Thay vì tranh chấp sáng chế về công thức chế tạo nên vắc xin Covid-19 như trong tâm dịch Covid-19 hồi năm 2020 đến 2022 thì lần này, cuộc tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa các công ty dược khổng lồ này sẽ xoay quanh vấn đề nhãn hiệu, cụ thể là nhãn hiệu “COVID MVAX.”

Dịch bệnh đã song hành cùng nhân loại kể từ thửa sơ khai của nền văn minh, song Covid-19 chính là loại virus đầu tiên đạt được độ phủ bóng toàn cầu xuyên suốt hàng nghìn năm qua. Với sự phát triển của ngành hàng không giúp các mầm bệnh có thể bám vào hành khách và di chuyển dễ dàng đến mọi nơi trên thế giới, Covid-19 chính thức trở thành căn bệnh có độ lây lan nhanh nhất.

Dẫu vậy, có thể xem xét việc Covid-19 không quá mức nguy hiểm là một niềm an ủi đối với nhân loại. Tuy nhiên, sau khi Covid-19 được tạm thời bình ổn trên phần lớn các quốc gia, thay vì đấu tranh với virus, các công ty dược phẩm hiện đang tìm cách để tranh giành một nhãn hiệu với tên gọi “COVID MVAX”.

Hai công ty liên quan đến cuộc tranh chấp này là GlaxoSmithKline (GSK) và Moderna. Cả hai công ty đã đầu tư nguồn lực đáng kể để phát triển vắc-xin chống coronavirus. Hầu hết người dân đều đã nghe đến cái tên Moderna trong những năm qua trong khi GSK là một công ty dược phẩm có quy mô tương đối nhỏ, chỉ nổi bật ở Canada.

Trong hầu hết các trường hợp thông thường của các công ty dược phẩm, người tiêu dùng và các nhân viên y tế đơn giản chỉ đề cập đến những vắc-xin này bằng tên của nhà sản xuất. Ví dụ, họ sẽ đi đến trung tâm phòng dịch mong muốn được tiêm một mũi vắc-xin Pfizer hoặc vắc-xin Moderna.

Tuy nhiên, GlaxoSmithKline đã phá vỡ thông lệ này thông qua việc đề nghị đăng ký nhãn hiệu cho từ COVID MVAX vào tháng 4 năm 2020. Trải qua nhiều khó khăn, sau 3 năm kể từ thời điểm nộp đơn, đơn đăng ký nhãn hiệu COVID MVAX đã được chính thức công bố trên Tạp chí Nhãn hiệu.

Ngay sau khi nhận được tin, Moderna đã nộp một đơn phản đối việc đăng ký nhãn hiệu, yêu cầu Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) từ chối đơn đăng ký của GSK.

Không giống như các đơn phản đối khác, Moderna không viện dẫn lí do gây nhầm lẫn đến các nhãn hiệu khác, hay yêu cầu bồi thường cho bất kỳ sự xâm phạm nào của GlaxoSmithKline đối với nhãn hiệu của họ. Thay vào đó, Moderna cho rằng việc đăng ký nhãn hiệu của GSK sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi công ty dược sản xuất vắc-xin.

Trong đơn phản đối của mình gửi tới TTAB, Moderna cho rằng COVID MVAX chỉ là một thuật ngữ mô tả và mang tính chung, thông thường. Trong đơn đăng ký nhãn hiệu, GlaxoSmithKline đã đính kèm một thông báo chỉ rõ rằng họ không yêu cầu đòi quyền độc quyền sử dụng thuật ngữ “COVID” như một số công ty dược khác và cả một số doanh nghiệp, cá nhân không liên quan đến Covid. Thay vào đó, họ tập trung vào việc thu thập quyền sở hữu xoay quanh từ “MVAX”.

Tuy nhiên, Moderna lưu ý rằng thuật ngữ “vax” chỉ đơn giản là từ rút gọn của “vaccine” tức vắc-xin. Từ này được sử dụng rộng rãi trong công chúng, vì vậy sự biến đổi quan trọng duy nhất so với thuật ngữ mô tả là việc bao gồm chữ “M” trong đơn đăng ký nhãn hiệu cho COVID MVAX. Moderna đang tuyên bố rằng việc chỉ thêm yếu tố này không đủ để làm cho nhãn hiệu trở nên đặc biệt.

Moderna cũng lập luận thêm rằng thuật ngữ MVAX chưa thu được sự nhận thức đông đảo của người tiêu dùng vốn là một yếu tố quan trọng trong việc xem xét cấp đăng ký nhãn hiệu của USPTO. Theo đó, Moderna cho rằng nhãn hiệu này không có đủ điều kiện để được đăng ký, bổ sung trên lập luận rằng nếu được đăng ký, các công ty dược khác sẽ không thể sử dụng thuật ngữ VAX trong nhãn hiệu của họ.

Trừ khi có bất kỳ sự gia hạn hoặc trì hoãn nào, theo luật pháp về sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ, GSK phải nộp phản hồi với các lập luận của Moderna trước ngày 25 tháng 9 năm 2023.