Nhạc cụ cổ nhất được tìm thấy trên Trái đất có niên đại khoảng hơn 40.000 năm và nhiều khả năng người tiền sử đã tạo ra âm thanh tương tự như tiếng hát trước khi ngôn ngữ nói bắt đầu được sử dụng. Nói cách khác, âm nhạc từ lâu đã trở thành một phần trong đời sống của loài người.

Giống như các tác phẩm nghệ thuật nguyên bản khác, âm nhạc – từ các bài hát nổi tiếng đến các bản giao hưởng – đều có thể được bảo vệ dưới dạng Sở hữu trí tuệ (SHTT) thông qua bản quyền. Nhưng quá trình tạo ra các bản nhạc đó không bắt đầu cũng như không kết thúc chỉ với sự sáng tạo của người nghệ sĩ, vì nếu không có nhạc cụ, thiết bị ghi âm, thiết bị sản xuất và các hệ thống âm thanh khác nhau, hầu hết các bản nhạc chúng ta có thể thưởng thức ngày nay sẽ không tồn tại.

Trải qua hàng nghìn năm, với những tiến bộ kỹ thuật, các nghệ sĩ đã tạo ra và phổ biến những thể loại âm nhạc mới. Và nhiều sáng chế có ảnh hưởng nhất liên quan đến những thể loại âm nhạc này đã được bảo vệ bởi các bằng sáng chế.

Sự khởi đầu của âm nhạc

Âm nhạc đã xuất hiện từ rất lâu và có rất nhiều ý kiến về cách âm nhạc ra đời. Một số người tin vào học thuyết của Charles Darwin về cách các bộ lạc cổ đại sử dụng âm nhạc trong các nghi lễ kết đôi, trong khi nhiều người khác cho rằng việc phát triển song song với lời nói đã khiến âm nhạc phát triển từ các hình thức biểu đạt cổ xưa thành những gì chúng ta biết ngày nay.

Học thuyết về nguồn gốc chỉ là một trong những giả thuyết về sự ra đời của âm nhạc, việc lập biểu đồ về sự phát triển của âm nhạc thông qua niên đại các nhạc cụ cổ được cho là có nhiều cơ sở hơn. Xương đùi gấu có niên đại 60.000 năm tuổi tại Bảo tàng Quốc gia Slovenia được cho là một cây sáo, mặc dù điều này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi gay gắt. Nhạc cụ được công nhận có niên đại cao nhất là sáo xương được tìm thấy trong các hang động của Đức, một số cây sáo xương có niên đại khoảng 42.000 năm tuổi. Bên cạnh sáo hay các loại nhạc cụ hơi, trống, lục lạc và các bộ gõ khác là những nhạc cụ phổ biến nhất của loài người thời tiền sử và đã được phát hiện trên khắp thế giới, từ châu Âu cho đến Trung Quốc.

Các nhạc cụ có dây như đàn lia và đàn hạc đã xuất hiện cách đây ít nhất 4.000 năm, vài thế kỷ trước khi bản nhạc lâu đời nhất vẫn còn tồn tại được sáng tác – các bản nhạc Hurrian ở Ugarit (nay là miền bắc Syria) – được khắc trên các bảng chữ hình nêm vào khoảng 1.400 năm trước Công nguyên.

Bản nhạc Hurrian được khắc trên các bảng chữ hình nêm.

Piano và SHTT

Sự phát triển của các thể loại âm nhạc từ thời kỳ các bài hát Hurrian xuất hiện cho đến thời kỳ Baroque là rất đáng chú ý, nhưng bài viết này sẽ tập trung vào thế kỷ 18 với hai dấu mốc đặc biệt đã thay đổi vĩnh viễn nền âm nhạc và SHTT.

