Theo cơ quan liên hợp quốc, nhu cầu quốc tế về hoạt động đăng ký sáng chế đã đạt mức cao kỷ lục, khi các nhà đổi mới, sáng tạo ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiêu biểu như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức, đã thực sự đẩy mạnh hoạt động đăng ký bảo hộ sáng chế của họ trong năm 2022.

Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), gã khổng lồ truyền thông công nghệ của Trung Quốc – Huawei vẫn là công ty dẫn đầu về số lượng đơn đăng ký sáng chế trong năm 2022 với hơn 7.600 đơn đăng ký sáng chế mới.

Samsung giữ vị trí thứ hai về số lượng đơn đăng ký sáng chế trong năm 2022, tiếp theo là Qualcomm của Hoa Kỳ, Mitsubishi của Nhật Bản và Ericsson của Thụy Điển.

Liên hợp quốc: Số lượng đơn đăng ký sáng chế đạt kỷ lục trong năm 2022.

Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO được thành lập vào năm 1967 với tư cách là một cơ quan của Liên Hợp Quốc nhằm mục đích cung cấp một diễn đàn cho 193 quốc gia thành viên có thể giám sát các dịch vụ sở hữu trí tuệ, thông tin chính sách và hoạt động hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực một cách hiệu quả nhất.

Nhiệm vụ của tổ chức này là thúc đẩy phát triển hệ thống SHTT cân bằng và hiệu quả nhằm mục đích đẩy mạnh quá trình đổi mới và sáng tạo vì lợi ích của toàn thế giới.

Số lượng đơn đăng ký sáng chế kỷ lục

Trên toàn thế giới, số lượng đơn đăng ký sáng chế đã tăng lên tới hơn 278.000 đơn vào năm 2022. Mặc dù vẫn có những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế thế giới do cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, những diễn biến phức tạp của đại dịch, lạm phát hay sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, nhưng đây đã là số lượng đơn đăng ký sáng chế cao nhất từng được ghi nhận trong một năm dương lịch.

Châu Á dẫn đầu về số lượng đơn đăng ký sáng chế và kiểu dáng công nghiệp

Trên khía cạnh từng từng khu vực, châu Á đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất về số lượng đơn đăng ký sáng chế với số lượng đơn đăng ký chiếm đến 54,7% tổng số lượng đơn đã được nộp trên toàn thế giới trong năm 2022.

Số lượng đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cũng đã tăng đáng kể với việc Trung Quốc tham gia hệ thống đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế hay thỏa ước La Hay về đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế. Sự tham gia của Trung Quốc vào hệ thống trên đã tăng 11,2% số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế lên khoảng 25.000 đơn.

Hoạt động bảo hộ nhãn hiệu

Theo WIPO, sau sự tăng trưởng kỷ lục trong năm 2021 về số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế mới, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế trong năm 2022 đã giảm 6.1%, đây là sự sụt giảm lớn nhất về số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế kể từ năm 2009 – khi thế giới đang phải chịu đựng những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính.

Sự tăng trưởng về số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế trong năm 2021 được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của những loại hàng hóa và dịch vụ mới đáp ứng những nhu cầu mới trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành. Mặc dù năm 2022 đã chứng kiến một sự sụt giảm lớn về số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế, nhưng WIPO đã chỉ ra rằng tổng số đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế vẫn cao hơn 8% so với số lượng đơn đăng ký được nộp trong 2020.