Tưởng tượng cảm xúc của một người khi họ bị phản bội bởi chính một trong những hãng xe ưa thích nhất của họ. Đó chính là cảm xúc mà Kearns phải đối mặt khi ông nghe tin về hành vi vi phạm của Ford. Không chịu đứng xuống và trở thành 1 nạn nhân nữa của các tập đoàn khổng lồ hàng đầu thế giới, bị lãng quên trong dòng sông thời gian, Kearns đã quyết định đấu tranh và khởi đầu một trong các vụ kiện sáng chế kéo dài hàng thập kỉ – trở thành cột mốc, án lệ điển hình về sở hữu trí tuệ, sáng chế trên thế giới.

(Đọc phần 1 tại đây)

Sau khi hồi phục sức khỏe, Kearns đã ngay lập tức thuê một luật sư và viết thư cho Ford để thông báo cho công ty về hành vi vi phạm của họ. Tuy nhiên, Ford đã phản hồi lại rằng: “Chúng tôi không đánh cắp ý tưởng của ông (Kearns) và bằng sáng chế của ông không hợp lệ với lý do là nó không ‘đủ sáng tạo’.”

Năm 1978, Kearns đệ đơn kiện Ford về hành vi vi phạm bằng sáng chế, đòi bồi thường 350 triệu USD tiền thiệt hại – 50 USD cho mỗi chiếc xe Ford trang bị cần gạt mưa gián đoạn.

Ford sau đó đã sử dụng thủ đoạn mà mỗi công ty lớn đều thực hiện khi bị một bên yếu thế hơn như một công ty khởi nghiệp, một tổ chức nhỏ, hoặc trong trường hợp này là một cá nhân, khởi kiện. Đó là trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý với mong muốn Kearns sẽ hết kiên trì, niềm tin hoặc yếu tố cơ bản (thậm chí là quan trọng nhất) trong mọi vụ kiện pháp lý: Tiền bạc.

Vụ kiện này sau đó được biết đến với tên gọi Kearns v. Goliath – một trong những phiên bản tiêu biểu nhất của hiện tượng David v. Goliath.

Trong cách sử dụng hiện đại, cụm từ “David v. Goliath” mang ý nghĩa một cuộc đấu tranh giữa 2 bên mà một đối thủ nhỏ hơn, yếu hơn phải đối mặt với một đối thủ lớn hơn, mạnh hơn nhiều so với họ.

Không phải vụ David v. Goliath nào cũng sẽ kết thúc với bên thắng lợi là bên yếu thế hơn, trên thực tế, điều này cực kì hiếm có. Tuy nhiên, nếu họ thành công, chắc chắn vụ việc đó sẽ được ghi danh vào sử sách và vị ‘David’ đó cũng sẽ được người người nhớ đến.

Trong vụ Kearns v. Goliath, Ford – một trong các gã khổng lồ Goliath nhận thấy rằng việc đánh cắp một sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế và đối mặt với bất kỳ hậu quả pháp lý nào sau đó sẽ rẻ hơn so với việc cấp phép cho sản phẩm đó và chi trả công bằng cho nhà sáng chế, chủ sở hữu sáng chế theo đúng luật pháp.

Từ vụ kiện này ta đã thấy được một vài góc tối mà luật sở hữu trí tuệ, cũng như luật pháp nói chung không thể động đến. Tuy nhiên, chính thức mà nói thì Ford không sai hay vi phạm luật trong cách xử lý các vụ kiện này, họ chỉ tìm được lỗ hổng trong luật pháp và lợi dụng, vận dụng nó cho lợi ích bản thân – điều mà vốn không phải hành vi trái pháp luật.

Bởi lẽ hầu hết các nhà sáng chế nhỏ lẻ, thậm chí các công ty nhỏ và vừa sẽ không có đủ khả năng chi trả hàng triệu USD để theo sát một vụ kiện thông qua các tòa án cấp huyện, đặc biệt là khi đối thủ lại là một gã khổng lồ trong ngành.

Sự kiên trì của Kearns – Sai lầm của Ford

Tuy nhiên, hàng chục năm sau, Ford đã nhận ra rằng bước đi này là một sai lầm, thậm chí có thể nói là sai lầm lớn nhất trong lịch sử của hãng xe này.

