Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục có hành vi nhắm vào Áo Dài Việt Nam. Cuối tháng 10/2019, một thương hiệu bản xứ của Trung Quốc – Ne-Tiger đã giới thiệu bộ sưu tập trang phục giống Áo Dài Việt Nam cùng nón lá tại tuần lễ thời trang Xuân – Hè 2019 ở Bắc Kinh. Tờ China Daily còn gọi đó là Chinese style (phong cách Trung Hoa). Tháng 10/2020, trong phần thi tài năng cuộc thi Miss Earth, Jie Ding – thí sinh đại diện của Trung Quốc đã diện bộ trang phục giống hệt với trang phục truyền thống Áo Dài của Việt Nam.

Và một lần nữa, ngày 25/10, nữ nhiếp ảnh gia Trần Mạn nổi tiếng của Trung Quốc đã đăng tải những bức ảnh mặc trang phục chú thích là do chính cô thiết kế. Bài đăng này đã gây rất nhiều tranh cãi; bởi những trang phục trên có nhiều điểm tương đồng với Áo Dài Việt Nam.

Không chỉ vậy, hình ảnh cô gái mặc Áo Dài trắng cũng xuất hiện trên bao bì một số hàng hóa xuất khẩu của Trung. Những bộ trang phục giống hệt Áo Dài được bày bán tràn lan dưới cái tên sườn xám cách tân. Liệu Áo Dài và sườn xám cách tân có phải một như Trung Quốc đang cố khẳng định hay không? Chúng ta cùng ngược dòng lịch sử tìm về nguồn gốc của Áo Dài nhé.

Nguồn gốc của Áo Dài

Cải cách trang phục năm 1744

Áo Dài bắt nguồn từ áo năm thân lập lĩnh (cổ đứng) dưới thời Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát. (Áo ngũ thân: áo may bằng 5 khổ vải. Vạt trước 2 khổ, vạt sau 2 khổ, thân bên phải dôi ra 1 khổ ngắn). Sau khi xưng vương, Nguyễn Phúc Khoát đã thực hiện một cuộc cải cách lớn, bao gồm: thay đổi một số tập tục; đổi mới trang phục trong cung đình và dân gian ở Đàng Trong; và xóa bỏ các “thói tục hủ lậu”. Mục đích là để phân biệt hoàn toàn với Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra, do vua Lê chúa Trịnh cai trị), và tạo nên “một cõi y quan văn hiến” độc lập.

Theo Ngàn năm áo mũ, năm 1744, Vũ Vương đã ra lệnh đổi mới toàn bộ trang phục của cung đình, văn võ bá quan và cả trong dân gian. Áo Dài phát triển từ áo năm thân, đồng thời tham khảo từ cách ăn mặc của các triều Hán, Đường, Tống, Minh của Trung Quốc, đặc biệt là thời Minh. Tuy nhiên, sau đó Áo Dài đã phát triển theo hướng độc lập. Do đối trọng với chúa Trịnh ở phía Bắc nên Đàng Trong không giao du với nhà Minh.

Quốc phục triều Nguyễn

Năm 1744 còn đánh dấu sự xuất hiện của quần chân áo chít (quần 2 ống chân cùng Áo Dài năm thân). Bộ trang phục này ban đầu được áp dụng tại 2 vùng Thuận Hóa và Quảng Nam. Về sau được phổ biến rộng rãi ở Đàng Trong và dần trở thành quốc phục triều Nguyễn.

Sự kiện cải cách năm 1744 đã ảnh hưởng rất lớn tới trang phục và phong tục của người Việt Đàng Trong, cũng như người Việt triều Nguyễn về sau. Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát được xem là người có công sáng chế ra áo năm thân và định hình Áo Dài ngày nay. 

Sự khác biệt giữa Áo Dài và Sườn Xám (trường sam)

Do lấy ý tưởng từ trang phục thời Minh, Áo Dài có một số chi tiết khá giống với Sườn Xám. Tuy vậy, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tự tin khẳng định Áo Dài là thiết kế của người Việt Nam; và Áo Dài có những điểm đặc biệt khác hẳn với Sườn Xám của nước bạn.

Áo Dài được kết hợp với quần dài, còn sườn xám thì không. Ảnh: deviantart

Kết hợp với quần

Điểm khác biệt đầu tiên phải kể đến là Áo Dài luôn được mặc cùng với quần dài; còn sườn xám thì không. Bởi Áo Dài có đường xẻ tà cao từ eo xuống. Vậy nên không thể chỉ mặc mỗi áo mà không có quần. Sườn xám thường xẻ tà từ ngang hông hoặc ngang gối.

Sườn Xám và Áo Dài khác nhau ở phần khuy. Ảnh: deviantart

Phân biệt qua phần khuy

Sự khác biệt thứ hai là ở phần khuy cài. Sườn xám có phần khuy bằng vải đặc trưng, gọi là khuy Tàu. Khuy Tàu được buộc và tạo hình kỳ công, phức tạp. Còn Áo Dài thường sử dụng khuy bấm hoặc móc cài bên trong để không lộ phần khuy ra ngoài. Áo dài cũng có một số mẫu thiết kế khuy vải nhưng chỉ với mục đích trang trí; còn sườn xám lại dùng những khuy vải này để cố định 2 phần của váy.

Sườn Xám và Áo Dài khác nhau ở phần khuy và tay áo. Ảnh: deviantart

Thiết kế tay áo

Một điểm khác nữa ở Áo Dài truyền thống là phần tay áo luôn là dài tay. Thậm chí, Áo Dài hiện nay cũng luôn có tay áo dù ngắn hay dài. Trừ một số thiết kế mới lạ không tay cổ yếm chỉ mới xuất hiện gần đây. Còn sườn xám thì đa dạng hơn về độ dài tay áo. Từ dài tay, ngắn tay đến không có tay áo (sát nách).

