Ngày 8/12, Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương (MoIT) và Tổ chức doanh nghiệp chống hàng giả Vereniging SNB – React U.A (React) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác ngăn chặn hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Biên bản ghi nhớ này được ký kết nhằm nâng cao hiệu quả giám sát thị trường, qua đó có thể kịp thời phát hiện và xử lý việc sản xuất, tàng trữ, trưng bày, vận chuyển, buôn bán hàng giả cũng như các hành vi khác vi phạm quyền SHTT của các thành viên trong tổ chức doanh nghiệp React theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hợp tác ngăn chặn hàng giả trên phạm vi quốc tế.

Phó tổng cục trưởng Nguyễn Thanh Bình chia sẻ trong lễ ký kết bản ghi nhớ, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện nhiều biện pháp và tạo lập các kế hoạch kiểm tra để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Tuy nhiên, các biện pháp trên vẫn chưa thực sự có kết quả như mong đợi bởi nhiều lý do như những hành vi vi phạm tinh vi, nhiều cơ chế quản lý chồng chéo, nguồn lực vẫn còn hạn chế, nhận thức cộng đồng chưa cao và đặc biệt là sự phối hợp vẫn còn chưa chặt chẽ giữa những cơ quan thực thi pháp luật và doanh nghiệp, chính vì vậy việc hiểu rõ những chính sách và quy định pháp luật là rất quan trọng trong cộng đồng các doanh nghiệp.

Jonathan Selvasegaram, giám đốc React Châu Á-Thái Bình Dương, đã chia sẻ về tổ chức SNN React U.A. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Lan với gần 30 năm hoạt động ngăn chặn hàng giả với sự tham gia của hơn 320 thành viên bao gồm các công ty và tập đoàn lớn trên toàn thế giới.

React sở hữu nhiều văn phòng tại khắp các quốc gia trên thế giới và các đối tác chiến lược chuyên hợp tác, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia để ngăn chặn hàng giả và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp thành viên.

Trong hai năm qua, React đã mở văn phòng tại Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc).

Theo ông Selvasegaram, các thành viên của React đã ghi nhận những nỗ lực của các lực lượng chức năng tại Việt Nam trong việc ngăn chặn hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời nhấn mạnh rằng tổ chức này mong muốn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác nhiều hơn nữa từ các lực lượng giám sát thị trường trong nước trong việc bảo vệ thương hiệu và sản phẩm.

Sau lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, các bên sẽ phối hợp xây dựng các chương trình hành động cũng như kế hoạch kiểm tra ngăn chặn hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.