Bởi lẽ sai lầm này đã làm ô danh Ford chứ không chỉ vì tổn thất tiền bạc thông thường. Giờ đây, những người đã nghe tin về vụ Kearns v. Goliath khi nhìn thấy một chiếc xe của Ford sẽ tự động nghĩ về bản chất thật sự của công ty này – một kẻ bắt nạt.

Trong thời gian đầu khi quyết định theo đuổi vụ kiện, Kearns đã thuê và sa thải 5 công ty luật cung cấp dịch vụ pháp lý khác nhau. Cuối cùng, ông quyết định tự bảo vệ mình và tự học luật, tìm ra các luận điểm, bằng chứng giúp ủng hộ các lập luận của ông.

Ông dành hàng đêm trời ngủ trên sàn văn phòng, xung quanh là những hộp bằng chứng chất đống đến tận cửa. Ông thậm chí còn tuyển dụng những người con của chính mình để nghiên cứu các tài liệu vụ án. Kearns đã trở nên ám ảnh về việc đòi lại quyền lợi của mình.

Kearns tự mình trình bày bằng chứng trước tòa (Dennis-Kearns.com)

Chính vì sự ám ảnh này mà ông đã để mất đi một nửa cuộc đời của mình cả nghĩa đen và nghĩa bóng khi vợ ông Phyllis Kearns quyết định li dị ông.

Lúc đầu, cuộc chiến của Kearns là để đòi lại quyền và lợi ích của mình, phần nhiều là về tiền và lợi ích vật chất, phần ít là để đòi lại uy tín và sự công nhận đối với sáng tạo của mình. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, suy nghĩ của ông đã thay đổi vì sự cứng đầu của Ford.

Dần dần, cuộc chiến này không còn là vì tiền nữa mà mục đích của Kearns là để lên án việc các công ty, tập đoàn lớn bắt nạt những người yếu thế hơn, đè ép họ, tước đoạt quyền lợi của họ.

Điều này thể hiện rõ ở việc Kearns từ chối lời đề nghị giải quyết vụ việc với 30 triệu USD từ Ford, trong đó thỏa thuận rằng Kearns sẽ rút đơn kiện và miễn Ford khỏi mọi hành động sai trái, vi phạm, tránh ảnh hưởng đến tên tuổi của hãng.

Đây là thỏa thuận giữa 2 bên ngoài tòa án. Việc Ford đưa ra thỏa thuận như thế này chứng tỏ công ty khổng lồ này đã cảm thấy mình khó có thể thắng trước sự kiên trì và lí lẽ của Kearns.

Tuy nhiên, Kearns thẳng tay từ chối và sau đó trong một buổi phỏng vấn với tòa soạn Detroit Free Press, nói rằng: “Vụ việc này không phải vì tiền. Nếu tôi bước ra khỏi đó (tòa án) mà không có gì hơn ngoài một tấm séc thì tôi chẳng hơn gì một nhân viên của Ford.”

Vào tháng 1 năm 1990 – 12 năm sau khi nộp đơn – vụ án cuối cùng đã được đưa ra xét xử.

Tuy nhiên, do luật pháp không quy định về việc Kearns bắt buộc phải có mặt tại tòa án nên ông đã rời đi, ẩn thân vào trong các cánh rừng ở Maryland, nấu nướng trên bếp lò di động và chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa.

Mặc dù đã bán 20,6 triệu chiếc ô tô (trị giá 575 triệu USD lợi nhuận) được trang bị cần gạt nước gián đoạn mô phỏng chuyển động mắt, Ford chỉ phải trả cho Kearns khoản bồi thường 10,2 triệu USD (xấp xỉ 1/3 thỏa thuận mà Ford đưa ra ban đầu) bởi lẽ bồi thẩm đoàn trong vụ án đó xét thấy rằng mặc dù Ford đã vi phạm bằng sáng chế của Kearns, họ kết luận rằng hành vi vi phạm không phải là cố ý.

Trên thực tế, bồi thẩm đoàn đó đã không thống nhất được về số tiền mà Kearns nên được bồi thường. Một bồi thẩm đoàn khác sau đó đã yêu cầu Ford phải trả cho ông Kearns 6,3 triệu USD, sau đó thẩm phán đã cắt giảm xuống còn 5,2 triệu USD.

