Zing Me là một mạng xã hội ở Việt Nam, xây dựng bởi người Việt, cho người Việt sử dụng. Zing Me có nhiều tính năng và mục đích hoạt động tương tự như Facebook nhưng bản chất lại có sự khác biệt rất lớn. Chính sự khác biệt này mà bỏ qua các yếu tố khách quan như quy mô, ngôn ngữ, quốc gia,… thì một sự thật còn lại là Facebook đến ngày nay vẫn còn tồn tại, đứng sừng sững trên đỉnh cao. Trong khi ngược lại, không bàn đến sự mở rộng đến thị trường quốc tế, chỉ tính ngay tại thị trường Việt Nam thì Zing Me đã lụi tàn, đóng cửa từ lâu, trở thành những ký ức về một thời huy hoàng của một mạng xã hội thuần Việt. Trong bài viết sau, ta sẽ cùng điểm lại sự phát triển của Zing Me cũng như nguyên nhân khiến thương hiệu Việt này sụp đổ, để từ đó rút ra bài học cho các thương hiệu Việt khác hiện nay.

Một thời huy hoàng lịch sử của mạng xã hội Việt

Zing Me bắt đầu hoạt động từ tháng 8 năm 2009, được quản lý và vận hành bởi VNG. Nền tảng này được biết đến chủ yếu qua việc tập trung cung cấp các dịch vụ giải trí game online như Siêu thị bạn bè, Khu vườn trên mây, Nông trại vui vẻ, Nhà hàng vui vẻ.

Trong những tháng đầu thành lập, ước tính Zing Me đã đạt hơn 1 triệu người dùng/tháng. Zing Me nhanh chóng phát triển. Đến tháng 12 năm 2009, nền tảng này đã đạt được 4 lần con số người dùng khi mới thành lập với xấp xỉ 4 triệu người dùng/tháng.

Do giới hạn về số lượng người dân Việt Nam cũng như sự thật rằng công nghệ vẫn còn chưa phổ biến tại Việt Nam thời điểm đó nên Zing Me cũng đã chịu nhiều hạn chế khi phát triển. Tuy nhiên, số người dùng mới vẫn gia tăng từng ngày và đến khoảng năm 2012-2013, Zing Me đã đạt mốc 8 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng.

Về số lượng truy cập thì có khoảng 20 triệu lượt truy cập (không thường xuyên) mỗi tháng. 2 triệu thành viên sử dụng nền tảng này như nơi để đăng ảnh bản thân, gia đình. Đặc biệt, khác với nền tảng Facebook hiện tại, Zing Me thời đó có một tính năng tương đối độc nhất là blog – nơi người dùng viết những chia sẻ, cập nhật liên tục về 1 chủ đề nào đó.

Đến thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014, dù game cũng là 1 yếu tố quan trọng nhưng Zing Me vẫn chủ yếu được biết như một ‘mạng xã hội’ dùng để giao lưu xã hội giữa người với người qua các đoạn chat, tin nhắn, blog, ảnh chụp, những câu chuyện cười,…

Tuy nhiên, một điều đã thay đổi vào tháng 7 năm 2014 khi mà Zing Me ra mắt hệ thống nhiệm vụ thiết kế dành riêng để cổ vũ các game thủ Việt Nam.

Sau khi ra mắt, ước tính đã có ít nhất 5 triệu game thủ tham gia thực hiện các nhiệm vụ thường ngày trên nền tảng này, tại các con game nổi tiếng thời bấy giờ như Gunny, Ngọa Long, Khu vườn trên mây, Đảo rồng, Bang Bang, Boom, Võ Lâm chi mộng, MU, Hàng Rong,…

Guuny – game đỉnh cao của Zing Me – VNG một thời tại Việt Nam

Khoảng thời gian này chính là đỉnh điểm của Zing Me – thời khắc huy hoàng nhất với vô số kỉ niệm của giới trẻ Việt Nam ngồi trên các bộ máy PC trắng ngà cũ rich tại các quán net, la hét với nhau, cười đùa về một điều gì đó ngốc nghếch.

