt, mang tính ngoại lệ.

Từ kinh nghiệm của Việt Nam, ông Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để đảm bảo cho mọi người được tiếp cận công bằng và sớm nhất có thể đối với vaccine phòng Covid-19, cần rút ngắn thời gian và trình tự đề xuất, trình và phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu, khuyến khích thử nghiệm và chấp nhận thất bại, đồng thời, thúc đẩy tinh thần khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở.

Bộ trưởng cũng kêu gọi ủng hộ việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 nhằm mở rộng và tăng cường sản xuất vaccine trên phạm vi toàn cầu, hình thành các nền tảng chia sẻ thông tin sáng chế, dữ liệu, công bố khoa học và phương tiện nghiên cứu nhằm giúp các nước chậm phát triển hơn có thể tiếp cận và bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới.

Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 là “chìa khóa” giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước?

EIU cho biết, chiến dịch tiêm vaccine tại các nước thu nhập thấp đang diễn với tốc độ chậm, gần như đóng băng. Tình trạng bất bình đẳng vaccine xảy ra do thiếu hụt về năng lực sản xuất toàn cầu, thiếu vật liệu thô, khó khăn trong khâu vận chuyển và bảo quản vaccine cũng như việc nhiều người còn do dự vì không tin tưởng vào vaccine.

Bên cạnh đó, có nhiều quốc gia đang phát triển không đủ điều kiện tài chính để mua vaccine cho người dân của mình và đang tìm kiếm nguồn vaccine viện trợ từ các nước giàu hơn. Tuy nhiên, các sáng kiến toàn cầu chưa hoàn toàn thành công trong việc phân phối vaccine cho những nơi cần đến.

WHO bày tỏ mong muốn rằng, các nước giàu nên thực hiện cam kết chia sẻ vaccine của mình “ngay lập tức” và cung cấp số lượng lớn vaccine cho các chương trình hỗ trợ các nước nghèo và đặc biệt là ở châu Phi.

Muốn đẩy mạnh việc giao hàng cũng như tiêm chủng vaccine trên toàn cầu, thì có lẽ việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 là “chìa khóa” giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước.