Tên miền là một khái niệm rất quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Loại tên miền điển hình nhất mà có lẽ ai cũng biết chính là tên miền: google.com. Người muốn đăng ký tên miền gần như không phải chịu giới hạn nào và chỉ cần gia hạn là sẽ có thể mãi sở hữu tên miền đó. Tuy nhiên, cũng vì không có các quy định chặt chẽ nên nhiều khi các tên miền đăng ký có thể bị các bên thứ ba kiện vì nó có khả năng gây nhầm lẫn, đánh lừa, thậm chí mang mục đích lừa đảo người tiêu dùng.

Tên miền tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung được các tổ chức và cá nhân đăng ký sử dụng nhằm mục đích quảng bá về tổ chức, sản phẩm, dịch vụ, tiến hành các hoạt động thương mại và phi thương mại trong môi trường Internet toàn cầu.

Các tên miền hoạt động trên mạng phải đáp ứng được một số yêu cầu trong đó quan trọng nhất là tính duy nhất của tên miền.

Lưu ý về tranh chấp tên miền tại Việt Nam

Đăng ký tên miền khá rẻ, thường chỉ dưới 1 triệu đồng và có phí duy trì là vài trăm nghìn 1 năm. Qua đó, vấn đề chi phí không quá quan trọng đối với tên miền. Thứ quan trọng là tính hấp dẫn, độc đáo của tên miền và việc gia hạn tên miền đúng hạn để tên miền không bị ‘xóa sổ’.

Do tên miền là loại lĩnh vực được sử dụng trên toàn thế giới nên việc nhiều tổ chức đăng ký một tên miền là điều rất có thể xảy ra.

Thậm chí, các tên miền hay, hợp lí ngày nay đều đã bị kín chỗ. Thậm chí, người đọc chỉ cần thử gõ một cụm từ tiếng Anh có nghĩa bất kì rồi thêm đuôi “.com” vào đằng sau là rất có thể sẽ tiến vào một website của một công ty/cá nhân nào đó.

Ví dụ như: ilovepdf.com

Tuy nhiên, vì giới hạn lãnh thổ nên các tên miền này có thể không được truy cập từ Việt Nam hoặc các tên miền đó đang được rao bán với giá cao,…

Tranh chấp về tên miền

Tranh chấp về tên miền rất đa dạng.

Một dạng tranh chấp phổ biến là khi một công ty dần có tiếng trên thế giới hoặc tại một quốc gia nào đó, các tổ chức chuyên săn tên miền sẽ đăng ký trước các cụm từ có liên quan đến công ty đó, ví dụ như một công ty luật đã có tên miền abclaw.com sẽ bị các công ty kia đăng ký trước cụm từ abciplaw.com hoặc abclaw.net, abclegal.com,…

Hiện tượng này được gọi là “đầu cơ tên miền” (domain name speculation), khá tương tự với hành vi đăng ký nhãn hiệu của các công ty lớn khi mà họ chưa kịp bảo hộ tài sản trí tuệ tại các quốc gia mục tiêu trên con đường phát triển.

Đối với các trường hợp này, hầu hết các công ty lớn đều lựa chọn trả một khoản tiền khổng lồ để mua lại tên miền, thay vì lãng phí thời gian tranh chấp tại tòa án mà khả năng thất bại rất cao, bởi lẽ tên miền được cấp theo nguyên tắc đăng ký đầu tiên. Theo đó, bên đăng ký đầu tiên sẽ có quyền đối với tên miền, chứ không phải tổ chức có nhãn hiệu, tên công ty trùng với tên miền.

Điều này là hợp lí bởi lẽ tên miền không phải là quyền tự động được cấp cho chủ sở hữu nhãn hiệu. Nó là một loại tài sản cần được đăng ký, không nằm trong phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ. Không thể nào có chuyện một công ty tên là Phùng Văn sẽ tự động nhận được quyền đối với tên miền phungvan.com hoặc phungvan.com.vn

Tuy đây là một nguyên lí đơn giản nhưng trên thực tế có nhiều công ty đang nhầm lẫn và có suy nghĩ là “tên liên quan đến tôi, chỉ tôi được sử dụng” và tin rằng việc bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu thành công sẽ bao gồm cả quyền đối với tên miền.

Chủ doanh nghiệp khi có tranh chấp về tên miền cần phân biệt rõ giữa quyền đối với nhãn hiệu và quyền đối với tên miền bởi lẽ đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau và việc đăng ký bảo hộ được 1 sẽ không tự động nghĩa là tài sản còn lại cũng được bảo hộ và thuộc về họ.