Dự án phim cổ trang dã sử Quỳnh Hoa Nhất Dạ gặp nhiều tranh cãi khi trang phục trong phim được cho là mang hơi hướng cung đình Mãn Thanh.

Dự án phim được đón chờ

Phim dã sử là các bộ phim hư cấu, dựa trên các chi tiết lịch sử có thật. Đây là thể loại phim được nhiều người yêu thích vì bản tính nửa thực nửa ảo của nó. Vốn dĩ điện ảnh cổ trang Việt Nam không có nhiều và hầu như sau khi ra mắt đều không được đánh giá cao về nội dung cũng như hình ảnh. Do đó, Quỳnh Hoa Nhất Dạ trở thành một dự án được đông đảo người hâm mộ đón chờ.

Quỳnh Hoa Nhất Dạ là dự án phim cổ trang dã sử lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật trong lịch sử về Thái hậu Dương Vân Nga. Bà là một mắt xích quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Bộ phim nhận được nhiều sự ủng hộ khi diễn viên đảm nhận nhân vật chính đó là Thanh Hằng. Cô là gương mặt được đánh giá cao cho vai diễn này. Bên cạnh đó, Quỳnh Hoa Nhất Dạ còn có sự đóng góp của Nhà thiết kế (NTK) Thủy Nguyễn – Giám đốc sáng tạo của dự án. Cô được biết đến rộng rãi khi thiết kế phục trang cho nhiều bộ phim có tiếng. Ví dụ như Cô Ba Sài Gòn và Tấm Cám – Chuyện chưa kể.

Được đón chờ là vậy nhưng Quỳnh Hoa Nhất Dạ lại nhận được một làn sóng phản đối từ cộng đồng mạng khi vừa tung ra vài hình ảnh “nhá hàng” đầu tiên. Nhiều người bức xúc, tranh cãi về trang phục của Thái Hậu Dương Vân Nga sử dụng trong bộ phim. Thắc mắc ở đây chính là: “Thái hậu triều Đinh – Tiền Lê sử dụng trang phục Mãn Thanh?”.

Trang phục của Thanh Hằng trong Quỳnh Hoa Nhất Dạ bị cho là mang hơi hướng Mãn Thanh. Ảnh: Kênh 14

Bối cảnh

Đại Thăng Minh Hoàng Hậu (952 – 1000), dã sử xưng gọi Dương Vân Nga. Bà là Hoàng hậu của hai vị Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Đồng thời, bà đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Theo sử sách, Thái hậu Dương Vân Nga sinh thời vào thế kỷ thứ X. Việt Nam khi đó mới chính thức chấm dứt hơn nghìn năm Bắc thuộc; trang phục vẫn bị ảnh hưởng thời Đường Tống. Vua mặc Cổn Miện, bá quan mặc viên lĩnh không bố tử, đội mũ cánh chuồn. Phụ nữ quyền quý thường mặc giao lĩnh phối với thường và đối khâm.

Trong số các trang phục mà diễn viên Thanh Hằng mặc – gồm rất nhiều lớp; duy nhất chỉ có một lớp là đúng với áo giao lĩnh. Nhưng lớp bên ngoài thì có thể khẳng định đó là dạng thức trang phục đậm chất Mãn Thanh. Chúng xuất hiện vào trung kỳ và hậu kỳ nhà Thanh, Trung Quốc. Trong lịch sử các triều đại Việt Nam chưa hề xuất hiện dạng thức trang phục như vậy.

Qua những thông tin trên, ta có thể thấy sự sai lệch về trang phục của bộ phim. Điều này dẫn đến tranh cãi trong cộng đồng khán giả sâu sắc về lịch sử nước nhà.

Hư cấu cũng cần dựa trên yếu tố lịch sử

NTK Thủy Nguyễn cho biết, trang phục phượng bào được cô lên ý tưởng dựa trên việc nghiên cứu tư liệu lịch sử kết hợp với yêu cầu của đạo diễn về nhân vật. Ngoài ra, thêm vào đó một chút sáng tạo của bản thân. Cô cũng gặp khá nhiều áp lực trước một hình ảnh nhân vật “mẫu nghi thiên hạ”.

Tuy nhiên, trước những nghi vấn xoay quanh bộ trang phục mang hơi thở Mãn Thanh, ê-kíp nhấn mạnh đã làm một bộ phim dã sử với sự sáng tạo kỳ công về mặt trang phục vì “không có một tư liệu nào về thời kỳ này còn tồn tại”.

Thanh Hằng trong bộ Phượng bào hóa vai Thái hậu Dương Vân Nga. Ảnh: Báo Thanh niên

Nhiều khán giả cho rằng, dù đây là thời kỳ xa xôi, tư liệu không còn nhiều nhưng không phải là không có. Bên cạnh đó, ê-kíp hoàn toàn có thể tìm đến các đơn vị phục dựng cổ phục để được cố vấn thay vì lấy lý do thời Đinh không đủ tư liệu; rồi từ đó thiết kế nên một bộ Mãn phục. Dù không cần sát sử nhưng tuyệt đối không được phép sai hoàn toàn. Việt Nam chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa do nghìn năm Bắc thuộc, tuy nhiên vẫn có những nét riêng, hơi thở riêng. Làm không được bảy phần thì ắt cũng phải được năm phần.

“Sách sử không có” là kim bài miễn tử cho các đoàn làm phim

Trước những ý kiến trái chiều, nhà sản xuất Quỳnh Hoa Nhất Dạ đã chia sẻ: “Vì thời Đinh – Tiền Lê trong sách sử không có nhiều tư liệu ghi chép nên khó tránh sẽ có một số sai sót”. Tuy nhiên, liệu đây là cái cớ hợp lý cho sự tắc trách của ê-kíp trong việc nghiên cứu? Đặc biệt là khi trang phục trong bộ phim được đánh giá là sai hoàn toàn so với ghi chép. Việc yêu cầu một ê-kíp “phục dựng” các yếu tố lịch sử trong một bộ phim đúng đến 100% là điều khó khăn. Tuy nhiên việc sáng tạo cũng cần dựa trên yếu tố lịch sử, cần có một “cái gốc” vững vàng. Không thể lấy cái cớ sáng tạo để mang đến những sự tùy hứng, ngoại lai và tự gọi đó là “truyền thống”.

Chúng ta hoan nghênh sự sáng tạo và đổi mới. Nhưng sáng tạo mang danh lịch sử mà không dựa trên gốc gác của văn hóa cội nguồn; không xem trọng việc nghiên cứu tìm hiểu, chính là vô trách nhiệm với di sản của tiền nhân.

Việc xây dựng nên một bộ phim dựa trên yếu tố lịch sử là một công việc kỳ công; yêu cầu sự tìm tòi và nghiên cứu cao. Các dự án này không chỉ mang tính giải trí mà còn đóng vai trò trong việc truyền bá lịch sử; nâng cao tinh thần yêu nước. Do đó, các nhà sản xuất cần ý thức được tầm quan trọng của mình để cho ra những tác phẩm đảm bảo về cả nội dung và hình ảnh.

-Vicma-