Tính từ thuở sơ khai của ngành công nghiệp game, ngành công nghiệp này đã có một bước tiến dài. Và sự phát triển đó không thể không kể đến tầm quan trọng của ngành sở hữu trí tuệ.
Vì sao sở hữu trí tuệ lại quan trọng với ngành công nghiệp game?

Khác với các loại hình công nghiệp sáng tạo khác, trò chơi điện tử là một sản phẩm không chỉ đến từ sự sáng tạo, mà còn là từ sự phát triển của công nghệ. Như vậy, game có thể là môt sản phẩm bao gồm hàng loạt các loại hình khác; ví dụ như âm nhạc, biên kịch, phim ảnh, hoạt họa, tạo hình,… Game còn là sản phẩm mang tính tương tác giữa con người tới phần mềm, phần cứng nhất định.
Qua đó, trò chơi điện tử có thể được ra mắt với nhiều hình dạng và thể loại. Sự đa dạng cũng thể hiện qua các yếu tố làm nên nó. Phụ thuộc vào nhà phát triển, game có thể có đồ họa mạnh, âm nhạc sống động, các cắt cảnh chân thực từ các diễn viên mocap ngoài đời,… Thậm chí, doanh thu từ ngành công nghiệp này có thể so đo được với doanh thu ngành điện ảnh.
Bản thân game là một sản phẩm có sự sáng tạo, và nó cũng được kiến tạo từ hàng nghìn hàng vạn các yếu tố nhỏ khác. Mỗi yếu tố đấy có thể được đăng ký sở hữu trí tuệ. Các yếu tố “nhỏ” này có thể là các bản nhạc nền, các nhân vật (tạo hình,…); cho tới các đoạn mã, các thiết kế liên quan tới hệ thống game như AI, chế độ khó dễ của trò chơi,…
Nhờ vào hệ thống sở hữu trí tuệ, các sản phẩm game sẽ được bảo hộ, nhằm đảm bảo lợi ích cho nhà phát triển trước các đối thủ và bên thứ 3 xâm phạm.
Các yếu tố sở hữu trí tuệ trong trò chơi điện tử
Bản quyền
Như đã liệt kê ở phía trên, các trò chơi có thể sử dụng hàng loạt các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, nhân vật, hoạt họa,… Và mỗi yếu tố đó đều có thể được đăng ký bản quyền.
Trong một trò chơi, các yếu tố được bảo hộ dưới dạng bản quyền là:
– Mã nguồn
– Nhân vật
– Các mô hình tòa nhà
– Các bản đồ
– Các bản vẽ phác thảo
– Âm nhạc và hiệu ứng âm thanh
– Kịch bản, hội thoại và cốt truyện

Phải nhấn mạnh rằng, luật bản quyền về cơ bản chỉ bảo vệ hình thức thể hiện của sản phẩm. Cần phải chú ý rằng, ý tưởng của trò chơi chỉ có thể được đăng ký bảo hộ bản quyền chỉ khi nó được sản xuất ra một dạng nhất định; và cùng một ý tưởng nhưng cách thể hiện khác thì không phải là vi phạm bản quyền.
Một trong những quyền tác giả quan trọng chính là quyền làm tác phẩm phái sinh. Đây là các tác phẩm được làm dựa trên một tác phẩm có sẵn. Điều này cho phép các nhà phát triển được phép làm game dựa trên các ấn phẩm điện ảnh nổi tiếng, và ngược lại.
Theo đó, khi hoạt động liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật, nhà sáng tạo cũng như các bên liên quan cần chú ý về vấn đề quyền làm tác phẩm phái sinh nếu không muốn vướng vào mâu thuẫn kéo dài nhiều năm như của họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đối với các nhân vật Trạng Tí và quyền chuyển thể từ truyện tranh lên phim ảnh.
Bí mật thương mại
Đây là yếu tố duy nhất không được công khai khi bảo hộ. Các yếu tố này có khả năng đem lại lợi ích cho nhà phát triển chỉ khi nó còn giữ được bí mật. Đối với nhà phát triển game, các yếu tố sau thường là bí mật thương mại:
– Thuật toán
– Danh sách khách hàng
– Các thông báo về quá trình phát triển trò chơi
– Các điều khoản
Nhãn hiệu
Khi nói về nhãn hiệu trong mảng trò chơi điện tử, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những ông lớn như Playstation, Nintendo hay Xbox. Nhãn hiệu chính là yếu tố phân biệt các sản phẩm dịch vụ trên thị trường. Do đó không chỉ là các nhà phát triển hệ máy, nhà xuất bản, phát hành game cũng có nhãn hiệu riêng như Rockstar, 2k Games, Remedy,…
Sáng chế
Một khi đã sống với công nghệ thì phải đi đôi với sáng chế. Với sự phát triển không ngừng từ công nghệ thông tin cũng như công nghệ máy móc, các thuật toán, các phần mềm sẽ liên tục ra mắt, với những cải tiến. Các thuật toán, phương pháp kĩ thuật mới nhằm cải tiến AI hay cơ chế trong trò chơi, thậm chí là tỷ lệ rơi đồ hiếm cũng đều có thể được đăng ký sáng chế.
Cùng phát triển
Sinh ra từ cả sức sáng tạo và nền công nghệ, thế giới game vô tình cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy sở hữu trí tuệ. Với việc công nghệ và nghệ thuật thay đổi ngày ngày, các điều luật sở hữu trí tuệ cũng sẽ phải thay đổi không ngừng để có thể bắt kịp. Chắc chắn rằng mối quan hệ giữa hai ngành vẫn sẽ còn bền chặt và phát triển dài dài.