Mặc dù đã tồn tại từ rất lâu nhưng khi internet bùng nổ thì nhạc chế mới có đất sống và được phổ cập rộng rãi. Không khó để tìm một bài nhạc chế trên mạng xã hội. Từ ca khúc thiếu nhi đến nhạc cách mạng, ca khúc nhạc trẻ, những bài hát kinh điển đều có thể được cải biên, xào xáo với những ca từ khác. Đáng nói hơn, nhạc chế đang lan truyền từ internet sang truyền hình. Trong các chương trình truyền hình thực tế như “Ơn giời cậu đây rồi”, “Bạn có thực tài”, “Bí mật đêm chủ nhật”,…, các danh hài sử dụng nhạc chế như một thứ gia vị giúp chương trình của mình thêm đậm đà. Vậy việc sử dụng nhạc chế có phải là hành vi vi phạm bản quyền không? Làm thế nào để sử dụng nhạc chế mà không xâm phạm quyền tác giả?

Thánh nhạc chế Tài Smile hát cải lương cùng rap trên sóng truyền hình

Nhạc chế có được xem là vi phạm bản quyền?

Thực chất, những ca khúc nhạc chế được tồn tại như chuyện tiếu lâm với phương thức chủ yếu là truyền miệng, giúp tạo nên sự vui vẻ, hài hước. Nhiều ca khúc nổi tiếng được chế lời như: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Và tôi cũng yêu em và mới đây là các ca khúc nhạc trẻ của các ca sỹ như Sơn Tùng MTP. Rất nhiều ca khúc nhạc chế được các nghệ sỹ hài biến tấu tại các sân khấu kịch, game show, chương trình truyền hình.

Tất cả những hành vi kể trên đều được xác định là hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại điều 28 Luật sở hữu trí tuệ. Những ca khúc phái sinh từ tác phẩm gốc đều phải xin phép và được sự đồng ý của chính tác giả. Khi sử dụng các tác phẩm đó để biểu diễn cần phải nộp phí tác quyền đầy đủ với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Những bản nhạc chế được sử dụng với bất cứ mục đích nào đều là hoạt động bất hợp pháp.

Làm thế nào để sử dụng nhạc chế mà không xâm phạm quyền tác giả?

Không thể phủ nhận những hiệu ứng của những tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Việc chế lời bài hát từ ca khúc của người khác chính là một dạng tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, việc chế lời, hay sáng tác như thế nào để không vi phạm quyền tác giả thì không phải ai cũng biết. Theo đó trước khi quyết định sử dụng một tác phẩm nào đó, hay nói cách khác là chế lời bài hát từ ca khúc của người khác thì cần làm như sau:

+ Khi tổ chức, cá nhân muốn sử dụng một tác phẩm âm nhạc, đang trong thời hạn bảo hộ quyền tác giả để viết lại lời mới thì cần xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.

+ Nếu tác phẩm đã hết thời gian bảo hộ, tổ chức, cá nhân khác có thể sử dụng tác phẩm này mà không cần phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao đối với chủ sở  hữu quyền tác giả.

Việc xin ý kiến tác giả, cũng như xác định thời hạn bảo hộ quyền tác giả có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định có được làm tác phẩm phái sinh hay không cũng như giảm thiểu được các mâu thuẫn không đáng có làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên.

Như vậy, việc sử dụng nhạc chế trên các chương trình truyền hình thực tế sẽ không bị xem xét là vi phạm bản quyền tác giả nếu các chương trình này đã xin ý kiến của tác giả. Hoặc đối với tác phẩm đã hết thời gian bảo hộ, thì tổ chức các chương trình hoàn toàn có thể sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép tác giả.

Ngoài ra, hiện nay, thông thường thì khi làm chương trình truyền hình do nhu cầu thời sự, cấp bách, người tổ chức/đài truyền hình có thể sẽ liên hệ, xin phép tác giả tác phẩm về việc trình chiếu tác phẩm của họ trong bản tin thời sự. Tuy nhiên, sau khi chương trình đã lên sóng, đài truyền hình sẽ làm việc lại các tác giả về việc chi trả phí tác quyền cho các tác phẩm đó.