Trong cuộc sống thường ngày chúng ta thường hay nghe đến các từ bản quyền hay tác quyền. Vậy bản quyền, tác quyền là gì? Không chỉ hiện diện ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bản quyền và tác quyền có mặt ở mọi nơi trong cuộc sống. Tỷ dụ như lời bài hát do bạn tự sáng tác ra, bài tập làm văn của con bạn, phần mềm của công ty, v.v…. Gần đây chương trình Rap Việt đang tạo được tiếng vang lớn trên truyền hình. Khi xem chương trình này, người viết bỗng nảy ra câu hỏi: “Khi một rapper viết một bài rap dựa trên một đoạn nhạc có sẵn thì liệu bài rap đó thuộc về rapper hay tác giả bài gốc, nhà sản xuất, giám đốc âm nhạc hay DJ?” 

Rap Việt là gì?

Rap Việt là chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng về rap được mua bản quyền từ chương trình The Rapper của Workpoint TV; do Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp cùng với công ty Vie Channel (thuộc DatViet V.A.C) sản xuất.  

Chương trình Rap Việt. Ảnh: tuoitre

Các thí sinh trong chương trình Rap Việt sẽ tự lựa chọn một ý tưởng, sản phẩm trong văn hóa đại chúng để remake (sáng tạo lại) bằng lời rap của bản thân mình. Đó có thể là một bài dân ca, một đoạn nhạc, thậm chí chỉ là tiếng vỗ tay, tiếng gió thổi,… Đối với một rapper, tất cả các âm thanh trên đời đều có thể là nguồn cảm hứng để viết nên các tác phẩm kiệt xuất. Tuy nhiên, các bài hát dự thi hầu hết đều là dựa trên một bài hát gốc của một tác giả khác.

Low VS Quá Lâu

Ví dụ, rapper Tez (Nguyễn Đình Dương) hát bài “Low” (do Tez đặt tên) dựa trên đoạn nhạc của bài “Quá Lâu” do nhạc sĩ Vĩnh Khuất sáng tác. Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019), Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm nghệ thuật, văn học, khoa học do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật SHTT bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản (Điều 18 Luật SHTT).

Vậy nên, chỉ có tác giả hoặc tổ chức thuê tác giả mới có quyền tác giả đối với tác phẩm gốc. Trong trường hợp này, ca sĩ Vĩnh Khuất là chủ sở hữu hoàn toàn của quyền tác giả đối với bài hát “Quá Lâu”.  

Sự khác biệt giữa tác phẩm gốc với tác phẩm phái sinh

Các rapper trong chương trình Rap Việt được phép sử dụng bài hát gốc của các tác giả, nghệ sĩ khác để viết nên bài rap của chính mình. Với điều kiện là người rapper đó đã xin phép đầy đủ quyền sử dụng. Đồng thời được tác giả bài hát gốc đồng ý. Cần khẳng định rằng bất cứ khi nào một người sử dụng ca khúc hay tác phẩm của người khác dưới bất kì hình thức nào nhằm tạo ra một sản phẩm mới thì tác phẩm mới đó đã trở thành một tác phẩm phái sinh. Khoản 4 Điều 8 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019) định nghĩa: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.” 

Như vậy, khi một thí sinh sáng tác ra một bài rap dựa trên đoạn nhạc của một bài hát khác, thì tác phẩm được sáng tác ra đó chính là tác phẩm phái sinh. Và giống như tác phẩm gốc, quyền tác giả của tác phẩm phái sinh là quyền tự động, phát sinh ngay từ khi tạo ra tác phẩm, được pháp luật bảo hộ mà không cần phải đăng ký. Vậy nên theo lí thuyết, người thí sinh đó đã mặc định sở hữu quyền tác giả của bài rap ngay từ khi nó được sáng tác ra.  

Định nghĩa quyền tác giả

Quyền tác giả phái sinh cũng như quyền tác giả, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, quyền nhân thân đối với tác phẩm phái sinh đã tự động gắn liền với tác giả của tác phẩm phái sinh mà không thể bị tước đoạt. Về quyền tài sản, điều 115 của BLDS định nghĩa: “quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. 

Do đó, ta có thể khẳng định rằng quyền tác giả đối với bài gốc vẫn thuộc về tác giả bài gốc, quyền nhân thân với tác phẩm phóng tác, chuyển thể, cải biên gắn liền với tác giả của tác phẩm phái sinh. Vậy quyền tài sản với tác phẩm trong chương trình Rap Việt thì sao?  

Tranh chấp bản quyền Rap Việt 

Tranh chấp bản quyền liên quan đến chương trình Rap Việt  

Tháng 9 năm 2020, công ty cổ phần Vie Channel đòi bồi thường 9,5 tỷ đối với Công ty Spotify AB do vi phạm nghiêm trọng bản quyền “Rap Việt” và “Người ấy là ai?”. Cơ sở của vụ kiện dựa trên việc Spotify AB vi phạm bản quyền 19 bài hát của chương trình Rap Việt (thiệt hại 2,28 tỉ đồng) và 19 tập phát sóng chương trình Người ấy là ai (thiệt hại 7,25 tỉ đồng). 

Việc khởi kiện của Vie Channel đối với Spotify AB cho thấy cơ sở lập luận của vụ kiện dựa trên việc 19 bài hát Rap Việt của các rapper trong chương trình Rap Việt thuộc sở hữu của Vie Channel. Điều này dẫn đến suy diễn Vie Channel sở hữu quyền tài sản đối với các bài rap, hay tác phẩm phái sinh được thể hiện trong chương trình Rap Việt. Vụ kiện diễn biến như thế nào chúng ta cùng chờ đợi và theo dõi tiến trình giải quyết của Tòa án. Cũng cần dành những lời khen cho Vie Channel đã sử dụng tốt Luật Sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền đối với chương trình truyền hình của mình. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu tâm vấn đề này để hình thành kháng sinh với con virus mang tên “Vi phạm bản quyền”. 

Xác định quyền tác giả 

Từ những phân tích nêu trên có thể đưa ra kết luận như sau về xác định quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm như sau: tác giả bài hát gốc có đầy đủ các quyền với các bài hát gốc của mình. Các rapper, tác giả tác phẩm phái sinh, có các quyền tác giả đối với các tác phẩm Rap của mình. Nhà sản xuất, trên danh nghĩa của thí sinh sử dụng bài hát phải xin phép hoặc trả tiền cho tác giả bài gốc để phóng tác.

Nhà sản xuất sẽ có quyền sở hữu tác phẩm phóng tác cũng như có quyền liên quan như công bố, quyền mua bán bản ghi âm, ghi hình bài biểu diễn hay nói rộng ra là có quyền sở hữu với các tác phẩm âm nhạc trong khuôn khổ chương trình. Bởi vì họ chính là người trả tiền, người đầu tư tổ chức chương trình, mua bản quyền chương trình, ký hợp đồng với các bên liên quan, trả tiền thuê giám đốc âm nhạc, v.v….  

Luật sở hữu trí tuệ hiện diện trên khắp các lĩnh vực trong xã hội hiện nay. Dù bạn chỉ vô tình chế ra một bài hát dựa trên một tác phẩm của một ca sĩ khác, bạn đã có nguy cơ vi phạm bản quyền và phải trả giá bằng hàng chục, hàng trăm triệu đồng, có khi lên đến hàng tỷ đồng. Do đó, để tránh việc vô tình hay cố ý vi phạm bản quyền, quyền tác giả, ta phải trang bị thật vững chắc hành trang tri thức để bảo vệ bản thân và các tác phẩm của mình. 

-Monster Hunter-