Phong cách hội hoạ độc đáo của Edward Hopper đã giúp ông có một vị trí đặc biệt trong tâm trí của các nhà làm phim. Điều này đã khiến ông trở thành một trong những nghệ sĩ được ngưỡng mộ nhất trong thế giới điện ảnh. Được biết đến với việc tập trung vào các chủ đề về đời thường và khả năng gợi lên những phản ứng cảm xúc sâu sắc, các tác phẩm của Hopper đã vượt qua khuôn khổ của các bức tranh và để lại tác động lâu dài đến phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh trong các bộ phim.
Hành trình của Edward Hopper: Từ người nghệ sĩ nghèo đến thành công đáng ngưỡng mộ
Vào những năm 1910, Edward Hopper là một hoạ sĩ khốn khó, phải vật lộn để kiếm sống và phát triển phong cách hội họa đặc biệt của mình. Đến những năm 1920 và 1930, ông đã trở thành một nghệ sĩ thành công, tạo ra những tác phẩm nổi tiếng và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thế kỷ 20. Bên cạnh niềm đam mê với hội hoạ, Hopper cũng là một người hâm mộ điện ảnh cuồng nhiệt, điều này đã có ảnh hưởng lớn đến các tác phẩm của ông và sau này là thế giới điện ảnh.
Cách tiếp cận hội họa mang tính điện ảnh của Hopper đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà làm phim, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới của Hollywood. Đạo diễn Alfred Hitchcock, người nổi tiếng với sự chăm chút tỉ mỉ tới từng khung hình, đã được truyền cảm hứng từ kỹ thuật hội hoạ của Hopper. Bộ phim Psycho được phát hành năm 1960 của Hitchcock là một ví dụ điển hình cho ảnh hưởng này, với những khung cảnh được dàn dựng cẩn thận gợi nhớ đến phong cách nghệ thuật của Hopper.
Sau khi Hopper qua đời vào năm 1967, ảnh hưởng của ông đối với thế giới điện ảnh ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Các đạo diễn thế hệ mới đặc biệt bị thu hút bởi cách miêu tả của Hopper về sự thay đổi của xã hội và sự cô lập về cảm xúc. Các tác phẩm của Hopper đã trở thành tiêu chuẩn cho những nhà làm phim của thế hệ mới, những người tìm cách nắm bắt cảm xúc nội tâm và nỗi buồn trong từng khung hình.
Bức tranh South Carolina Morning (1955) là minh chứng cho khả năng làm chủ không gian âm và cô lập cảm xúc của Hopper. Nhân vật trong bức tranh, giống như những nhân vật trong các tác phẩm khác của Hopper, xuất hiện tách biệt và cô lập, buộc người xem phải truyền cảm xúc của chính họ vào trong những nhân vật đó. Kỹ thuật này đã được sử dụng hiệu quả trong các bộ phim như Blade Runner (1982) và Paris, Texas (1984), cả hai tác phẩm điện ảnh này đều sử dụng kỹ thuật hình ảnh của Hopper để truyền tải sự không hài lòng của nhân vật đối với hoàn cảnh của mình.
Những lời tri ân của điện ảnh dành cho Edward Hopper
Bộ phim Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott (1982) là một câu chuyện trinh thám viễn tưởng lấy cảm hứng từ phong cách hội hoạ đặc biệt của Hopper. Đạo diễn Ridley Scott đã giữ một bản sao bức tranh Nighthawks của Hopper bên mình trong suốt quá trình sản xuất phim, để lấy cảm hứng sáng tạo ra thế giới đầy tính thẩm mỹ nhưng đen tối của Blade Runner. Việc nhân vật chính của phim phải liên tục di chuyển trong những không gian đông đúc để thẩm vấn những kẻ tình nghi, là biểu hiện của sự cô lập thường thấy trong các tác phẩm của Hopper.
Ngược lại, tác phẩm Paris, Texas (1984) của đạo diễn Wim Wenders, là một cuộc khám phá về nỗi đau buồn và sự cô đơn. Wenders và nhà quay phim Robby Müller xây dựng những cảnh quay ấn tượng về mặt hình ảnh, cho phép người xem nán lại và cảm nhận sức nặng từ cảm xúc, giống như những bức tranh của Hopper. Sự ngưỡng mộ của Wenders dành cho Hopper còn được thể hiện với việc tái tạo lại quán ăn Nighthawks trong bộ phim The End of Violence (1997) và đạo diễn một đoạn phim ngắn 3D có tựa đề “Two or Three Things I Know About Edward Hopper” (2020).
Bên cạnh đó, phong cách hội hoạ của Hopper vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến các bộ phim truyền hình hiện đại. Các tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng cho các bộ phim như Road to Perdition (2002) hay Twin Peaks: The Return (2017) của đạo diễn David Lynch. Các bộ phim này chứa đầy những khung hình giống với các tác phẩm của Hopper, với việc sử dụng hình ảnh đơn giản nhưng giàu cảm xúc để kể câu chuyện của bộ phim.
Tương tự, bộ phim Better Call Saul (2015-22) cũng đã liên tục sử dụng không gian âm và cấu trúc góc cạnh, để tạo nên khung cảnh các phiên toà hay các cuộc tranh luận căng thẳng. Đạo diễn Peter Gould mô tả hiệu ứng này là “một hòn đảo ánh sáng giữa đại dương tăm tối”, câu nói này đã thể hiện sự ngưỡng mộ của đạo diễn này với khả năng của Hopper trong việc gợi lên những cảm xúc phức tạp chỉ thông qua hình ảnh đơn giản. Cách tiếp cận này đã khiến Better Call Saul được ca ngợi là một trong những series phim có hình ảnh đẹp nhất mọi thời đại.
Edward Hopper đã thành công khẳng định phong cách độc nhất vô nhị của mình, tuy nhiên ông cũng đã trở thành một trong những nghệ sĩ bị bắt chước nhiều nhất trong lịch sử. Những mối quan tâm và phương pháp nghệ thuật bất hủ của ông đã tạo được tiếng vang qua nhiều năm. Cho dù trong một bộ phim kinh dị slasher năm 1960, một bộ phim năm 1984 hay một bộ phim truyền hình dài tập năm 2017, tầm ảnh hưởng của Hopper vẫn được thể hiện rất rõ ràng. Mặc dù chưa bao giờ thực sự tham gia vào lĩnh vực điện ảnh nhưng những đóng góp của Hopper đối với lĩnh vực này là không thể phủ nhận.