Mục đích của bài viết này là để tuyên truyền, bổ sung kiến thức pháp luật cho người đọc về Quyền Tác giả, và mối quan hệ giữa Tác giả và Chủ sở hữu của quyền tác giả. Bên dưới bao gồm những khái quát về Quyền Tác giả và hai tình huống giúp người đọc hiểu hơn về tầm quan trọng của việc được Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Khái quát về quyền tác giả

Định nghĩa của Quyền Tác giả

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ:

“Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”

Quyền tác giả là những quyền nhân thân và quyền tài sản mà pháp luật trao cho tác giả hay chủ sở hữu của một tác phẩm.

Đặc điểm của Quyền Tác giả

Thứ nhất, khác biệt với quyền sở hữu công nghiệp, hiện tại không có cơ chế tra cứu những tác phẩm đã được đăng ký. Qua đó, việc đăng ký bản quyền hoàn toàn dựa trên cam kết không sao chép tác phẩm của người khác, không xâm phạm quyền tác giả của người khác, độc lập sáng tạo ra tác phẩm.

Thứ hai, hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Thứ ba, quyền tác giả thiên về việc bảo hộ hình thức hể hiện tác phẩm. Qua đó, đối tượng của quyền tác giả là tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Qua đó, quyền tác giả thiên về việc bảo hộ hình thức hể hiện tác phẩm.

Thứ tư, chủ sở hữu của tác phẩm có thể không phải là tác giả. Điều này sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên (tác giả có thể là bên làm việc cho chủ sở hữu theo hợp đồng thuê dịch vụ, hoặc theo hợp đồng lao động).

Quy định về Quyền nhân thân

Quyền đặt tên cho tác phẩm

Việc đặt tên cho một tác phẩm giống như việc đặt tên của bố mẹ cho người con của họ, quyền đặt tên sẽ rơi vào người sinh thành tác phẩm. Đó là lí do tại sao, hầu hết những tác giả luôn ví những tác phẩm của họ như “người con tinh thần” của họ.

Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng

Tác giả có thể đứng tên thật hoặc tên nghệ danh trên tác phẩm, và tên thật hoặc bút danh của tác giả sẽ luôn đi cùng tác phẩm. Ví dụ: Trong tác phẩm “truyện ngắn Lão Hạc”, nhà văn Trần Hữu Tri đã sử dụng bút danh “Nam Cao” trên tác phẩm, và trong sách giáo khoa môn Ngữ Văn lớp 8, bút danh “Nam Cao” của ông luôn được nêu cùng với tác phẩm “truyện ngắn Lão Hạc”.

Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả

Trong trường hợp này, tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, do tác phẩm gắn liền với danh dự và uy tín của tác giả, nên khi người khác có ý định sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm thì cần phải có thỏa thuận trước với tác giả.

Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm

Khác biệt với những quyền nhân thân bên trên, quyền công bố tác phẩm không độc quyền cho tác giả tác phẩm và có thời hạn bảo hộ, cụ thể như sau:

a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình;

b) Tác phẩm không thuộc loại hình bên trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

c) Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Quy định về quyền tài sản

Chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện những quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Khi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên thì sẽ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Phân tích về mối quan hệ tác giả – chủ sở hữu của quyền tác giả – đối tượng của tác phẩm

Tình huống số 1

Sau khi đăng một bức ảnh paparazzi chụp cô lên Instagram – trong đó cho thấy cô ấy ở sân bay đội một chiếc mũ lớn –  mà không được phép, ca sĩ người Anh Dua Lipa đã bị Integral Images kiện đòi bồi thường 150.000 USD, với lý do ca sĩ này vi phạm luật bản quyền của Hoa Kỳ. Công ty cũng đang yêu cầu một thư yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả tới ca sĩ, cũng như các chi phí pháp lý.

Nguồn: https://thevaultznews.com/entertainment/dua-lipa-sued-for-posting-paparazzi-photo-of-herself-on-instagram/

Vậy tại sao ca sĩ Dua Lipa không thể đăng một bức ảnh bình thường về mình lên trang mạng xã hội của mình ?

Đó là vì người chụp ảnh hay còn gọi là tác giả, không phải đối tượng của bức ảnh, sở hữu quyền tác giả của bức ảnh chụp đó. Trong trường hợp này, người chụp ảnh – nhân viên theo hợp đồng lao động của công ty Integral Images thực hiện bức ảnh chụp này, đồng thời. điều này có nghĩa rằng quyền tài sản sẽ thuộc về chủ sở hữu của quyền tác giả đó là công ty Integral Images. Cụ thể, Integral Images đã được cấp bản quyền cho hình ảnh chụp vào ngày 20 tháng 2 năm 2021 – hai tuần sau bài đăng của Lipa – theo hồ sơ từ Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ.

Theo Integral, tài khoản Instagram của nữ ca sĩ là một công cụ marketing cho sự nghiệp âm nhạc của cô ấy. Intergral cho rằng hành vi đăng ảnh thuộc bản quyền của công ty là một hành động xâm phạm trực tiếp đến quyền tài sản của công ty, và hành vi đó ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của công ty đối với tác phẩm. Suy cho cùng, Dua Lipa đã không xin phép hay trả tiền cho công ty Integral Images để đăng bức ảnh đó lên tài khoản Instagram của cô ấy.

Pháp luật được thiết kế để bảo vệ tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả khỏi hành vi xâm phạm quyền tác giả, kể cả khi người đó là đối tượng của tác phẩm đó.

Tình huống số 2

Vào năm 2018, người mẫu Gigi Hadid bị kiện bởi công ty Xclusive-Lee khi người mẫu đã đăng tải một bức ảnh chụp – cho thấy cô ấy đang đi ra khỏi một tòa nhà – Hadid thậm chí còn tạo dáng cho người chụp ảnh, mà không xin phép hay trả tiền cho việc sử dụng.

Nguồn: https://www.hollywoodreporter.com/business/business-news/gigi-hadid-heroine-copyright-revolution-guest-column-1226378/

Trong trường hợp này, Hadid đã tạo dáng, cười trong bức ảnh chụp. Điều đó đã tạo nên sự sáng tạo và độc nhất của bức ảnh, vậy liệu điều có nghĩa rằng cô người mẫu này đã trở thành đồng tác giả của bức ảnh chụp bên trên do cô ấy đã giúp sức tạo ra bức ảnh trên dẫn đến việc cô ấy phát sinh quyền tác giả? Câu trả lời là không – Do khi nộp đơn đăng ký lên Cục bản quyền, một trong những giấy tờ cần thiết đó chính là “Cam kết đồng tác giả” được ký giữa những đồng tác giả. Trong trường hợp này, đã không tồn tại thỏa thuận hay cam kết giữa người chụp bức ảnh và Gigi Hadid, nên cô người mẫu sẽ không được coi là đồng tác giả của bức ảnh chụp

Vậy giống như tình huống 1, Hadid đã đăng tải một bức ảnh mà cô ấy không sở hữu và bị chủ sở hữu bức ảnh kiện vì đã xâm phạm trực tiếp đến quyền tài sản của công ty, và gây ảnh hưởng đến việc khai thác tác phẩm bình thường. Nhưng trong trường hợp này, công ty Xclusive-Lee đã không đăng ký bản quyền cho bức ảnh chụp trước khi nộp đơn khởi kiện, nên vụ kiện đã bị đình chỉ.

Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là một thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả. Nhưng việc đăng ký sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó bao gồm việc khởi kiện yêu cầu Tòa án xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Để phát sinh việc khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả phải được Cục Bản quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.