Phân biệt Áo Dài và Sườn Xám qua phần tay áo. Ảnh: deviantart

Ngoài ra, phần tay của Áo dài thường được may theo kiểu Raglan còn sườn xám thì không. Raglan là kiểu may ráp thân áo và ống tay áo bằng cách nối theo một đường chéo từ cổ áo xuống nách.

Trên đây là một số điểm khác biệt nhất định giữa Sườn xám Trung Quốc và Áo Dài Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đã xảy ra tình trạng các shop quần áo tại Việt Nam nhập các sản phẩm từ Trung Quốc về bán. Những sản phẩm này được quảng cáo là “áo dài cách tân”. Vấn đề này cũng đã gây tranh cãi trong cộng đồng mạng Việt-Trung suốt một thời gian. Để tránh tình trạng này, chúng ta cần hiểu rõ hơn đặc điểm của trang phục truyền thống nước mình. Bên cạnh đó, cần trân trọng hơn giá trị bản sắc văn hóa ở Áo Dài. Cách tân nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống thướt tha dịu dàng của tà Áo Dài.

Áo Dài chưa phải quốc phục Việt Nam?

Nghe có vẻ khó tin nhưng đây lại là sự thật. Từ những cô nữ sinh duyên dáng dịu dàng, đến những nguyên thủ quốc gia trong các buổi ngoại giao; từ các dịp lễ hội, đến các đấu trường sắc đẹp quốc tế, Áo Dài là trang phục rất đỗi thân thuộc với người dân Việt Nam. Thậm chí nhắc đến Áo Dài, người ta nghĩ ngay đến Việt Nam; đến hình ảnh những cô gái Việt xinh đẹp rạng ngời với tà áo dài thướt tha. Thế nhưng, Áo Dài vẫn chưa được công nhận là quốc phục của Việt Nam vì một số nguyên nhân sau:

1. Chưa thống nhất trang phục

Khi công bố quốc phục hay lễ phục nhà nước thì phải công bố cả trang phục nam lẫn trang phục nữ. Áo Dài lại được quan niệm là trang phục dành cho nữ. Trong từ điển Oxford, từ “Áo dài” (ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) cũng được định nghĩa là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam; với thiết kế 2 tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài. Các trang phục truyền thống cho nam cũng khá đa dạng. Do đó, việc chọn lễ phục cho nam đang vấp phải nhiều tranh cãi, chưa đi đến thống nhất.

2. Chưa có thiết kế mẫu

Bên cạnh đó, vấn đề còn nằm ở việc thiết kế bộ quốc phục mẫu. Các nhà thiết kế thời trang được yêu cầu thiết kế bộ mẫu để đưa vào phổ biến. Nhưng các mẫu thiết kế cần phải kế thừa dòng chảy lịch sử, giữ gìn và nâng tầm nét đẹp văn hóa của Áo Dài. Và điều khó khăn là ai sẽ được ghi danh là tác giả của quốc phục/lễ phục.

3. Vấn đề pháp lý??

Cuối cùng là một lý do có vẻ khó hiểu. Đó là vấn đề pháp lý. Việt Nam chúng ta KHÔNG CÓ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN ĐỂ PHÊ DUYỆT công nhận quốc phục bằng văn bản hành chính. Tức là, dù hai nguyên nhân trên được giải quyết, toàn dân đồng lòng thống nhất, cũng không có ai được phép ký xác nhận. Đem đưa Thủ tướng hay Quốc hội ký cũng không được. Bởi nước chúng ta chưa có quy định về việc này, trong Hiến pháp cũng không đề cập tới. Cũng vì thiếu cơ sở pháp lý (chưa được công nhận là quốc phục/lễ phục) mà chúng ta chưa thể đăng ký bản quyền Áo Dài.

Thậm chí, việc công nhận hoa sen là quốc hoa của Việt Nam cũng gặp khó khăn, bởi không biết ai có thẩm quyền ký ban hành. Vậy phải làm gì để Việt Nam chính thức “giấy trắng mực đen” sở hữu chủ quyền Áo Dài? Đến khi nào những biểu tượng văn hóa như quốc phục, quốc hoa của Việt Nam mới được công nhận?

Truyền thông là vũ khí

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang gấp rút chuẩn bị hồ sơ đăng ký để UNESCO công nhận Áo dài là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nước ta đang nỗ lực không ngừng qua các chiến dịch quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với những bản sắc văn hóa rất riêng đến với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc dường như đang có ý “nhăm nhe” Áo Dài Việt Nam. Bằng chứng là những vụ việc ăn cắp Áo Dài xảy ra liên tiếp gần đây đều có sức truyền thông rất mạnh. (cuộc thi Miss Earth, nhà thiết kế Trần Mạn nổi tiếng thế giới,..) Liệu đây chỉ là một sự trùng hợp; hay là một chiến lược ăn cắp bài bản của chính quyền?

Có thể nói, truyền thông là vũ khí mạnh mẽ nhất hiện nay. Tại sao Trung Quốc có thể dùng Việt Nam ta lại không. Nếu cả xã hội, các nhà thiết kế, các nhà văn hóa và truyền thông chung sức đồng lòng mạnh mẽ hơn nữa; thì có lẽ sẽ không còn tình trạng “nhận vơ” Áo Dài, nón lá hay Hoàng Sa, Trường Sa là của mình nữa. Cần nêu cao hơn nữa tinh thần dân tộc để sẵn sàng đáp trả bất kỳ ai dám động vào chủ quyền lãnh thổ hay chủ quyền văn hóa của đất nước Việt Nam ta.

– Rùa –