Vậy là sau vài lần trì hoãn, bộ phim Trạng Tí của Ngô Thanh Vân sẽ…. tiếp tục hoãn vì dịch. Phim sẽ được chiếu vào dịp tết. Vậy khi Trạng Tí ra rạp sẽ đối mặt với những vấn đề pháp lý gì?

Có thể nói phim Trạng Tí đã trải qua một hành trình sóng gió có một không hai từ trước đến nay mà Ad tạm gọi là khi thiên không thời, địa không lợi và nhân không hòa. 

Và nếu như bạn đang có tâm lý tẩy chay bộ phim này thì hãy tạm đợi đến khi đọc xong bài viết để thấy quyết định đó của mình là đúng hay sai nhé. Vì lý do gì thì Ad sẽ giải thích ở dưới đây và sẽ cố gắng giải thích một cách đơn giản nhất cho dễ hiểu.

Trạng Tí của Ngô Thanh Vân lại tiếp tục hoãn chiếu
Trạng Tí của Ngô Thanh Vân lại tiếp tục hoãn chiếu

Bản án mang lại nhiều hệ luỵ

Trong suốt một thời gian dài đã rất nhiều ý kiến cho rằng bộ phim đã có các hành vi xâm phạm quyền tác giả của họa sỹ Lê Linh – người đã được một bản án có hiệu lực pháp luật công nhận là tác giả duy nhất của các hình tượng nhân vật Tí – Sửu – Dần – Mẹo.

Nhắc đến bản án này, nhiều bạn chắc hẳn đã biết được các thông tin về vụ kiện giữa họa sỹ Lê Linh và Công ty Phan Thị, một vụ án phức tạp kéo dài nhiều năm trời với hành trình kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình cho các công sức sáng tạo mà họa sỹ Lê Linh đã cống hiến cho Công ty Phan Thị. Là một người làm nghề Ad theo dõi rất sát vụ kiện này và thực sự khâm phục sự kiên trì của họa sỹ Lê Linh. Vì có sự kiên trì đó mà bản án của Tòa án đã giải đáp được rất nhiều vấn đề cả về học thuật và thực tiễn trong việc hiểu và áp dụng các quy định của Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

Tuy nhiên, nếu như bạn đã từng, đang hoặc sẽ tìm đọc (sau khi đọc bài viết này của Ad) các bài viết trôi nổi trên mạng quy kết rằng bộ phim Trạng Tí đã xâm phạm quyền tác giả của họa sỹ Lê Linh, Ad mong các bạn hãy thực sự tỉnh táo và biết chắt lọc các thông tin để cho mình một kết luận hợp lý về vấn đề này. Có nhiều vấn đề chúng ta cùng phải phân tích để xem ai đúng, ai sai.

Những câu hỏi mấu chốt quyết định đúng, sai của bộ phim Trạng Tí

Là một người làm nghề, câu hỏi đầu tiên mà Ad đặt ra khi đọc các bài viết về vấn đề này là (i) Bộ phim này xâm phạm quyền nào của họa sỹ Lê Linh? và (ii) căn cứ vào quy định nào để kết luận bộ phim này xâm phạm quyền của họa sỹ Lê Linh? Trả lời được 02 câu hỏi này sẽ cho bạn một nhận định và định kiến rõ ràng hơn về bộ phim.

Để trả lời cho các câu hỏi này cần phải quay lại với nội dung của bản án phúc thẩm đã có hiệu lực. Ad xin phép được trích nguyên văn một phần nội dung của bản án này, theo đó “Công nhận ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R trong bộ truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78 theo các Giấy chứng nhận bản quyền tác giả số 246/2002/QTG, 247/2002/QTG, 248/2002/QTG, 249/2002/QTG đã được Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp ngày 07 tháng 5 năm 2002 cho Chủ sở hữu tác phẩm là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí PT).”

Ngô Thanh Vân mắc kẹt giữa tranh chấp của Hoạ sĩ Linh Lê và Phan Thị
Ngô Thanh Vân mắc kẹt giữa tranh chấp của Hoạ sĩ Linh Lê và Phan Thị

Theo nội dung trên, họa sỹ Lê Linh được coi là tác giả duy nhất của “hình thức thể hiện” của các nhân vật O, P, Q, R (tương ứng với các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong truyện).

Bất cứ ai đã từng được đào tạo về sở hữu trí tuệ hoặc nắm được các quy định của luật sở hữu trí tuệ thì đều biết rằng quyền tác giả của tác phẩm gồm 02 quyền là (i) Quyền nhân thân và (ii) Quyền tài sản (Điều 19 của Luật SHTT).

Và bản án, chính xác là đã trao cho họa sỹ Lê Linh quyền nhân thân tức các quyền:

+ (i) đặt tên cho tác phẩm;

+ (ii) đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

+ (iii) công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

+ (iv) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Bản án đã phản ánh chính xác bản chất trong mối quan hệ giữa họa sỹ Lê Linh và Công ty Phan Thị đó là việc tạo ra tác phẩm của họa sỹ Lê Linh dựa trên nền tảng của việc đầu tư công sức, tài chính của Công ty Phan Thị. Điều này đồng nghĩa với việc Công ty Phan Thị được nắm giữ Quyền tài sản.

