Tài sản trí tuệ (TSTT) hiện nay có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ đã trở thành nguồn lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh dư địa phát triển của nền kinh tế dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ đang ngày càng thu hẹp.

Xác định vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ (TSTT) đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đã được Đảng, Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy việc tạo dựng, quản lý và phát triển TSTT.

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ

Các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng duy trì liên tục và thường xuyên đổi mới phương thức thực hiện. Trong đó, có rất nhiều bài phát sóng truyền hình, phóng sự, bài báo, hội thảo, hội nghị khoa học trên khắp cả nước.

Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ đã góp phần tăng lượng đơn sở hữu công nghiệp nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ từ 10-12%/năm. Cụ thể như: đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và giải pháp hữu ích tăng từ 494 đơn (năm 2011) lên 1.505 đơn (năm 2020); đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tăng từ 1.200 đơn (năm 2011) lên 1.999 đơn (năm 2020); đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tăng từ 22.402 đơn (năm 2011) lên 47.293 đơn (năm 2020).

Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ

Bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP là một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 – 2020.

Trong giai đoạn này, có 1.148 sản phẩm đã được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.

Các sản phẩm OCOP đang được ngày càng ưa chuộng. (Ảnh: HNV)

Mục tiêu đến năm 2030

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để thực hiện được các mục tiêu của chương trình, Sở đã đưa ra 6 giải pháp quan trọng. Đó là, tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; khuyến khích đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; mở rộng, củng cố năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.