Đăng ký sáng chế là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển tốt, bất kể độ tuổi hay giới tính nào đều có thể tham gia. Tuy nhiên theo một số báo cáo gần đây, tỉ lệ phái nữ trên thế giới thực hiện nghiên cứu và được cấp bằng sáng chế chiếm gần 17%, và chỉ tương đương một nửa số lượng nam giới.

Nhận ra vấn đề đáng lo ngại này, vào ngày 7/9, hội thảo “Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới” được tổ chức bởi Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm đưa ra các nguyên nhân, khó khăn và giải pháp cho vấn đề này. Đây là diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, quan điểm khoa học, đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị cho các nữ doanh nhân, nhà sáng tạo, đổi mới trong việc sử dụng tài sản trí tuệ, lấy trí tuệ làm công cụ cho hoạt động của mình.

Hiện nay, ngành Khoa học và Công nghệ được xếp vào Top 10 lĩnh vực liên quan đến bình đẳng nam nữ mà chính quyền muốn tập trung. Lực lượng lao động chính cho ngành KH&CN là tầng lớp tri thức không phân biệt giới tính, tuổi tác. Điều này giúp cho phái nữ có môi trường để phát triển, thể hiện được năng lực không kém cạnh nam giới của mình cũng như khẳng định được vị thế của phái nữ trong xã hội. Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chỉ ra rằng lực lượng nghiên cứu của phái nữ tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng rõ rệt, cụ thể là tỉ lệ phái nữ tham gia nghiên cứu chiếm đến gần 50% của cả nước.

Hội thảo“Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới”

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, lực lượng nữ giới làm nghiên cứu cũng gặp rất nhiều thách thức. Không chỉ là những bài toán khó trong quá trình nghiên cứu, họ còn phải đảm đương trách nhiệm của gia đình và xã hội, cũng như vấp phải rất nhiều định kiến. Điều này vô hình chung gia tăng áp lực lên phái nữ thực hiện việc nghiên cứu trong lĩnh vực KH&CN. Không những thế, các chính sách đãi ngộ của chính phủ không đủ để thúc đẩy, khuyến khích, đáp ứng như cầu của họ, trong khi quá trình phát triển công nghệ càng ngày càng khó khăn, phức tạp.

Thấy rõ các thực trạng bất bình đẳng giới tính trong công cuộc phát triển KH&CN nước nhà, các Đề án lần lượt được đưa ra, ví dụ như đề án 939 nhằm giúp đỡ nữ giới trong qua trình khởi nghiệp giai đoạn đầu 2017 đến hết 2025. Mới gần đây, chính phủ đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng của quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo tính khả thi cho các hoạt động có liên quan đến luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, những thách thức trong cả công việc lẫn gia đình, yêu cầu các nhà khoa học nữ cần phải tập trung hơn để có thể cân bằng cả hai một cách hiệu quả. Vì thế, các tổ chức liên quan trong nước và quốc tế đến KH&CN và SHTT cần đẩy mạnh hợp tác để hỗ trợ thêm cho phái nữ thực hiện nghiên cứu, giúp họ xác định được vị thế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Các trường đại học được yêu cầu tăng cường mở thêm các lớp đào tạo kiến thức liên quan đến lĩnh vực SHTT và đăng ký sáng chế. Thêm vào đó, các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo tương tự như hội thảo “Vai trò của sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân và các nhà đổi mới, sáng tạo nữ giới” cũng như việc thương mại hóa sáng chế, phổ biến kiến thức chuyên sâu cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Những giải pháp này sẽ phần nào đó cải thiện thực trạng bất bình đẳng giới trong công cuộc xây dựng và phát triển công cuộc nghiên cứu khoa học.