Ngày 19 tháng 8 năm 2022, Sconnect Việt Nam đã nộp đơn khởi kiện Entertainment One UK Limited (EO) vì hành vi xâm hại quyền tác giả đối với phim hoạt hình Wolfoo của Sconnect lên tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Sconnect là doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam với ngành nghề sản xuất các video, phim hoạt hình về chủ đề giáo dục, giải trí tại các nền tảng YouTube, Facebook, Tiktok trên thị trường quốc tế.

Là đơn vị sản xuất phim hoạt hình trẻ, Sconnect thuộc top 10 công ty hàng đầu về sản xuất phim hoạt hình và kinh doanh trên nền tảng xã hội.

Bên trái là sản phẩm hoạt hình Peppa Pig, bên phải là sản phẩm hoạt hình Wolfoo.

Đơn kiện của Sconnect đã được tòa án Hà Nội thụ lý và đang trong quá trình điều tra, xem xét.

Theo nội dung của đơn kiện, Sconnect tố EO thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo điểm b, khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ.

Theo đó, Sconnect Việt Nam – nguyên đơn đề nghị tòa xem xét đưa ra phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và công khai xin lỗi Sconnect trên 3 tờ báo quốc tế.

Đơn kiện của Sconnect – Wolfoo

Trong đơn khởi kiện gửi tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Sconnect cho biết, từ năm 2018 công ty này bắt đầu đăng tải các video phim hoạt hình Wolfoo lên các kênh YouTube.

Do nền tảng mạng xã hội Youtube có trả phí thông qua quảng cáo, Sconnect thu được một khoản lợi nhuận không nhỏ từ lượt xem video.

Đến nay, Wolfoo đã có hơn 50 triệu người đăng ký qua nhiều kênh khác nhau thuộc sở hữu của Sconnect, đạt tổng cộng hơn 30 tỉ lượt xem. Vì lượng lớn người xem đăng ký, Sconnect đã nhận được 3 nút kim cương và hàng chục nút vàng, nút bạc của YouTube (tặng thưởng dựa trên lượt đăng ký lần lượt là 10 triệu, 1 triệu và 100 nghìn).

Ngoài ra còn có 2 giải thưởng đặc biệt khác của Youtube là giải Custom Creator (Nhà sáng tạo tài năng) với kênh Youtube đạt 50 triệu lượt xem và nút Play kim cương đỏ nhưng để đạt được giải thưởng này cần 100 triệu lượt đăng ký. Đến hiện nay chỉ có 4 kênh youtube trên toàn thế giới đạt được giải thưởng này.

Wolfoo v. Peppa Pig

Vào tháng 8 năm 2022, Sconnect phát hiện EO nhận là chủ sở hữu của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo cùng nhiều video phim hoạt hình Wolfoo trên YouTube.

Sau đó, EO sử dụng các video này để làm căn cứ kết luận các video phim hoạt hình Wolfoo gốc của Sconnect (những video được đăng tải ở các kênh YouTube của Sconnect) là sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các video phim hoạt hình Wolfoo mà họ đưa ra.

Theo đó, từ tháng 11 năm 2021, EO đã thông báo với YouTube rằng các sản phẩm phim hoạt hình Wolfoo là sản phẩm làm lại của phim hoạt hình Peppa Pig (mà EO là chủ sở hữu). Tuy nhiên, cáo buộc này theo Sconnect là hoàn toàn vô căn cứ.

Trước đó, Sconnect đã nộp đơn đăng ký quyền tác giả đối với “Hình thức thể hiện nhân vật hoạt hình Wolfoo” và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả số 255/2012/QTG ngày 14/1/2019.

Tại Mỹ, Sconnect đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đầu tiên cho nhãn hiệu “Wolfoo, hình” vào ngày 22/03/2021.

Ngày 6/1/2021, Sconnect đã được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả số 1-422-930 đối với nhóm tác phẩm chưa công bố, trong đó có hình ảnh nhân vật Wolfoo gắn liền với tên gọi Wolfoo.

Tính đến thời điểm đầu tháng 6/2022, Sconnect đã và đang tiến hành các thủ tục để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Wolfoo, hình” tại Liên minh Châu Âu (EU), Nga.

Sconnect cho biết hành vi của EO đã dẫn tới hậu quả là hàng loạt video phim hoạt hình Wolfoo gốc của Sconnect bị YouTube xóa bỏ trên YouTube, gây nên thiệt hại lớn cho doanh nghiệp này.