Mặc dù chỉ có một vài cải tiến kỹ thuật so với đàn harpsichord và chỉ phổ biến hơn trong những năm sau này, nhưng đàn piano chính là một trong những sáng chế có ảnh hưởng nhất đến âm nhạc. Sáng chế Piano của nhạc sĩ người Ý Bartolomeo Cristofori được tạo ra vào năm 1700. Sáng chế của Cristofori đã được biết đến như là biến thể của “gravicembalo col piano e forte,” hay “đàn harpsichord với âm thanh mềm mại và sinh động”. Trong tiếng Ý, từ này được viết tắt thành “pianoforte” và cuối cùng là” piano “trong tiếng Anh. Với đàn Piano, các nhạc sĩ có thể nhấn các phím của chiếc đàn với các mức lực khác nhau khiến búa đập vào dây và tạo ra âm thanh có âm lượng khác nhau – điều mà đàn harpsichord và các nhạc cụ trước đây khác không thể làm được.

Bartolomeo Cristofori bên chiếc đàn Piano.

Chiếc đàn piano có thể cho phép các nhạc sĩ điêu luyện như Handel và Bach soạn các bản nhạc có biên độ âm lớn hơn, mang ý nghĩa phức tạp và nhiều sắc thái hơn. Ngoài ra, Đàn piano còn cung cấp cho các nhà soạn nhạc một công cụ có thể được sử dụng để dạy các bản nhạc cho các thành viên trong dàn nhạc. Trong các thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn tiếp theo, các nhà soạn nhạc bao gồm Mozart, Beethoven và Chopin đã sử dụng đàn piano để đổi mới việc sáng tác âm nhạc, những đổi mới này đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nền âm nhạc ngày nay.

Sinh ra ở Cộng hòa Venice, Cristofori sống ở Florence, là một trong số ít bang thời đó bảo hộ bằng sáng chế. Mặc dù thực tế Cristofori không yêu cầu bất kỳ loại quyền sở hữu trí tuệ nào cho sáng chế của mình, nhưng một phần quan trọng đáng kể của đàn piano đối với âm nhạc hiện đại nằm ở tính linh hoạt trong thiết kế của nó. Mẫu đàn piano cơ bản có thể được thêm hoặc bớt các phím, thay đổi cơ chế bên trong và hơn thế nữa. Ví dụ, Sébastian Érard đã tạo ra bộ truyền thoát âm kép để cho phép việc lặp lại các nốt nhạc, và ông đã được cấp bằng sáng chế cho sáng chế của mình vào năm 1821.

Nhân tố có ảnh hưởng lớn thứ hai của thời kỳ này xuất hiện sau Cristofori mười năm, vào năm 1710, khi Đạo luật Anne có hiệu lực ở Vương quốc Anh. Điều này đã tạo ra luật bản quyền chính thức sớm nhất và chỉ định tác giả sẽ là người thụ hưởng chính với những tác phẩm sáng tạo của họ và chỉ cho phép tác giả khác và các nhà xuất bản đã được họ cấp phép xuất bản tác phẩm của họ. Theo đạo luật của Anne, thời hạn của bản quyền có thể kéo dài đến 28 năm nếu được gia hạn sau thời điểm đăng ký 14 năm. Mặc dù đạo luật này không có quy định về tiền bản quyền – và chỉ áp dụng cho sách – nhưng nó đã cung cấp một nền tảng và mô hình toàn cầu cho các quy định về bản quyền với sự bảo vệ quyền lợi cho các tác giả và sau này là các nhà soạn nhạc.

Từ cuộc cách mạng công nghiệp đến thời đại công nghệ

Âm nhạc từng là lĩnh vực độc quyền của giai cấp giàu có. Sau này, âm nhạc đã trở nên dễ tiếp cận hơn vào thế kỷ 19 với cuộc Cách mạng Công nghiệp giúp việc sản xuất hàng loạt thành phần của các loại nhạc cụ trở nên dễ dàng hơn – chẳng hạn như khung gang và dây thép mang lại cho chiếc đàn piano những âm thanh rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Điều này đã làm cho chiếc đàn piano có giá cả phải chăng hơn. Vào cuối thế kỷ này, Công ước Berne đã đưa ra sự thống nhất gần như trên toàn cầu về việc tác phẩm nào nên có bản quyền, bao gồm tác phẩm của các họa sĩ, nhạc sĩ và tác giả.

