Quy chế về quyền đăng ký, chuyển giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước mới đây đã có sự thay đổi sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022. Theo đó, quyền đăng ký sáng chế sẽ thuộc về tổ chức chủ trì nghiên cứu phát triển sáng chế, tuy nhiên, thủ tục định giá, giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ vẫn còn nhiều khúc mắc.

Trong buổi hội thảo lấy ý kiến về Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2025 của TP HCM do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 28/9, ông Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM đã đặt ra vấn đề về việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều vướng mắc, khó áp dụng trong thực tế.

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có thông tư, nghị định cụ thể nào hướng dẫn về các vấn đề này, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.

Dẫn chứng từ thực tế, ông Quân cho biết rằng nghiên cứu chưa được định giá, giao quyền sẽ khó có được giá trị chính thức. Theo đó, nếu nghiên cứu đó được chuyển giao cho doanh nghiệp sẽ dẫn đến 2 tình huống.

Nếu doanh nghiệp sử dụng nghiên cứu làm ăn thất bại thì tạo ra thiệt, tuy nhiên, về mặt định giá thì tổ chức sẽ không sai.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp sử dụng nghiên cứu làm ăn thành công, lãi thu được ‘hàng chục, hàng trăm tỷ đồng’ thì tổ chức chuyển giao nghiên cứu, quyền SHTT đối với kết quả nghiên cứu đó sẽ có khả năng bị chất vấn rằng định giá như vậy là thấp, gây nên thất thoát tài sản nhà nước.

Ngoài yếu tố định giá, thủ tục xin sửa đổi, bổ sung kinh phí mua các thiết bị, nguyên liệu, nhân công,… cho các nghiên cứu khoa học cũng là một vấn đề được ông Quân đề ra. Bởi lẽ các thủ tục điều chỉnh, cơ chế tài chính trên rất phức tạp, gây khó khăn cho tổ chức nghiên cứu bởi lẽ việc nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế vốn là một lĩnh vực tràn đầy rủi ro.

Đề xuất gỡ bỏ vướng mắc

Theo đó, Lãnh đạo Trung tâm công nghệ sinh học TP HCM đề xuất về việc tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế tài chính cho các nghiên cứu theo hướng coi khoa học công nghệ có tính mạo hiểm và linh động như một lĩnh vực đặc thù để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.

Việc linh động trong các thủ tục sẽ khiến các nhà khoa học và tổ chức chủ trì nghiên cứu có thể giải phóng bản thân khỏi các công việc giấy tờ và tập trung vào việc sáng tạo, sáng chế cho xã hội.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Phạm Bình An, Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng ta “cần cởi bỏ tư duy lo ngại tài sản thất thoát, đây là điểm nghẽn cần phải thay đổi trong tư duy người quản lý.”

Vướng mắc về cơ chế tài chính trong việc chuyển giao quyền SHTT đối với kết quả nghiên cứu khoa học. Ảnh: Hà An

Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM – cơ quan tham mưu của UBND thành phố – đang lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2025.

Các mục tiêu của thành phố là:

  • Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt từ 45% trở lên.
  • Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.
  • Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học công nghệ và số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng từ 8% – 10% hàng năm.
  • Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 35% trong tổng số doanh nghiệp.
  • Số lượng bài báo khoa học công bố quốc tế tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước.
  • Số lượng đơn đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích và văn bằng bảo hộ tăng trung bình 16 – 18% mỗi năm.
  • Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 – 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ từ kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của thành phố.