Mới đây, cuộc chiến lần này liên quan đến công nghệ sáng chế FlyKnit của Nike, sử dụng sợi chuyên dụng từ các vật liệu tái chế để tạo ra phần trên của giày. Đây không phải lần đầu hai thương hiệu nổi tiếng này xảy ra tranh chấp quyền SHTT.

Với lý do các mẫu giày Adidas AG Primeknit đã sử dụng loại chất liệu giống với sáng chế được đầu tư nghiên cứu bởi Nike đã đăng ký độc quyền công nghệ. Nike Inc. đã đệ trình đơn khiếu nại tới Ủy ban Thương mại Quốc tế ở Washington, ngăn chặn việc nhập khẩu các mẫu giày Adidas Stella McCartney Ultraboost, Pharrell Williams Superstar Primeknit Shoes và giày đi bộ Terrex Free Hiker. Nike cũng đã đệ đơn kiện vi phạm bằng sáng chế lên tòa án liên bang ở Oregon với cáo buộc tương tự.

Cuộc chiến lần này liên quan đến công nghệ: sáng chế FlyKnit của Nike, sử dụng sợi chuyên dụng từ các vật liệu tái chế để tạo ra phần trên của giày. Công nghệ này được nghiên cứu như một thứ vũ khí để cạnh tranh với công nghệ Primeknit của Adidas. Chính vì thế Nike tập trung và áp dụng công nghệ này cho khá nhiều mẫu giày của mình. Nike cho biết đây là kết quả của hơn 100 triệu đô la và một thập kỷ nghiên cứu – hầu như tất cả đều được thực hiện ở Mỹ – và “đại diện cho sự đổi mới công nghệ lớn đầu tiên trong ngành giày dép trong nhiều thập kỷ”.

Tiếp tục tranh chấp quyền SHTT không hồi kết giữa Nike và Adidas (Ảnh: thefashionlaw.com)

Flyknit giúp tạo nên một thân giày nhẹ và ôm sát bàn chân giống như một đôi vớ. Các sợi Flyknit đàn hồi co giãn theo chuyển động của bàn chân giúp tối ưu sự linh hoạt và thanh thoát khi vận động.

Cụ thể, Flyknit sử dụng các loại sợi đặc biệt được đan khoa học để tạo nên một miếng vật liệu liền mạch mềm như len nhưng lại có khả năng đàn hồi rất chắc chắn và còn có thể thay thế hoàn toàn các vật liệu làm giày truyền thống như da, vải, mesh, … giúp bảo vệ môi trường do sự thải rác trong quá trình sản xuất gần như bằng không.

FlyKnit được giới thiệu lần đầu tiên trước Thế vận hội London 2012 và đã được ngôi sao bóng rổ LeBron James, siêu sao bóng đá quốc tế Cristiano Ronaldo và vận động viên marathon Eliud Kipchoge sử dụng,” Nike dẫn chứng trong đơn khiếu nại và cho biết họ “buộc phải thực hiện hành động này để bảo vệ các khoản đầu tư vào đổi mới nhằm bảo vệ công nghệ của mình bằng cách ngăn chặn việc sử dụng trái phép của Adidas”.

Bên phía Adidas cho biết họ đang phân tích đơn khiếu nại và sẽ tự bảo vệ mình trước các cáo buộc. Theo một phát ngôn viên của Adidas cho biết: “Công nghệ Primeknit của chúng tôi là kết quả của nhiều năm nghiên cứu chuyên dụng và cho thấy cam kết của chúng tôi về tính bền vững”. Hiện Primeknit đang được ứng dụng để sản xuất nhiều dòng sneaker mang thương hiệu Adidas trên thị trường, góp phần giúp thương hiệu đồ thể thao Đức củng cố vị trí vững chắc hiện nay.

Primeknit là công nghệ vải dệt được Adidas tạo ra bằng cách hợp nhất và đan xen nhiều lớp chất liệu khác nhau để tạo nên một tấm vải may phần thân trên cho sneaker. Vải dệt Primeknit vẫn đảm bảo tính thoải mái, độ linh hoạt mà vẫn rất nhẹ và cực kì bền, đem tới cảm giác êm ái cho từng bộ phận trên bàn chân. 

Nhờ có Primeknit, nhà sản xuất có thể thay đổi cách thiết kế để loại bỏ nhiều bộ phận không quan trọng trên sneaker Adidas, từ đó sáng tạo ra những đôi giày có kiểu dáng thời trang, ôm chân nhưng vẫn mang lại trải nghiệm êm ái khiến người dùng hài lòng.

Cuộc chiến dai dẳng giữa Nike và Adidas

Flyknit (của Nike) và Primeknit (của Adidas) đều là hai công nghệ sản xuất giày với phần upper được làm chủ đạo từ chất liệu dệt với những điểm gia cố nhằm đảm bảo sự nhẹ nhàng, độ ôm nhưng đồng thời vẫn tạo nên cấu trúc vững chắc cho giày, Flykit và Primeknit đồng loạt được ra mắt vào năm 2012, nhưng Nike đã đi nhanh hơn một bước với việc ra mắt sản phẩm trước và được cấp bằng sáng chế ở nhiều nơi trên thế giới.

Cuộc chiến đầu tiên giữa Flyknit và Primeknit từng được bắt đầu khi Nike dệ đơn kiện lên tòa án ở Đức với yêu cầu ngưng vĩnh viễn việc sản xuất dòng sản phẩm Primeknit tại đây. Tuy nhiên, với những bằng chứng mà Adidas đưa ra cho thấy rằng công nghệ Flyknit mà Nike đăng ký bằng sáng chế thực chất đã có trong những bằng sáng chế trước đó, và kết quả là chính Flyknit đã bị tước bằng sáng chế tại Đức.

Việc  Adidas Primeknit đã dần bán tại nhiều nơi trên thế giới hơn đã dẫn đến những xung đột tiếp theo giữa cả hai. Adidas đã chủ động có những hành động nhằm hủy bỏ bằng sáng chế Flyknit của Nike tại Mỹ nhằm ngăn chặn việc tương tự tại Đức có thể tái diễn. Tuy nhiên, đến hiện tại, cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc.

(Theo chargedretail.co.uk)