Trước đây, việc chế tác nhạc cụ thường đòi hỏi kỹ năng của nhiều chuyên gia. Hiện tại, những nhạc cụ tốt nhất vẫn được sản xuất theo các phương pháp truyền thống, cho dù các quy trình cơ giới hóa đã cho phép nhiều người sở hữu những nhạc cụ của riêng mình.

Việc dân chủ hóa âm nhạc đã thúc đẩy sự xuất hiện của các thể loại âm nhạc mới như ragtime, dân gian, blues, đồng quê và jazz. Các thể loại âm nhạc này đều có sử dụng đàn piano ở các mức độ khác nhau, nhưng đàn guitar vẫn được sử dụng phổ biến hơn, một phần vì giá của đàn guitar rẻ hơn nhiều (và dễ di chuyển hơn) so với chiếc đàn piano.

Mọi thứ lại thay đổi vào một lần nữa vào những năm 1930 khi George Beauchamp phát minh ra đàn guitar điện. Beauchamp và đối tác kinh doanh là công ty Rickenbacker đã được cấp bằng sáng chế cho thiết kế của họ, công ty của họ có rất ít sự cạnh tranh cho đến đầu những năm 1950. Vào thời điểm đó, những âm thanh mạnh hơn do Gibson Les Paul (1952) và Fender Stratocaster (1954) tạo ra khiến chúng trở thành đặc trưng cho thể loại nhạc blues, R&B và một thể loại âm nhạc mới còn non trẻ khi đó gọi là “rock and roll.” Les Paul cũng thiết kế nguyên mẫu cây đàn mới của Gibson và chịu trách nhiệm trong những thử nghiệm ban đầu với việc ghi âm nhiều bản nhạc. Ông ấy luôn đảm bảo việc đăng ký bằng sáng chế cho những sáng chế của mình.

Đổi mới trong quá trình sáng tạo và sản xuất âm nhạc

Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là thời điểm mang đến những cột mốc đặc biệt trong lịch sử âm nhạc với sự xuất hiện những nhạc cụ mới cũng như các cách thức ghi âm và nghe nhạc mới.

Về khía cạnh nhạc cụ, các sáng chế như bộ tổng hợp Moog và Giao diện kỹ thuật số dành cho nhạc cụ (MIDI) cho phép mọi người có thể tự do tạo ra hầu như bất kỳ âm thanh nào mà họ có thể tưởng tượng ra. Tương tự như vậy, với sự xuất hiện của trống máy Roland TR-808, mặc dù ban đầu sản phẩm này bị coi là một thất bại, đã giúp hình thành nền tảng cho hip-hop và nhiều thể loại nhạc điện tử phát triển.

Trong quá trình thu âm, tính linh hoạt được cung cấp bởi tính năng ghi nhiều bản nhạc đã bị lu mờ bởi chức năng của các phần mềm như Pro Tools và các phần mềm liên quan sau này, cung cấp cho các nhạc sĩ tự do gần như tất cả các khả năng của một phòng thu chuyên nghiệp. Và sau nhiều thập kỷ bị giới hạn với việc sử dụng đĩa vinyl, một loạt các sáng chế như băng cassette, CD và MP3, cũng như các máy nghe nhạc di động đã mang đến cho người nghe nhạc nhiều lựa chọn để tiếp cận với âm nhạc hơn. Ngày nay, điện thoại thông minh là thiết bị nghe nhạc chính của nhiều người, nhưng thậm chí điều này sẽ không xảy ra nếu không có sáng chế tệp MP3 và các máy nghe nhạc mang tính biểu tượng như Apple iPod. Âm nhạc chạm đến vô số khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, và vì vậy, theo lẽ tự nhiên SHTT sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển âm nhạc.