VNG thật sự đã thành công với thế mạnh của mình – khả năng công nghệ tiên tiến hàng đầu Việt Nam và nắm được thị hiếu của người dùng Việt Nam thời đó, xứng với danh tiếng ‘kì lân công nghệ’ Việt.  

Tuy nhiên, nhìn lại, có lẽ chính vì sự ra đời và tập trung vào hệ thống game mà VNG cùng với Zing Me đã tự đào sâu chiếc hố dẫn đến thất bại của mình.

Sự sụp đổ của một đế chế

Sự thành công của Zing về mảng game online của mình đến từ một yếu tố khách quan rằng thời đó, hệ thống máy tính của Việt Nam vẫn còn tương đối thô sơ.

Các chiếc máy tính vẫn còn yếu, không thể nào tải nổi những game mạnh và có giao diện riêng như CrossFire, Liên minh huyền thoại. Ngoài ra, việc có một hệ thống nhiệm vụ thường nhật lặp đi lặp lại cũng tạo cảm giác nhàm chán cho người chơi. Thời gian này, Zing Me đã ít có đổi mới, các ý tưởng sáng tạo táo bạo như thời đầu để thu hút khách hàng.

Công nghệ phát triển, xã hội cải thiện khiến số lượng người chơi có thể tiếp cận được các tựa game ‘nặng Gb’ hơn ngày càng gia tăng. Như hiệu ứng domino, khi số lượng người chơi ngày càng ít đi thì những người còn ở lại cũng sẽ không còn động lực để tiếp tục.

Liên minh huyền thoại và CF thời bấy giờ chính là 2 tựa game kéo hết giới game thủ của Zing Me đi. Đến hiện tại, CF vẫn tồn tại nhưng đã ngày càng tàn lụi. Ngược lại, Liên minh (LOL) vẫn tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn bao giờ hết, trở thành tựa game được nhiều người chơi nhất tại Việt Nam và thế giới.

Ngoài tác động từ các đối thủ cạnh tranh và các nguyên nhân khách quan không thể sửa đổi được như sự lan truyền của Youtube, Facebook, Twitter, Instagram,… thì sự thất bại chính của Zing Me chính là bản thân Zing Me với đội ngũ quản trị thiếu năng lực, quản lý yếu kém với các quy định lỏng lẻo. Trong những năm tháng cuối cùng, Zing Me được xem là thiên đường để các phần tử xấu lợi dụng để lừa đảo, phát tán mã độc ảnh hưởng đến thiết bị điện tử của người dùng hay đăng tải các nội dung tục tĩu, mất thuần phong mỹ tục.

Có một thời điểm, VNG gặp sự cố máy chủ dẫn đến thông tin của người dùng bị lộ, xóa bỏ, phát tán khắp nơi trên mạng Internet. Đến gã khổng lồ Facebook sau sự cố rò rỉ thông tin Cambridge Analytica còn mất 35 tỉ USD giá trị thị trường thì có thể suy ra được tác động của sự kiện này đối với Zing Me. Đó chính là một trong số vài cọng rơm cuối cùng đè nát con lạc đà Zing Me – thương hiệu thuần Việt của người Việt.

Đến tháng 1 năm 2020, Zing Me đã chính thức dừng hoạt động.

Bê bối và bài học từ di sản Zing Me

Zing Me cùng với Zing MP3, Zalo (Zing alo) có thể được ví như bộ ba tam giác trụ cột của hệ thống cổng thông tin điện tử Zing của VNG.

Dịch vụ tin nhắn Zalo, âm nhạc trực tuyến Zing MP3 vẫn còn tồn tại đến thời điểm hiện tại, trong đó hệ thống Zalo có thể được coi là hệ thống nhắn tin đỉnh điểm của người Việt, không có đội thủ nào ngang tầm, cả trong nước và ngoài nước.

