Ngày 10/12, tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mãng cầu Thới Hưng” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp cho đại diện Hội Nông dân xã Thới Hưng làm chủ sở hữu.

Nhiều năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ đã từng bước vươn lên khấm khá, ổn định cuộc sống. Trong đó, cây mãng cầu được nhiều người lựa chọn làm cây trồng chủ lực. Không chỉ bán trái, với cây mãng cầu, bà con nông dân nơi đây còn sáng kiến làm ra nhiều món ngon, lạ, như: trà mãng cầu, rượu mãng cầu,…

Với giá trị kinh tế cao, ngày càng nhiều bà con nông dân lựa chọn trồng mãng cầu trên đất Thới Hưng. Theo nhiều nông dân, lắm lúc giá cả trái mãng cầu cũng “lên – xuống” bấp bênh, khiến bà con lao đao. Trong thời điểm khó khăn đó, nhiều hộ đã có ý tưởng làm trà và rượu mãng cầu, mang đến luồng sinh khí mới trong hướng phát triển kinh tế tại địa phương. Xã Thới Hưng hiện có trên 4.000 ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 500 ha trồng mãng cầu na và mãng cầu xiêm với sản lượng khoảng 8.000 – 9.000 tấn/năm. Diện tích mãng cầu được trồng tập trung ở ấp 6 và ấp 7. Hiện nay, mãng cầu Thới Hưng chỉ mới tiêu thụ ở thị trường trong nước thông qua kênh thương lái. Thời gian qua, UBND xã đã tham mưu UBND huyện xúc tiến tìm đối tác để liên kết bao tiêu đầu ra quả mãng cầu cho Hợp tác xã mãng cầu Thới Hưng và người dân.

Nhãn hiệu ‘Mãng cầu Thới Hưng’ được bảo hộ

Bảo hộ nhãn hiệu nâng tầm giá trị cho sản phẩm nông sản

Để nâng cao giá trị cho mãng cầu, xã Thới Hưng còn xây dựng hai nhãn hiệu trà mãng cầu đạt thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao, Hợp tác xã mãng cầu Thới Hưng đang sản xuất rượu mãng cầu để xây dựng thương hiệu Rượu mãng cầu Cờ Đỏ.

Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, một số doanh nghiệp sở hữu nhiều sản phẩm và giá trị sản phẩm tăng sau khi được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, đối với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp nhỏ còn mang nặng tính phong trào, hình thức. Các sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường do chủ sở hữu hạn chế về năng lực quản lý và phát triển thương hiệu.

Nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả bảo hộ, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND thành phố Cần Thơ ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ đến năm 2030.

Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong, ngoài nước đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới; hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học – công nghệ nội dung thuộc Chương trình.

Một số nhiệm vụ ưu tiên thực hiện như: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ các giống lúa OM; xây dựng và phát triển thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng; phát triển thương hiệu Gạo Cần Thơ, Bánh tét lá cẩm Cần Thơ, Nhãn IDO Đồng Tâm, Mãng cầu Thới Hưng; chuyển đổi số trong xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực…

Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, cạnh tranh thương mại khốc liệt, các sản phẩm mang đặc trưng của một vùng nhất định có nguy cơ phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhưng kém chất lượng hoặc sản phẩm gắn nhãn hiệu giả mạo, chưa kể những đòi hỏi ngày càng cao từ thị trường về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc xây dựng, thực hiện và quản lý nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, mà còn giúp bảo tồn, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.