Các tài sản trí tuệ được tạo nên tại các trường đại học và viện nghiên cứu cũng đang ngày càng tăng , tuy nhiên, việc thương mại hóa chúng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số quy định về sở hữu trí tuệ.

Số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng rõ rệt trong những năm gần đây theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Điều này cho thấy các trường đại học, và viện nghiên cứu đang dần cải thiện hơn trong chất lượng của các kết quả nghiên cứu. Đồng thời cũng cho thấy được sự gia tăng nhận thức về các giá trị tài sản trí tuệ từ các nghiên cứu cùng sự phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của các đối tượng này.

Việc đăng ký sáng chế cũng cho phép các trường đại học và viện nghiên cứu có căn xứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, từ đó có thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả, từ đó tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Việc thương mại hóa chúng vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu vẫn còn vấp phải nhiều rào cản trong quy định về sở hữu trí tuệ trong việc thương mại hóa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu Cục Sở hữu trí tuệ hiện đang hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết, trong Dự thảo Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ đã có những thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Trong số bảy nhóm chính sách trong lần sửa đổi này, có một chính sách liên quan trực tiếp tới các trường đại học, viện nghiên cứu, cụ thể là chính sách “Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước”.

Để thực hiện chính sách này, nội dung sửa đổi được thể hiện theo hai phương án: Phương án 1 là sửa đổi Điều 86, bổ sung các Điều 86a, 133a, 136a và khoản 6 Điều 139 để quy định cụ thể về việc quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được trao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời quy định bảo lưu quyền của Nhà nước trong một số trường hợp cũng như nghĩa vụ của tổ chức chủ trì.

Mục đích của phương án này là nhằm: (i) tạo động lực khuyến khích các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ SHCN, và thúc đẩy thương mại hóa đối tượng quyền SHCN đó; (ii) vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được bảo hộ SHCN có sử dụng ngân sách.

Quy định tương tự đã được nhiều quốc gia thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Có 50 quốc gia dẫn đầu về tổng số đơn đăng ký sáng chế của công dân năm 2019, trong đó có 24 quốc gia có quy định pháp luật tương tự Luật Bayh-Dole của Hoa Kỳ, 4 quốc gia trong trong ASEAN đã có quy định tương tự. Luật Tiến bộ Khoa học Công nghệ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2007 cũng đã quy định trao quyền đăng ký sáng chế, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ

Phương án 2 là giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên việc giữ nguyên quy định hiện hành sẽ không thể giải quyết được các bất cập hiện nay do không đủ căn cứ pháp lý cho tổ chức chủ trì thực hiện đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong một số trường hợp; không thúc đẩy việc khai thác, thương mại hóa các đối tượng này, làm cho giá trị đầu tư của nhà nước trở nên kém hiệu quả và quan trọng nhất là không thể “cởi trói” để thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo của cả nền kinh tế. Quy định này chưa tính đến đặc thù của tài sản trí tuệ cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là định hướng phát triển nền kinh tế tri thức của Việt Nam hiện nay.

Có 82 ý kiến tán thành Phương án 1 chiếm 96,47% ý kiến góp ý về vấn đề này, trong số đó nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả như quy định của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị TW 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì trong lĩnh vực giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả; sửa đổi các văn bản luật có liên quan để thống nhất với nội dung sửa đổi nêu trên của Luật Sở hữu trí tuệ.

Nhằm hoàn thiện quy định theo phương án thứ nhất là phương án được đa số đại biểu quan tâm, cơ quan chủ trì soạn thảo đang tích cực nghiên cứu để giải trình và tiếp thu. Liên quan đến ý kiến cần có phương án cụ thể hơn về phân chia lợi ích, cơ quan chủ trì soạn thảo đang nghiên cứu để đưa ra đề xuất về phân chia lợi ích phù hợp với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 mà vẫn bảo đảm mục tiêu của chính sách này.

Trong trường hợp phương án mà cơ quan soạn thảo đề xuất được Quốc hội thông qua, ông Đinh Hữu Phí cho biết, chính sách mới sẽ giúp cho các trường đại học, viện nghiên cứu có thể chủ động trong thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do mình chủ trì thực hiện. Để tận dụng tối đa chính sách này, trước tiên là các trường đại học, viện nghiên cứu cần thiết lập một cơ chế đảm bảo quản lý hiệu quả các tài sản trí tuệ của mình. Ngoài ra, để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của mình được đảm bảo cả về mặt pháp lý và giá trị thương mại, các trường đại học, viện nghiên cứu cần có các chuyên gia am hiểu cả về thị trường và pháp lý.

Sự góp sức của các doanh nghiệp lúc này là cần thiết bởi trường đại học, viện nghiên cứu có thể chưa mạnh hoặc chưa đủ năng lực để tự khai thác, thương mại hóa. Bên cạnh những doanh nghiệp đã có thì việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu cũng là một trong những hướng đi hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những chủ đề được Techfest năm 2021 lựa chọn để đưa vào chuỗi hội thảo chính để cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp hiệu quả cho việc thương mại hóa tài sản trí tuệ tạo ra từ kết quả nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu.