Câu chuyện bắt đầu từ một bức ảnh được đăng tải trên tài khoản Instagram chính thức của Balenciaga vào tháng 7. Đó là hình ảnh một chiếc xe máy được bao phủ bởi những chiếc quần áo đầy màu sắc. Ngay lập tức, nhà thiết kế Nguyễn Trà My – cựu du học sinh Đức đến từ Việt Nam đã lên tiếng cáo buộc nhà mốt này ăn cắp ý tưởng của mình.

Bức ảnh gây tranh cãi của Balenciaga. Ảnh: Balenciaga

Cáo buộc của nhà thiết kế Việt

Trong bài đăng trên Instagram của Trà My, cô chia sẻ khi còn theo học tại Đại học Mỹ thuật Berlin, một người tự xưng là nhà tuyển dụng cho công ty thiết kế Balenciaga đến xem dự án tốt nghiệp thạc sỹ của các sinh viên. Nhà tuyển dụng này đã yêu cầu xem hồ sơ năng lực của Trà My tới hai lần trên cơ sở nhãn hiệu này đang tìm kiếm thực tập sinh. Nhưng sau đó, bên Balenciaga đã không có phản hồi gì về việc tuyển dụng với cô. Trà My bày tỏ sự tức giận. Cô cảm thấy bị phản bội và tổn thương khi nhìn thấy “đứa con tinh thần” của mình bị sao chép để trục lợi.

Những bức ảnh trong dự án thạc sỹ của Trà My. Ảnh: Nguyễn Trà My

Ý tưởng của việc phủ những bộ quần áo chống nắng lên xe máy nằm trong dự án “Street Ninja” – báo cáo thạc sỹ năm 2019 của cô. Dự án này lấy cảm hứng từ chính gia đình của Trà My. Được biết, để gia đình có thể di cư sang Đức, mẹ cô đã phải bán một chiếc xe máy. Từ đó, cô lên ý tưởng giải mã phong cách “ninja” chống nắng kín mít của các chị em đi xe máy ở Việt Nam. Đây là tác phẩm có ý nghĩa rất lớn với cô. Bởi đó là một phần văn hóa của Việt Nam, là một quá trình nghệ thuật chứ không phải xu hướng thời trang để kiếm lời.

Phản hồi từ Balenciaga

Tuy nhiên, trả lời về cáo buộc đạo nhái của Trà My. Phía Balenciaga tuyên bố hình ảnh của họ không dựa trên tác phẩm của bất kỳ nghệ sĩ nào mà từ những người bán hàng rong. Sau đó, Balenciaga cũng đăng một loạt “hình ảnh cảm hứng” về những chiếc xe phủ đầy vải, quần áo. Thương hiệu này còn khẳng định đội ngũ tuyển dụng và truyền thông làm việc tách biệt với nhau và họ không hề chia sẻ thông tin của các ứng viên với nhau.

Quyền SHTT của sinh viên

Các vụ kiện SHTT giữa sinh viên và các thương hiệu lớn không phải là con số nhỏ.

Các công ty được cho là có quyền truy cập vào tác phẩm của những sinh viên ứng tuyển hoặc thông qua các cuộc thi thiết kế, v.v. Vậy thì các nhà thiết kế trẻ có thể làm gì để bảo vệ bản thân và những sáng tạo của họ khỏi sự sao chép, ăn cắp?

Điều nên làm là đăng ký bảo hộ với một bức ảnh của thiết kế hoặc các bản phác thảo chi tiết thiết kế với Cục SHTT (hoặc Văn phòng Bản quyền). Bằng cách đó, ít nhất có bằng chứng rằng thiết kế đã tồn tại tại một thời điểm nhất định trước khi xảy ra vi phạm, ngay cả khi nó không phải là trang phục hoặc phụ kiện ba chiều.

Xét cho cùng, hình ảnh có xu hướng được bảo vệ dễ dàng hơn từ góc độ bản quyền so với quần áo, túi xách và giày dép. Mặc dù có thể sẽ không đủ để ngăn chặn hành vi vi phạm, nhưng cách tiếp cận này sẽ hữu ích trong việc chỉ ra ai là người thiết kế nó trước và khi nào nó được thiết kế.

– Rùa –