Ngày 23 tháng 8 năm 2023, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức buổi thảo luận về định giá Tài sản trí tuệ (Value IP). Trong buổi thảo luận, Phần mềm định giá Sở hữu trí tuệ (IP) đã được giới thiệu, đi kèm với viễn cảnh phát triển cấp tốc nền sở hữu trí tuệ Việt Nam, song hành với ngành tài chính.

Dự kiến, phần mềm Value IP sẽ giải được một số nút thắt trong thị trường Việt Nam, đặc biệt ở khâu định giá tài sản của doanh nghiệp có nhiều tài sản trí tuệ.

Trước đây, việc định giá các tài sản không có giá trị thị trường như nhãn hiệu, bản quyền, sáng chế,… gặp rất nhiều khó khăn khi Việt Nam không có một kho cơ sở dữ liệu chính thức, tổng quát nào về tài sản trí tuệ.

Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, khoa học công nghệ, các tài sản trí tuệ vô hình dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong danh mục tài sản của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, thực trạng này đã đặt ra nhu cầu cần có cơ chế định giá tài sản trí tuệ chuẩn xác, minh bạch, rõ ràng với các bên liên quan.

Điển hình, đối với các doanh nghiệp công nghệ thì tỷ trọng của các loại tài sản trí tuệ chiếm cao hơn cả.

Theo báo cáo của AEC 2025, tài sản trí tuệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng và phù hợp trong việc góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và khu vực. Trong những năm gần đây, tại các quốc gia khu vực ASEAN, thuật ngữ ‘Tài chính Sở hữu trí tuệ’ dần đạt được độ phủ bóng cao hơn.

Khái niệm tài chính sở hữu trí tuệ chính là việc định giá các tài sản trí tuệ, đặt tài sản trí tuệ trong cơ cấu danh mục tài sản của doanh nghiệp ở vị trí cao. Trong các trường hợp cần thiết, tài sản trí tuệ có thể trở thành một phương án tài chính thay thế khả thi thay vì các loại tài sản thông thường. Ví dụ, trong trường hợp công ty cần trả một khoản nợ hoặc thế chấp tài sản để đầu tư vào một dự án nào đó, doanh nghiệp có thể sử dụng tài sản trí tuệ như một lựa chọn khả thi.

Tại các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, nhiều tổ chức, cơ quan chính phủ đã bắt đầu thúc đẩy Sáng kiến Tài chính Sở hữu trí tuệ như một phương án tài chính thay thế để giúp các doanh nghiệp định hướng đổi mới tiếp cận với nguồn vốn.

Tại Việt Nam, hội thảo IP Value Talk đã làm rõ hơn cơ hội của việc định giá tài sản trí tuệ cũng như tài chính sở hữu trí tuệ. Qua hội thảo này, các nhà lập pháp, hoạch định chính sách sẽ có cơ sở rõ ràng hơn để lập nên các kế hoạch cũng như việc xây dựng các văn bản pháp luật phù hợp để triển khai chương trình tài chính sở hữu trí tuệ và các yếu tố liên quan.

Hiện hành, các phương pháp định giá tài sản trí tuệ rất tốn kém thời gian và chi phí để thực hiện, gây cản trở cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh như M&A. Nếu không xác định được chính xác giá trị của doanh nghiệp thì các thương vụ M&A sẽ khó có thể thực hiện thành công khi một bên không tin tưởng giá trị bên còn lại nêu ra.

Với phần mềm định giá Tài sản trí tuệ Value IP, các công ty thuộc mọi quy mô và ngành có thể xác định được tốt hơn giá trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình, từ đó có thể xác định tổng giá trị của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy các thương vụ hợp tác với các doanh nghiệp khác.