Tòa án ở Texas (Mỹ) đã ra phán quyết rằng Apple phải bồi thường 503 triệu USD cho những vi phạm bản quyền đối với công nghệ mạng riêng ảo – Virtual Private Network (VPN) của công ty phần mềm bảo mật VirnetX.

Theo nội dung đơn kiện, VirnetX cho rằng, chức năng VPN On Demand của Apple sử dụng công nghệ đã được đăng ký sáng chế của VirnetX. Đây là tính năng cho phép người dùng kết nối tới máy chủ cá nhân ảo – Virtual Private Server (VPS) trên iPhone và iPad.

Apple tuyên bố sẽ kháng cáo

Trước phán quyết của bồi thẩm đoàn, Apple cho biết hãng dự định sẽ kháng cáo quyết định này. “Chúng tôi cảm ơn và trân trọng sự cân nhắc của tòa án. Nhưng đây là một phán quyết đầy thất vọng, chúng tôi chắn chắn sẽ kháng cáo. Điều này chỉ dập tắt tính sáng tạo và gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, đại diện Apple chia sẻ.

Cuộc chiến pháp lý giữa VirnetX và gã khổng lồ Apple đã kéo dài cả thập kỷ. Ảnh: Engadget

Cuộc chiến pháp lý giữa Apple và VirnetX đã diễn ra suốt một thập kỷ nay. Vào năm 2010, VirnetX đã cáo buộc Apple vi phạm 4 bằng sáng chế của mình. VirnetX cho biết, các phát minh của họ bắt nguồn từ công nghệ phát triển cho Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). Theo đó, các tính năng như Facetime, iMessage, và VPN mà Apple đang sử dụng đều là các phát minh được bảo hộ dưới bản quyền của VirnetX.

Vào năm 2012, Apple bị phán quyết phải bồi thường VirnetX một khoản tiền 368.2 triệu USD. Nực cười thay, phán quyết này bị tòa án liên bang Mỹ bác bỏ. Lí do là “khoản tiền bồi thường chưa hợp lý, cần tính toán lại”. Ai biết đâu sau này khoản tiền bồi thường lại lớn đến nhường nào.

Tháng 2/2016, số tiền bồi thường đã được tăng lên tới 625,6 triệu USD. Đây mức đòi bồi thường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ về vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, một lần nữa tòa án liên bang không chấp nhận số tiền bồi thường này. Trong phiên xét xử tháng 10/2016, tòa đã tuyên án mức phạt là 302,4 triệu USD.

Nan giải vấn đề bản quyền

Đây không phải lần đầu tiên Apple bị xử phạt vì lý do vi phạm bản quyền. Không lâu trước đó, Apple đã bị xử phạt 31 triệu USD. Apple đã vi phạm bản quyền sáng chế công nghệ thuộc sở hữu của hãng sản xuất chip Qualcomm.

Vụ tranh chấp với Qualcomm bắt đầu vào năm 2017. Công ty này đã đề nghị tòa án ở San Diego (Mỹ) ra phán quyết cáo buộc Apple phải bồi thường 31 triệu USD đối với hành vi vi phạm bằng sáng chế. Các bằng sáng chế liên quan đến việc cho phép điện thoại nhanh chóng kết nối internet sau khi bật hiệu quả pin và xử lý đồ họa cùng chức năng quản lý lưu lượng cho phép các ứng dụng tải dữ liệu nhanh hơn.

31 triệu USD chả đáng là bao so với doanh thu tỉ đô mà Apple thu về hàng năm. Song việc Qualcomm thắng kiện đống nghĩa với việc Apple chỉ có hai lựa chọn: hòa giải với Qualcomm hoặc chuyển sang sử dụng công nghệ khác. Mà việc tìm kiếm được một công nghệ tối ưu như Qualcomm cũng không là dễ dàng.

-Vicma-