Với ý kiến cho rằng không có bất kỳ sản phẩm nào do AI tạo ra đáp ứng được “quyền tác giả của con người”, văn phòng bản quyền Hoa Kỳ khẳng định trí tuệ nhân tạo (AI) không thể đăng ký bản quyền cho một tác phẩm nghệ thuật.

Một lần nữa Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ (USCO) đã từ chối yêu cầu cấp quyền tác giả cho một tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra trong một phán quyết gần đây. Một hội đồng gồm ba thành viên đã được thành lập nhằm xem xét khiếu nại của tiến sĩ Stephen Thaler về phán quyết năm 2019 của văn phòng. 

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Imagination Engines, Inc – một trong người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo – Thaler đã nộp đơn xin cấp bản quyền cho bức ảnh do một chương trình AI có tên Creativity Machine của ông tạo ra vào tháng 11/2018, chuyên gia xét duyệt của Văn phòng Bản quyền đã từ chối yêu cầu của ông với lý do hình ảnh do thuật toán tạo ra “thiếu quyền tác giả của con người” – một tiêu chuẩn cần thiết để đăng ký cũng như bảo vệ bản quyền.

“Thiếu quyền tác giả của con người”- một tiêu chuẩn cần thiết để đăng ký cũng như bảo vệ bản quyền

Tác phẩm được đề cập có tên “Lối vào Thiên đường gần đây” là mô tả của hệ thống về “trải nghiệm cận tử”, trong đó có một vòm đường sắt bị bỏ hoang đầy lá xen kẽ với những gợn sóng màu tím và một câu chuyện kể đi kèm.

Với lý do nó thiếu “quyền tác giả của con người cần thiết để hỗ trợ khiếu nại về bản quyền”, cả trong quyết định năm 2019 và quyết định mới đây, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ đều từ chối đăng ký tác phẩm, đồng thời đưa ra lập luận rằng Tiến sĩ Thaler đã “không cung cấp bằng chứng đầy đủ về đầu vào hoặc sự can thiệp của tác giả là con người trong quá trình sáng tạo tác phẩm”.

Cơ quan này cho rằng, Luật bản quyền Hoa Kỳ hiện hành chỉ đưa ra các biện pháp bảo vệ “thành quả của lao động trí óc” “được tạo ra từ sức mạnh sáng tạo của trí óc [con người]”. Trong kháng cáo gần đây nhất của mình, Thaler cho rằng yêu cầu quyền tác giả chỉ dành cho “con người” này là vi hiến, nhưng quan điểm của USCO vẫn là kiên quyết không “rời bỏ Đạo luật bản quyền” truyền thống.

Ryan Abbott – Luật sư của Thaler cho rằng họ không đồng ý với Quyết định của Văn phòng Bản quyền và có kế hoạch kháng cáo…Theo Abbott, AI có thể tạo ra sản phẩm sáng tạo ngay cả khi không có tác giả là con người. Bên cạnh đó, để thúc đẩy sản xuất nội dung có giá trị xã hội, việc bảo vệ  bản quyền của các tác phẩm do AI tạo ra là yếu tố quan trọng. Việc cung cấp biện pháp bảo vệ này là bắt buộc theo các khuôn khổ pháp lý hiện hành.

Tác phẩm có tên “Lối vào Thiên đường gần đây” được sáng tạo bởi AI của Stephen Thaler, đã bị Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ từ chối bảo hộ bản quyền.  (Ảnh: Artnews)

Abbott mô tả nỗ lực của Thaler là “một dự án học thuật” được tạo ra nhằm mục đích kiểm tra các tiêu chuẩn bản quyền. Trước đây, ông đã xin cấp bằng sáng chế cho trí tuệ nhân tạo ở nhiều quốc gia. Song Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Vương quốc Anh và Văn phòng Sáng chế Châu Âu đều từ chối công nhận AI là nhà sáng chế ra sản phẩm.

Được biết, Luật bản quyền của Hoa Kỳ không vạch ra rõ ràng các quy tắc dành cho các đối tượng không phải là con người, nhưng một số tiền lệ đã khiến các tòa án nhất quán trong việc quyết định chủ thể sáng tạo “không phải con người sẽ không có đủ điều kiện để được bảo vệ bản quyền”.