Zing MP3 không có sự cách biệt rõ ràng với các đối thủ nhưng vẫn được coi là một trong các nền tảng phát nhạc trực tuyến tốt nhất Việt Nam, đứng song song với các đối thủ khác như Spotify (Thụy Điển), NhacCuaTui (Việt), SoundCloud (Thụy Điển), Apple Music (Mỹ),…

Một góc nhìn về sự ‘không thành công’ của Zing MP3 có thể là do từ vấn đề bản quyền khi mà nền tảng này đã từng chịu nhiều chỉ trách và phải loay hoay trong các vụ kiện pháp lý.

Cụ thể, nhạc sĩ Trần Lập đã từng kiện Zing MP3 – VNG đăng tải trái phép bài hát “Đường đến vinh quang” với mức bồi thường 155 triệu (bao gồm cả chi phí thuê luật sư). Vụ Trần Lập kiện trang Zing MP3 thuộc Công ty cổ phần VNG là vụ đầu tiên chính thức ra tòa xoay quanh gã khổng lồ Việt này.

Tương tự, ca sĩ Đăng Khôi, giám đốc Công ty Việt Giải Trí cũng kiện công ty VNG vì đã vi phạm bản quyền gần 10.000 ca khúc nhạc K-Pop của khoảng 700 nghệ sĩ Hàn Quốc do Việt Giải Trí được ủy quyền sử dụng hợp pháp tại Việt Nam.

Việt Giải Trí gửi đơn kháng kiện yêu cầu tòa án yêu cầu Zing bồi thường tiền thù lao là 4 tỷ đồng và yêu cầu chấm dứt việc vi phạm bản quyền các tác phẩm mà công ty Việt Giải Trí sở hữu bản quyền.

Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn cũng kiện Zing MP3 vi phạm bản quyền ở Hoa Kỳ. Làng Văn cáo buộc Zing đăng tải các tác phẩm có bản quyền và cho phép người dùng tải xuống hoàn toàn miễn phí mặc dù Zing không sở hữu bản quyền.

Chính vì các bê bối này mà để đảm bảo uy tín kinh doanh, các công ty lớn như Coca-Cola, Samsung cũng rút hợp đồng quảng cáo với Zing vì dịch vụ Zing MP3 vi phạm bản quyền. Thậm chí, một vài ca sĩ gốc Việt cũng đã quay lưng với Zing MP3 vì việc này, chỉ đăng tải các bài hát Việt của họ lên các nền tảng đối thủ nước ngoài như Spotify, Apple Music.

Dù được coi là thương hiệu Việt nhưng đã bị chính ca sĩ, dân Việt quay lưng vì các bê bối trong quản lí kinh doanh, lo ngại bản quyền.

Chính vì các yếu tố này mà Zing MP3 hay nói xa hơn là trước đó Zing Me không thể nào đạt được đỉnh cao tại Việt Nam, thậm chí bị xóa sổ. Qua đó, đây chính là bài học đắt giá cho các thương hiệu Việt học tập và rút kinh nghiệm từ đàn anh của mình. Không chỉ liên quan đến mạng xã hội mà kể cả các thương hiệu Việt ở mảng ngân hàng, bất động sản, doanh nghiệp, trường học,… cũng cần phải:

  1. Nắm bắt được xu hướng thị trường và liên tục đổi mới, bắt kịp với phong trào của thế giới, xã hội qua việc tìm hiểu, khảo sát chuyên sâu tại thị trường Việt và thế giới.
  2. Tạo ra và tuân thủ các quy định quản lí nghiêm ngặt về hoạt động kinh doanh của mình.
  3. Tôn trọng các vấn đề về sở hữu trí tuệ (nếu có) như bản quyền, nhãn hiệu, sáng chế,… của bản thân cũng như của các đối tác, doanh nghiệp khác tại Việt Nam và quốc tế.