Theo luật pháp Việt Nam, các tài sản trí tuệ là những sản phẩm do con người sáng tạo nên và sẽ được bảo hộ theo quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của chủ sở hữu quyền và sẽ bị chế tài trừng phạt theo đúng quy định pháp luật cho từng vụ việc, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, phạm vi, ảnh hưởng,…

Hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ chính là hành vi xâm phạm đến các đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ. Các hành vi đó bao gồm:

  • Hành vi xâm phạm về nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý;
  • Hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí;
  • Hành vi xâm phạm quyền tác giả;
  • Hành vi xâm phạm các quyền liên quan;
  • Hành vi xâm phạm về bí mật kinh doanh.

Xác định tính chất và mức độ xâm phạm quyền SHTT

Khi diễn ra một vụ việc xâm phạm quyền SHTT, chủ sở hữu quyền cùng với các cơ quan chức năng cần xác định rõ tính chất và mức độ xâm phạm quyền SHTT để có thể tiến hành các thủ tục tiếp sau như kiện tụng, đòi bồi thường thiệt hại vật chất cũng như thiệt hại tinh thần.

Tính chất của hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ được xác định dựa trên các tiêu chí:

  • Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm: xâm phạm do vô ý, xâm phạm cố ý, xâm phạm do bị khống chế hoặc bị lệ thuộc, xâm phạm lần đầu, tái phạm;
  • Cách thức thực hiện hành vi xâm phạm: xâm phạm riêng lẻ, xâm phạm có tổ chức, tự thực hiện hành vi xâm phạm, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi xâm phạm.

Mức độ xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ được xác định dựa trên các tiêu chí:

  • Phạm vi lãnh thổ, thời gian, khối lượng, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm;
  • Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm.

Xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm

Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ có thể được chia thành:

1. Thiệt hại gây ra sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

2. Thiệt hại có thể được tính đến nếu có đủ các căn cứ như:

  • Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại;
  • Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích;
  • Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.

Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, bao gồm kết quả trưng cầu giám định và bản kê khai thiệt hại. Việc xác định mức độ thiệt hại sẽ được tính toán cẩn thận bởi các cơ quan chức năng dựa trên bằng chứng xác thực để xác định và làm rõ mức thiệt hại.

Tổn thất về tài sản

Tổn thất về tài sản do hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể được xác định theo mức độ giảm sút hoặc giá trị mất đi mà giá trị đó có khả năng tính được thành tiền.

Giá trị có khả năng tính được thành tiền được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:

  • Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
  • Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ;
  • Giá trị quyền sở hữu trí tuệ trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;
  • Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.

 Tổn thất về thu nhập, lợi nhuận

Thu nhập, lợi nhuận quy định trong việc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ bao gồm:

  • Thu nhập, lợi nhuận thu được do sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
  • Thu nhập, lợi nhuận thu được do cho thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
  • Thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận được xác định theo các tiêu chí:

  • So sánh trực tiếp mức thu nhập, lợi nhuận thực tế trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm, tương ứng với từng loại thu nhập;
  • So sánh sản lượng, số lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thực tế tiêu thụ hoặc cung ứng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm;
  • So sánh giá bán thực tế trên thị trường của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm.

 Tổn thất về cơ hội kinh doanh

Nhiều khi, tổn thất trực tiếp về tài sản hay thu nhập, lợi nhuận trong năm không phải là điều đáng lo ngại đối với nhiều doanh nghiệp nhưng tổn thất về cơ hội kinh doanh lại được coi là nghiêm trọng hơn cả.

Prison, Prison Cell, Jail, Crime, Prisoner, Criminal
Xác định thiệt hại và biện pháp khắc phục hậu quả trong hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Bởi lẽ sự tổn thất về cơ hội kinh doanh sẽ có thể khiến cho doanh nghiệp không thể nào tiếp tục phát triển, từ từ bị thị trường lãng quên, thậm chí tẩy chay và cuối cùng là khi dùng hết số tiền cuối cùng để trả lương cho nhân viên, doanh nghiệp sẽ bị phá sản do không còn có thể tiếp tục hoạt động.

Cơ hội kinh doanh bao gồm:

  • Khả năng thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh;
  • Khả năng thực tế cho người khác thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
  • Khả năng thực tế chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cho người khác;
  • Cơ hội kinh doanh khác bị mất do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra.

Trên thực tế, dẫu khó chứng minh hơn nhưng tổn thất về cơ hội kinh doanh cũng là thiệt hại về giá trị tính được thành tiền của khoản thu nhập đáng lẽ người bị thiệt hại có thể có được nếu hoạt động bình thường mà không bị ảnh hưởng bởi hành vi của bên xâm phạm.

Khắc phục, bồi thường thiệt hại

Để khắc phục những thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ gây nên, bên vi phạm sẽ phải bồi thường cho bên bị xâm phạm – chủ sở hữu quyền SHTT một giá trị tương đương với những thiệt hại từ hậu quả của hành vi xâm phạm.

Những khoản bồi thường cho hành vi xâm phạm có thể bao gồm:

  • Chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hoá xâm phạm;
  • Chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Chi phí để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi xâm phạm;
  • Chi phí cho việc thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm.

Chế tài hành chính

Thông thường, các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ ở quy mô trung và nhỏ sẽ chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt khác nhau dựa trên tính chất và quy mô của vụ việc.

Ngoài ra, bên vi phạm cũng có thể bị xử phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Hình phạt bổ sung được thực hiện qua hình thức tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn giấy phép có liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ. Đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ.

Việc khắc phục hậu quả bao gồm các biện pháp như:

  • Buộc tiêu huỷ vật phẩm, hàng hoá vi phạm;
  • Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hoá, phương tiện kinh doanh;
  • Buộc phân phối hoặc sử dụng vào mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại bình thường của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ.

Chế tài dân sự

Nếu cần thiết, chủ sở hữu quyền Sở hữu trí tuệ có thể thực hiện việc khởi kiện vụ án dân sự đối với bên xâm phạm quyền của họ, kể cả khi hành vi đó đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.

Theo quy định tại Điều 202 của Luật sở hữu trí tuệ, tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý vụ việc vi phạm quyền SHTT bao gồm:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc bồi thường thiệt hại;
  • Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Chế tài hình sự

Chế tài hình sự có thể được áp dụng nếu như hành vi xâm phạm quyền SHTT đủ yếu tố cấu thành tội phạm, gây nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.