Một trong những điểm mà Ad nhận thấy khi đọc các bài viết kêu gọi tẩy chay bộ phim là các bài viết này hoàn toàn không hề nêu rõ phạm vi quyền của mỗi bên (họa sỹ Lê Linh và Công ty Phan Thị) đối với các đối tượng được bảo hộ (hình tượng thể hiện của các nhân vật) cũng như không thể viện dẫn ra chính xác bộ phim xâm phạm quyền nào của họa sỹ Lê Linh theo điều nào. Mà theo như nguyên tắc Ad vẫn hay nêu ra trong quá trình làm việc “nếu như không thể viện dẫn được chính xác điều luật phản ánh đúng bản chất của vấn đề thì không thể đưa ra bất cứ kết luận nào về việc có hay không có hành vi xâm phạm quyền”.

Như trên đã nói, về mặt bản chất, họa sỹ Lê Linh chỉ được pháp luật thừa nhận các quyền về nhân thân mà không thừa nhận các quyền tài sản. Trong khi đó bộ phim Trạng Tí lại là một dạng tác phẩm phái sinh (tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh sang tác phẩm điện ảnh) vốn thuộc phạm vi quyền tài sản của Công ty Phan Thị. Theo lẽ công bằng mà nói, liệu có công bằng cho Phan Thị không khi mà Phan Thị không thể thực hiện việc khai thác quyền tài sản của mình – cho phép chuyển thể nội dung bộ truyện tranh thành tác phẩm điện ảnh chỉ vì lý do các hình tượng nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo thuộc phạm vi quyền nhân thân của họa sỹ sáng tạo nên các nhân vật này.

Ngô Thanh Vân đau đầu về vấn đề bản quyền Trạng Trí
Ngô Thanh Vân đau đầu về vấn đề bản quyền Trạng Trí

Nội dung của bộ phim khi chuyển thể cũng không có bất cứ nội dung nào được coi là gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tác giả Lê Linh đối với các hình thức thể hiện của các nhân vật khi đã được chuyển thể.

Do đó, nếu quy kết bộ phim xâm phạm quyền của họa sỹ Lê Linh thì thực sự đó là một quy kết ấu trĩ và mang tính chất thù hằn hơn là dựa trên các cơ sở pháp lý. Ở góc độ nào đó, bộ phim này có thể coi là nạn nhân bị mắc kẹt trong cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm giữa tác giả Lê Linh và Công ty Phan Thị mà qua quá trình theo dõi vụ án, rất nhiều người (bao gồm cả Ad) đã yêu mến và ủng hộ họa sỹ Lê Linh trong vụ kiện này và cũng nhiều người quay ra thiếu thiện cảm, tẩy chay (đoạn này không có Ad nhé) Công ty Phan Thị và các bên có liên quan đến công ty Phan Thị mà ở đây là Ngô Thanh Vân và ekip làm phim đóa.

Tuy nhiên, Ad cũng không thể phủ nhận rằng, đoàn làm phim đã có những phát ngôn và cách xử lý theo hướng cắm đầu vào lòng đất khi xử lý cuộc khủng hoảng pháp lý – truyền thông liên quan đến các quy kết trên mạng về vấn đề này. Nói nôm na là không khác gì quăng lựu đạn vào kho bom mà hệ quả là bộ phim trở thành hiện tượng sáng nhất năm khi bị tẩy chay không trượt phát nào từ cộng đồng mạng.

Nhưng Ad đánh giá rằng, việc hoàn thành được bộ phim là một nỗ lực tuyệt vời của đoàn làm phim. Mặc dù trải qua một năm 2020 đầy sóng gió, với ảnh hưởng của dịch Covid 19, đoàn làm phim vẫn quyết tâm đưa đứa con tinh thần của mình ra rạp để đến với khán giả chỉ mỗi việc này, đoàn làm phim đã xứng đáng để được hoan nghênh rồi.

Ở góc nhìn khác, bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, vốn là sự kết tinh và đúc rút lại những bài học, điển tích lịch sử thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của các thế hệ dân tộc Việt Nam từ xa xưa đến nay trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Và trong khi khán giả Việt Nam vẫn ngày đêm mơ về những bộ phim sử thi hoành tráng lấy chất liệu từ một quá khứ đầy oai hùng của sử Việt, thì một bộ phim được chuyển thể từ một truyện tranh có chất liệu lịch sử có thể là bước đi đầu tiên khai phá cho đề tài phim sử thi lịch sử sau này.

Vì thế các bạn hãy mở lòng và rộng lượng với đoàn làm phim, hãy ủng hộ cho sự đầu tư, tâm huyết và trí tuệ mà đoàn làm phim đã dành cho bộ phim này để từ thành công của bộ phim chúng ta sẽ có thêm động lực để tin rằng trong một ngày không xa nền điện ảnh Việt Nam sẽ có những tác phẩm điện ảnh kinh điển về sử Việt. Còn vấn đề pháp lý, nếu có, hãy để các bên liên quan “đấu” nhau xòng phẳng bằng đàm phán, bằng khởi kiện.

Z34