Việc ứng dụng các công nghệ mới giúp Indonesia đạt nhiều thành quả trong nuôi trồng thủy sản, củng cố vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này. Khoảng hơn 30 startup tại Indonesia đã tham gia mạng lưới Digifish Network để mang tới các mô hình kinh doanh sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức trong mọi phân khúc của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Indonesia là quốc gia có tiềm năng NTTS lớn với sản lượng đứng thứ ba thế giới – sau Trung Quốc và Ấn Độ (theo FAO, sản lượng NTTS của nước này năm 2018 đạt 5,4 triệu tấn, trị giá 11,9 tỷ USD). Mặc dù vậy, ngành nuôi trồng thủy sản ở Indonesia vẫn mới chỉ là một “người khổng lồ ngủ quên” và đang còn phải đương đầu với rất nhiều thách thức liên quan đến khả năng tiếp cận vốn và đầu vào sản xuất cũng như các vấn đề về sản xuất như hiệu suất cho ăn, chất lượng con giống, công nghệ canh tác.

Ngoài ra, các vấn đề sau sản xuất, chẳng hạn giá bán tại nông trại thấp do chuỗi cung ứng kéo dài,… cũng là một thử thách khác với Indonesia. Bên cạnh đó, còn có một số trở ngại khác như cơ sở hạ tầng yếu kém, chính sách quản lý chưa phù hợp,…

Indonesia với sự bùng nổ khởi nghiệp nuôi trồng thủy sản

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản vẫn là một lĩnh vực đầy hấp dẫn do nhu cầu protein ngày càng tăng của nhân loại. Tại Indonesia, những startup nuôi trồng thủy sản năng động vẫn đang miệt mài tìm cách giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn tại trong từng khu vực của ngành. Nhiều nhà sáng lập, mặc dù không được đào tạo bài bản về nuôi trồng thủy sản, nhưng việc họ làm hiện đang giúp cho nghề nuôi cá trở nên dễ dàng hơn.

Kết nối mạng lưới start up

Năm 2017, Indonesia nổi lên hơn 10 doanh nghiệp startup nuôi trồng thủy sản, đánh dấu bước khởi đầu cho mạng lưới start up. Những người này đã thúc đẩy mạng lưới Digifish – một trung tâm tích hợp thông tin và hỗ trợ kinh doanh NTTS – ra đời năm 2018, theo sáng kiến của Rully Setya Purnama – nhà sáng lập kiêm CEO Minapoli (sàn thương mại điện tử các sản phẩm thủy sản theo hình thức B2B lớn nhất Indonesia).

Đến nay, với sự mở rộng không ngừng nghỉ và tham vọng trở thành “hệ sinh thái đổi mới kỹ thuật số hàng đầu của ngành thủy sản Indonesia” của Digifish, hơn 30 startup – bao phủ toàn bộ chuỗi cung ứng – đã tham gia mạng lưới này, trong đó hoạt động quản lý nước và tài chính là hai lĩnh vực được quan tâm nhất.

Một trong những yếu tố phi nông nghiệp kìm hãm sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản là thiếu tài chính. Phần lớn hộ nuôi tôm, cá ở Indonesia đều có quy mô nhỏ. Trong khi đặc thù của ngành nuôi trồng thủy sản là mang tính rủi ro cao về mặt kỹ thuật do công nghệ thấp và nhiều nguyên nhân khác – khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính thường miễn cưỡng chứ không sốt sắng tham gia. Đó thực sự là cái vòng luẩn quẩn đối với những hộ nuôi nhỏ – khó phát triển mạnh vì thiếu tiền.

Ngoài ra, những chương trình cho vay của chính phủ cũng thường rất khó tiếp cận, nhiều thủ tục và thời gian xét duyệt kéo dài. Do đó, một số startup đã khai thác địa hạt fintech để kết nối các doanh nghiệp đang cần vốn với những nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực này.

Hướng tới chuỗi cung ứng hiệu quả hơn

Bên cạnh tài chính, tính công bằng trong quá trình tiếp cận thị trường cũng là một thách thức mang tính hệ thống đối với người nuôi trồng thủy sản. Các hộ nuôi nhỏ thường không có được vị thế tốt trong giao dịch với thương lái. Chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng vì thế hãy còn rất dài, và có thể phải đi qua 2 – 4 cấp trung gian. Trong quá trình này, độ tươi và chất lượng sản phẩm thường đã sụt giảm do thiếu phương tiện bảo quản hiện đại.

Sự hiện diện của các startup nuôi trồng thủy sản đã mang lại bầu không khí lạc quan cho toàn ngành. Mặc dù chưa thể giúp giải quyết được tất cả mọi vấn đề, nhưng họ thật sự rất có tiềm năng. Nhờ vào bầu nhiệt huyết cùng những ý tưởng mới lạ của thế hệ millennial, các startup này hứa hẹn sẽ đưa ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia lên một tầm cao mới trong tương lai không xa.