Các chương trình máy tính được định nghĩa như thế nào? Liệu các chương trình máy tính sẽ được bảo hộ dưới góc độ bản quyền như một tác phẩm văn học hay sáng chế như một sáng tạo?
Sáng chế
Theo khoản 12 Điều 4 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế tại Việt Nam được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế tại Việt Nam được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện về tính mới và trình độ sáng tạo.
Chương trình máy tính
Theo khoản 1 Điều 22 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ, chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Một số ví dụ về các chương trình máy tính có thể kể đến như:
- Một trình duyệt web như Mozilla Firefox và Apple Safari được sử dụng để xem các trang web trên internet.
- Một bộ phần mềm văn phòng có thể được sử dụng để viết các tài liệu hoặc bảng tính.
- Trò chơi video.
Bảo hộ sáng chế đối với chương trình máy tính
Chương trình máy tính là một đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 59 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ cũng đã quy định rằng các đối tượng không thể được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế là “Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;”
Theo đó, chương trình máy tính chắc chắn là đối tượng được bảo hộ dưới quyền tác giả chứ không phải sáng chế như nhiều người hay lầm tưởng. Tuy nhiên, liệu có trường hợp nào mà các chương trình máy tính lại được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế không?
Theo Điều 5.8.2.5 của Quy chế Thẩm định đơn đăng ký Sáng chế ban hành kèm theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, sáng chế liên quan đến chương trình máy tính là một dạng “sáng chế được thực hiện bởi máy tính.”
Cụm từ này nhằm chỉ các đối tượng liên quan đến máy tính, mạng máy tính hoặc các thiết bị lập trình được khác mà thoạt nhìn một hoặc nhiều dấu hiệu của đối tượng yêu cầu bảo hộ được thực hiện bởi (các) chương trình.
Mặc dù chương trình máy tính thuộc loại đối tượng không được bảo hộ nhân danh sáng chế, nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ có bản chất kỹ thuật và thực sự là một giải pháp kỹ thuật, nhằm giải quyết vấn đề bằng một phương tiện kỹ thuật để tạo ra một hiệu ứng kỹ thuật, nó có thể được bảo hộ như một bằng sáng chế.
Hay nói cách khác, nếu một chương trình máy tính khi chạy trên máy tính tạo ra một hiệu ứng kỹ thuật khác với các hiệu ứng vật lý thông thường thì chương trình đó có khả năng được bảo hộ như một bằng độc quyền sáng chế.
Do đó, một chương trình máy tính có thể được coi là có thể cấp bằng sáng chế nếu chương trình đó khi chạy trên máy tính có thể tạo ra một hiệu ứng kỹ thuật khác với các tương tác thông thường giữa chương trình và máy tính.
Đơn cử, một thao tác xử lý dữ liệu được điều khiển bởi chương trình máy tính mà về lý thuyết có thể được thực hiện một cách tương đương nhờ các mạch đặc biệt, và việc thực hiện chương trình luôn kèm theo các hiệu ứng vật lý, chẳng hạn các dòng điện, thì bản thân các hiệu ứng vật lý thông thường như vậy không đủ để làm cho chương trình có đặc tính kỹ thuật.
Tuy nhiên, nếu một chương trình máy tính, khi chạy trên máy tính, tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các hiệu ứng vật lý thông thường này thì chương trình đó có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Hiệu quả kỹ thuật khác này có thể là đã biết trong tình trạng kỹ thuật. Hiệu quả kỹ thuật trong trường hợp nêu trên có thể có trong việc điều khiển một quy trình công nghiệp, trong việc xử lý dữ liệu thể hiện các thực thể vật lý hay trong việc thực hiện chức năng bên trong của chính máy tính hoặc các giao diện của nó dưới tác động của chương trình này và có thể ảnh hưởng đến hiệu suất hoặc độ an toàn của quy trình, việc quản lý các tài nguyên của máy tính hoặc tốc độ truyền dữ liệu trên đường truyền.
Do đó, chương trình máy tính có thể được coi là có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế nếu chương trình này, khi chạy trên máy tính, có thể tạo ra hiệu quả kỹ thuật khác ngoài các tương tác thông thường giữa chương trình và máy tính.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp chương trình máy tính có khả năng được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế như nêu trên, thì trong yêu cầu bảo hộ, các đối tượng có tên được thể hiện bằng cụm từ như “chương trình máy tính”, “phần mềm máy tính”, “sản phẩm chương trình/phần mềm máy tính”, hoặc “tín hiệu mang chương trình”, và các cụm từ tương đương khác là không được chấp nhận.
Chương trình máy tính có thể được bảo hộ dưới dạng các đối tượng như phương pháp để vận hành một thiết bị thông thường, thiết bị được cài đặt để thực hiện phương pháp, vật ghi chứa chương trình để thực hiện phương pháp.
Quy trình thẩm định cấp bằng sáng chế các chương trình máy tính
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam gần đây đã xuất bản Phụ lục I, trong đó có các hướng dẫn bổ sung các quy định liên quan đến quy trình thẩm định chương trình máy tính.
Các hướng dẫn bổ sung này không phải để xác định yêu cầu về tính mới và trình độ sáng tạo. Thay vào đó, chúng là để xác định xem đối tượng có thể được cấp bằng sáng chế có bị loại trừ khỏi việc bảo hộ bằng sáng chế hay không.
Việc thẩm định đơn đăng ký sáng chế sẽ trải qua 2 giai đoạn chính: thẩm định hình thức và thẩm định nội dung.
Đối với các chương trình máy tính, quá trình này cũng giống như vậy. Tuy nhiên, do đối tượng chương trình máy tính này hầu hết được bảo hộ bởi luật bản quyền, các thẩm định viên sẽ chú trọng, kiểm tra chặt chẽ hơn vào khả năng cấp bằng sáng chế của đối tượng theo Luật SHTT Việt Nam.
Ở Việt Nam, sáng chế được định nghĩa là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nên phải có đặc tính kỹ thuật. Theo đó, nếu thẩm định viên xác định rằng đối tượng được yêu cầu thiếu các đặc tính kỹ thuật, chẳng hạn như sự hiện diện của phần cứng, đơn đăng ký sáng chế sẽ bị từ chối.
Nếu đối tượng được xác nhận quyền sở hữu có đặc tính kỹ thuật, thẩm định viên sẽ xem xét liệu nó có tạo ra các hiệu ứng kỹ thuật bổ sung vượt lên trên và ngoài các tương tác vật lý “bình thường” giữa chương trình (phần mềm) và máy tính (phần cứng) mà nó được chạy hay không. Nếu không, đơn đăng ký sẽ bị từ chối vì đối tượng không được coi là có thể cấp bằng sáng chế.
Quy chế Thẩm định đơn đăng ký Sáng chế có thể được tải về tại đây.