Sau nhiều năm chiến dấu dai dẳng, liên miên giữa Huawei và Apple liên quan đến nhãn hiệu ‘MatePod’, cuộc chiến cuối cùng đã kết thúc với thắng lợi dành cho Huawei.

Nguồn gốc của cuộc xung đột giữa 2 công ty công nghệ khổng lồ đã có từ rất lâu trước đây, có lẽ vì họ là 2 công ty công nghệ khổng lồ trên thế giới và xung đột là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính đến cuộc chiến giành nhãn hiệu ‘MatePod’ thì nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 bên bùng nổ liên quan đến từ ‘Pod’. Trong khi Huawei không được biết đến với từ này trước khi nộp đơn đăng ký MatePod cho danh mục sản phẩm tai nghe của mình nhưng Apple từ lâu đã nổi tiếng với người dùng toàn cầu với các dòng sản phẩm iPod, EarPods, và AirPods.

Tranh chấp xung quanh nhãn hiệu ‘MatePod’. Ảnh minh họa

Sau khi biết tin, Apple đã đứng ra phản đối việc đăng ký nhãn hiệu ‘MatePod’, cho rằng sản phẩm này sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ của sản phẩm bởi nó “giống với nhãn hiệu riêng của Apple đối với các cụm từ Pod, iPod, EarPods, và AirPods.”

Hơn nữa, Apple đã tuyên bố rằng Huawei đã “sao chép một cách ác ý” các nhãn hiệu của họ, “điều này có thể gây ra tác động có hại cho xã hội”.

Không thuyết phục được CNIPA

Tuy nhiên, các lập luận của Apple dường như không đủ đối với CNIPA bởi lẽ cơ quan này đã ra phán quyết có lợi cho Huawei và cuối cùng, Huawei cũng được cấp đăng ký nhãn hiệu MatePod.

Cụ thể, phản hồi chính thức của CNIPA về vụ việc là “không có đủ bằng chứng” chứng minh các đơn đăng ký của Huawei là bản sao, bản nhái với mục đích xấu là đạo nhái tên thương hiệu của Apple, gây tác động tiêu cực cho người dùng.

Ngoài ra, phán quyết từ CNIPA cũng đã thừa nhận sự tương đồng giữa cả hai công ty ở các khía cạnh như “chức năng, kênh bán hàng và người tiêu dùng mục tiêu”. Tuy nhiên, “cách viết của các nhãn hiệu là khác nhau, và sự khác biệt trong cách phát âm và hình thức tổng thể là khác nhau.”

CNIPA kết luận: “Nhãn hiệu của hai công ty không phải là nhãn hiệu giống nhau trên những sản phẩm giống nhau. Việc cả hai cùng tồn tại sẽ không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”.

Dù vậy, phán quyết này có thể sẽ không phải là cuối cùng bởi lẽ Apple vẫn có quyền nộp đơn khiếu nại thêm lên CNIPA nhằm đảo ngược quyết định này.

Trung Quốc được đánh giá là thị trường quan trọng của Apple bởi số lượng người dân khổng lồ của quốc gia này. Không chỉ thị trường công nghệ, các công ty, tập đoàn khổng lồ toàn cầu trên nhiều lĩnh vực khác nhau cũng đều coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm.

Chính vì vậy mà việc tranh chấp nhãn hiệu ở quốc gia này được họ đặc biệt quan tâm và qua đó, sẽ không dễ dàng từ bỏ.

Theo IDC, dự kiến có khoảng 120 triệu tai nghe được bán ra tại Trung Quốc trong năm 2021. Năm 2020, Apple chiếm 15,6% thị phần, trong khi Huawei và Xiaomi đứng thứ hai và ba với lần lượt 8,8% và 8,4% thị phần tai nghe không dây ở Trung Quốc. Hơn một nửa thị trường thuộc về các nhà cung cấp nhỏ khác.