Để giải quyết vụ việc, Ford sau đó đã đồng ý trả 10,2 triệu USD và từ chối mọi kháng cáo.

Kearns không hài lòng với kết quả này.

Năm sau, ông trở lại tòa án để nộp đơn kiện vi phạm bằng sáng chế tương tự chống lại Chrysler.

Chrysler được lệnh phải trả cho Kearns 18,7 triệu USD và tiền lãi. Tòa án tối cao của Hoa Kỳ đã bác bỏ yêu cầu hủy quyết định bồi thường của Chrysler vào năm 1995.

Không chỉ Ford và Chrysler mà Kearns còn kiện khoảng 18 hãng xe khác sử dụng sáng chế của mình trên kính chắn gió của họ.

Tuy nhiên, không phải đơn kiện vi phạm sáng chế nào cũng thành công. Đơn của ông kiện General Motors đã bị bác bỏ, cũng như các đơn kiện của ông đối với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài.

Thậm chí, dù bị kết tội vi phạm bằng sáng chế, các công ty trên cũng không bị tòa án cấm tiếp tục việc sản xuất và sử dụng cần gạt nước của ông trên xe của họ. Điều này khiến Kearns rất thất vọng.

Bài học từ vụ kiện

Trong những năm cuối đời, như để thể hiện một thông điệp, Kearns thường được nhìn thấy lái xe trên hai chiếc xe cũ kỹ: một chiếc Ford bán tải 1978 và một chiếc Chrysler 1965. Cả 2 chiếc xe đều không có cần gạt nước theo như mẫu xe.

Vào thời điểm Kearns qua đời vào năm 2005, cần gạt nước kính chắn gió ngắt quãng đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp, được chế tạo trên hàng triệu chiếc ô tô trên khắp thế giới.

Tuy kiếm được hàng chục triệu USD phí bồi thường nhưng bản thân Kearns lại là một con người có đời sống rất đơn giản, bởi lẽ ông đã định hình được mục tiêu của đời mình và sống chỉ tuân theo 1 mục đích duy nhất đó. Hầu hết số tiền ông nhận được đều được đổ trở lại các cuộc chiến pháp lý.

Ngày nay, ông đã được nhiều nhà sáng chế trên khắp toàn thế giới coi là một anh hùng vì đã dũng cảm đứng lên, chống lại những kẻ áp bức trong xã hội hiện đại.

Dẫu phải trả giá đắt trong đời sống cá nhân và tuổi thọ, sức khỏe bản thân, Kearns không bao giờ từ bỏ và cuối cùng đã đạt được mục tiêu phô bày bản chất thật của đế chế ô tô cho người dân toàn thế giới, chứng tỏ rằng quyết tâm có thể hoàn thành bất kì mục tiêu nào con người đặt ra.

Câu chuyện của Kearns về việc đối đầu với những gã khổng lồ ô tô đã được dựng thành một bộ phim có tựa đề “Flash of Genius” ra rạp năm 2008.

Tuy không có bằng chứng cụ thể nhưng hiển nhiên, kể cả trong những năm 60, 70 của thế kỉ trước, việc các công ty lớn như Ford cố gắng cướp đoạt quyền của các cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ không phải là hiếm. Công chúng chỉ ít biết đến bởi lẽ thời đấy công nghệ kết nối Internet, giao lưu thông tin chưa được nổi như bây giờ.

Hiện tại, với sự ảnh hưởng của mạng Internet, các hành vi chiếm đoạt ngay thẳng như vụ việc này sẽ khó có thể xảy ra và các công ty lớn cũng không dám lộng hành như trước nữa. Chính phủ các quốc gia cũng đã ban hành nhiều đạo luật để bảo hộ sự mở rộng và phát triển của các công ty startup, công ty vừa và nhỏ vốn là ‘máu huyết’ cho sự phát triển của nền kinh tế nói chung như Luật chống độc quyền tại Hoa Kỳ với các quy định pháp lý chính từ Đạo luật Sherman năm 1890, Đạo luật Clayton năm 1914 và Đạo luật Ủy ban Thương mại Liên bang năm 1914.