Hôm 17/6 vừa qua, 164 thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí thông qua thỏa thuận tạm thời miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 để các quốc gia có khả năng sản xuất hàng loạt loại vaccine này có thể tiến hanh sản xuất mà không phải lo ngại về việc vi phạm quyền SHTT.

Thời hạn miễn trừ quyền đối với vaccine sẽ là 5 năm. Ngoài thỏa thuận miễn trừ, cuộc họp của WTO cũng nhất trí về các thỏa thuận khác như trợ cấp đánh bắt cá và an ninh lương thực, cùng các vấn đề thương mại điện tử, ứng phó đại dịch trên thế giới và cải tổ tổ chức.

Đây là một bước tiến lớn cho toàn thể nhân loại trong cuộc chiến chống lại virus Covid-19 khi mà đề nghị miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 đã được Nam Phi và Ấn Độ kêu gọi từ hồi tháng 10 năm 2020 – khi mà đại dịch mới chỉ bắt đầu có những ảnh hưởng đáng chú ý, coi trọng.

Vậy là đã tròn 20 tháng kể từ khi đề xuất ấy được đưa ra, WTO mới có thể miễn cưỡng chấp nhận việc miễn trừ, mặc dù chỉ là tạm thời trong 5 năm.

WTO miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 trong 5 năm

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thỏa thuận của WTO vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trước đó của các nước rằng lệnh miễn trừ sẽ áp dụng với mọi quốc gia và cả với thiết bị xét nghiệm, phương pháp điều trị Covid-19.

Theo thỏa thuận hôm 17/6 của WTO, các thành viên tổ chức có 6 tháng để xem xét liệu có áp dụng lệnh miễn trừ quyền cho “việc sản xuất và cung cấp thiết bị chẩn đoán, điều trị Covid-19” hay không.

Diễn ra tại trụ sở của tổ chức ở Geneva, các cuộc đàm phán của WTO bắt đầu hôm 12/6 và dự kiến kết thúc vào ngày 15/6. Tuy nhiên, 164 thành viên của tổ chức đã đàm phán liên tục và chỉ đi đến thỏa thuận sau các cuộc thảo luận xuyên đêm đến ngày 17/6.

Liệu việc miễn trừ có còn ý nghĩa?

Nếu đề xuất miễn trừ được thông qua vào năm 2020, hay thậm chí là năm 2021 thì chắc chắn là các quốc gia sẽ nhanh chóng thực hiện việc sản xuất hàng loạt trên quy mô toàn cầu và phân phát cho các quốc gia còn thiếu vaccine. Tuy nhiên, hiện tại đã qua tháng 6 năm 2022, liệu việc miễn trừ có còn ý nghĩa?

Hiện tại, Việt Nam và đa số các quốc gia phát triển khác đều đã hoàn tất việc tiêm vaccine mũi 3 từ nhiều tháng trước và hiện tại đang xem xét việc có nên tiêm vaccine mũi thứ 4 hay không, chứ không phải xem xét về việc liệu số lượng vaccine cho mũi thứ 4 cho 100 triệu dân có đủ hay không.

Điều này là bởi vaccine hiện không phải mặt hàng hiếm khi xem xét trên quy mô toàn cầu và chắc chắn rằng các quốc gia có khả năng sản xuất vaccine hiện đã có đủ, thừa vaccine cho bản thân và để phân phát cho các quốc gia còn lại.

Theo đó, nhiều người đã lên tiếng chỉ ra rằng việc miễn trừ quyền SHTT bây giờ không có ý nghĩa thực chất và thực tế chỉ là chiêu trò để cố gắng gỡ hồi tên tuổi của các công ty dược, cũng như các quốc gia kịch liệt phản đối đề xuất từ đầu.