Hợp tác quốc tế luôn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của bất kì quốc gia, bất kì doanh nghiệp nào. Những bên từ chối mở rộng, phát triển quan hệ quốc tế chắc chắn sẽ không thể nào thành công. Chính vì vậy mà mặc dù năm 2021 là một năm chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam vẫn chủ động kết nối, phối hợp phát triển với các đối tác nước ngoài để tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế theo kế hoạch và tiến độ được giao.

Rút kinh nghiệm từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2020 tại Việt Nam, trong năm 2021, Cục SHTT đã tích cực triển khai các cuộc họp trực tuyến thay vì trực tiếp, nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch.

Các cuộc họp trực tuyến qua Zoom đã trở thành thường thức chung của cả thế giới từ khi đại dịch bắt đầu. Qua đó, Cục SHTT và các cơ quan SHTT khác như Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Philippines (IPOPhil),… đã có thể tổ chức các cuộc họp online mà không cần phải mất thời gian di chuyển đồng thời hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm.

Tại các cuộc họp này, lãnh đạo các cơ quan đã có thể cùng nhau bàn bạc về các vấn đề xoay quanh sở hữu trí tuệ, cụ thể như cách quản lý, duy trì hoạt động sở hữu trí tuệ tại mỗi quốc gia, hay bàn luận về vai trò của SHTT đối với sự chấm dứt của đại dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch,…

Đối ngoại trực tuyến

Qua việc tổ chức các cuộc họp đối ngoại trực tuyến, Cục SHTT Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2019-2021 bất chấp việc đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò này kể từ khi tham gia AWGIPC (ASEAN Working Group on Intellectual Property Cooperation).

Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam đã chủ trì gần 40 cuộc họp trực tuyến và đồng chủ trì thành công tất cả các sự kiện trực tiếp và trực tuyến của AWGIPC, bao gồm các cuộc họp:

  • AWGIPC 59 (Solo, Indonesia, tháng 7/2019);
  • AWGIPC 60 (Baguio, Philippines, tháng 11/2019);
  • Cuộc họp đặc biệt của AWGIPC (tháng 7/2020);
  • AWGIPC 61 (tháng 9/2020);
  • AWGIPC 62 (tháng 11/2020);
  • AWGIPC 63 (tháng 3/2021.

Ở quy mô quốc tế, dưới hình thức trực tuyến, Cục SHTT cũng đã tham dự đầy đủ các phiên họp của các Cơ quan điều hành, Ủy ban chuyên môn của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) như:

  • Đại hội đồng WIPO;
  • Ủy ban Chương trình và Ngân sách;
  • Ủy ban Phát triển và Sở hữu trí tuệ;

Một trong những điểm nổi bật nhất trong năm 2021 chính là về việc Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế có hiệu lực từ 01/6/2021. Hiệp ước này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc khuyến khích đầu tư và nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Hợp tác quốc tế về Sở hữu trí tuệ để vượt qua khó khăn từ đại dịch

Ngoài những phiên họp trên, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã tiếp tục thực hiện nhiều chương trình được các cấp có thẩm quyền phê duyệt bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như:

  • Hệ thống tự động hóa quản trị sở hữu công nghiệp (WIPO IPAS);
  • Dự án Số hóa tài liệu sở hữu công nghiệp (với sự trợ giúp của WIPO);
  • Dự án thí điểm của WIPO về “Hỗ trợ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ SHTT cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo định hướng công nghệ của Việt Nam”;
  • Dự án Thực thi Hiệp định CTPPP trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với Canada;
  • Dự án Nâng cao năng lực xử lý đơn sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ với Nhật Bản;

(Theo Phòng Hợp tác quốc tế)