Không chỉ những video hiện tại mà các video đang trong quá trình sản xuất của Wolfoo cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì các kênh của Wolfoo đã bị đánh 3 gậy bản quyền, bị nghiêm cấm việc đăng tải video mới.

Ngoài doanh thu và lợi nhuận trực tiếp, hình ảnh thương hiệu của Sconnect cũng bị ảnh hưởng, làm gián đoạn cơ hội kinh doanh phát triển và khiến công ty chịu thiệt hại vô hình khó thể đo đếm như cơ hội kinh doanh, danh dự và uy tín tại thị trường Việt Nam và quốc tế.

Kiện để bảo vệ quyền lợi

Theo đó, Sconnect Việt Nam đã nộp cùng lúc đơn kiện tại Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án Moscow (Nga), khởi kiện hai doanh nghiệp có trụ sở tại London (Anh) là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited vì sử dụng trái phép nhãn hiệu, hình ảnh nhân vật hoạt hình Wolfoo (chú sói con),… xâm phạm quyền lợi chính đáng của họ.

Do hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với phim hoạt hình Wolfoo và bộ nhân vật Wolfoo của EO thực hiện, Sconnect yêu cầu bồi thường thiệt hại khoảng 844.200 đô la Mỹ (tương đương với gần 20 tỉ đồng).

Ngoài ra, Sconnect cũng yêu cầu, đề nghị EO chấm dứt tất cả các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo, phim hoạt hình Wolfoo bao gồm cả hành vi đánh dấu vi phạm bản quyền các phim hoạt hình Wolfoo trên YouTube, yêu cầu YouTube và EO khôi phục toàn bộ các video phim hoạt hình Wolfoo bị EO đánh dấu là vi phạm bản quyền trên YouTube, cùng với các yêu cầu khác.

Góc nhìn

Tuy chưa có kết luận cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền nhưng Youtube đã tự kết luận dựa trên yêu cầu và bằng chứng, lập luận 1 phía từ EO rằng Wolfoo thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với EO. Việc tự động xét xử theo yêu cầu từ 1 phía của Youtube như trong vụ kiện này không phải là hiếm.

Riêng tại Việt Nam, nhiều video ca nhạc, hoạt hình của các nhà sáng tạo nổi tiếng cũng đã từng bị đánh gậy bản quyền ‘oan’, tuy rằng các trường hợp này ít hơn nhiều so với các trường hợp Youtube phát hiện hành vi vi phạm đúng. Sau 1 thời gian làm việc với Youtube và các cơ quan có thẩm quyền, Youtube đã khôi phục các video đó nhưng tổn thất về uy tín, danh tiếng và lợi nhuận là khó đo đếm.

Đối với những trường hợp chưa có căn cứ rõ ràng và không xác đáng như trong vụ Wolfoo v. Peppa Pig, hành động 1 phía của Youtube đã gây nên thiệt hại hàng tỉ đồng cho doanh nghiệp này.

Tuy rằng việc xét xử 1 phía của Youtube có ưu điểm là nhanh chóng, kịp thời nhưng hậu quả cũng rất rõ ràng, dẫn đến thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, tôn trọng luật pháp và tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp khác.

Theo Vietnam IP Laws, để giải quyết tình trạng này, Youtube cần làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của từng quốc gia riêng biệt để có cơ chế gỡ bỏ phù hợp hơn. Việc xử lí cần được dựa trên kết quả điều tra và lập luận, chứng cứ từ nhiều bên.

Một phương án khả thi là phân chia các vụ cáo buộc, yêu cầu đánh bản quyền thành nhiều trường hợp khác nhau. Ví dụ, đối với các video có biểu hiện, dấu hiệu vi phạm bản quyền rõ ràng mà Youtube xét thấy là từ 75% chắc chắn trở lên, nền tảng này có thể thực hiện việc gỡ bỏ ngay lập tức để bảo vệ quyền lợi của chủ quyền sở hữu trí tuệ (bên cáo buộc) rồi sau đó mới liên hệ với bên bị cáo buộc để đối chiếu.

Tuy nhiên, đối với các video từ 50-75% chắc chắn, Youtube cần liên hệ với bên bị cáo buộc trước, lắng nghe lập luận và ý kiến của họ trước khi đưa ra quyết định. Nếu cần thiết thì xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền và ý kiến chuyên gia từ các tổ chức, cá nhân là bên thứ 3 không có lợi ích liên quan đến vụ việc.

Đối với các video từ 50% trở xuống, Youtube có thể đề nghị bên cáo buộc và bên bị cáo buộc giải quyết với nhau qua tòa án (Giả định hòa giải đã không phải là một lựa chọn khả thi).