Có thể nói các nhân vật như Mario, Pokémon và các nàng công chúa của Disney là một phần tuổi thơ của mỗi chúng ta. Và bây giờ nhìn lại, chúng đều đã trở thành những thương hiệu truyền thông khổng lồ, ăn khách nhất thế giới. Dưới dây là Top 10 nhân vật bản quyền ăn khách nhất lịch sử.

Pokémon

Ra mắt từ năm 1996, hình ảnh những chú Pokémon hay tiêu biểu nhất là Pikachu đã phổ biến toàn cầu. Pokémon GO ra mắt vào giữa năm 2016 đã tạo nên cơn sốt chưa từng có. Trò chơi đã phá kỷ lục tải về với 135 triệu lượt tải. Năm 2018, Pokémon GO lọt vào top trò chơi di động doanh thu cao nhất, kiếm về 795 triệu USD.

Pokémon chính là thương hiệu truyền thông có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại với doanh thu cao nhất lịch sử  khiến các thương hiệu khác khó có thể vượt qua. Con số ghi nhận được cho đến thời điểm hiện tại là hơn 92,1 tỷ USD. Trong đó đóng góp nhiều nhất là các mặt hàng ăn theo với hơn 61 tỷ USD. Ngoài ra, Nintendo còn kiếm bộn từ video game với 17 tỷ USD, 10 tỷ USD từ thẻ bài, cùng nhiều hoạt động truyền thông sinh lời khác.

Chỉ riêng các mặt hàng ăn theo “Pokémon” đã kiếm về hơn 60 tỷ USD

Hello Kitty

Đứng ngay sau Pokémon cũng là một đồng hương khác đến từ Nhật Bản đó là Hello Kitty. Hello Kitty đã kiếm được 80 tỷ USD chủ yếu nhờ bán các mặt hàng ăn theo. Chỉ có một khoản rất nhỏ chưa tới 30 triệu USD là từ truyện tranh hay âm nhạc. Nếu xét riêng doanh thu từ bán các vật phẩm ăn theo, có thể nói mèo Nhật Bản Hello Kitty là thương hiệu giàu nhất.

https://www.brandsvietnam.com/upload/forum2/2019/10/11_1570061635.jpg
Nếu xét riêng doanh thu từ bán các vật phẩm ăn theo, có thể nói mèo Nhật Bản Hello Kitty là thương hiệu giàu nhất.

Winnie Pooh, Mickey Mouse và Star Wars

Không thể không kể đến Walt Disney khi nói về bản quyền nhân vật. Họ sở hữu cho mình 3/5 vị trí cao nhất trong danh sách các thương hiệu. Lần lượt là Winnie Pooh (75 tỷ USD), Mickey Mouse (70,5 tỷ USD), Star Wars (65,6 tỷ USD). Đối với gấu Pooh và chuột Mickey, doanh thu từ hàng hóa ăn theo chiếm phần lớn, lần lượt là 74,5 tỷ USD và 69,8 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu từ các bộ phim rất nhỏ.

Disney chiếm 3 vị trí trong top 5 thương hiệu truyền thông ăn khách nhất

Đối với vị trí thứ 5, Star Wars thì khác. Đây là một biểu tượng của nền văn hóa đại chúng Mỹ. Mặc dù phần doanh thu từ sản phẩm ăn theo vẫn chiếm nhiều nhất, hơn 40 tỷ USD, nhưng tổng doanh thu từ phim chiếu rạp và phim phòng khách đã vượt qua con số 18 tỷ USD. Star Wars là một trong những thương hiệu điện ảnh chủ chốt của Disney trong cuộc chiến streaming video.

https://www.brandsvietnam.com/upload/forum2/2019/10/13_1570061756.jpg

Anpanman

Đứng ở vị trí thứ 6, Anpanman là thương hiệu ít được biết đến tại Việt Nam. Đây là một trong những bộ anime phổ biến nhất tại đất nước mặt trời mọc dành cho các em nhỏ. Với độ nổi tiếng không kém gì Hello Kitty, thương hiệu này đã thu về 60,2 tỷ USD; hầu như cũng nhờ vào bán sản phẩm ăn theo.

Các vị trí sau đó lần lượt là thương hiệu Công chúa Disney (Disney Princess) xếp thứ 7 với 45,1 tỷ USD. Thứ 8 là Mario, thương hiệu video game thành công nhất mọi thời đại với doanh thu 36,1 tỷ USD. Trong đó, riêng video game đóng góp 30 tỷ USD, cao hơn cả Pokémon.

Thương hiệu truyện tranh Jump/Jump Shounen ở Nhật, Harry Potter của nước Anh lần lượt chiếm nốt hai vị trí cuối trong top 10. Doanh thu ghi nhận lần lượt là 34,1 tỷ USD và 30,8 tỷ USD. Trong khi tạp chí Jump Shounen chủ yếu kiếm tiền nhờ xuất bản truyện tranh (33 tỷ USD), doanh thu của cậu bé phù thủy đa dạng hơn nhiều. Harry Potter kiếm 9,1 tỷ USD từ phòng vé, 7,7 tỷ USD từ bán sách tiểu thuyết, 7,3 tỷ USD từ các mặt hàng ăn theo khác.

-Vicma-