Trong thời đại kỹ thuật số, những bộ truyện tranh có vẻ không còn hấp dẫn như trước, nhưng di sản của chúng là không thể phủ nhận với những câu chuyện có ảnh hưởng đến nền văn hóa đại chúng trong nhiều thập kỷ. Nhưng bên cạnh những chiếc áo choàng, có một khía cạnh quan trọng ít được nhắc đến trong những câu chuyện này, đó chính là Quyền Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT).

Mỗi nhân vật truyện tranh đều là một tác phẩm nghệ thuật riêng biệt với những câu chuyện, đặc điểm và yếu tố hình ảnh riêng biệt. Những yếu tố độc đáo này có thể được bảo hộ pháp lý. Luật SHTT có thể bảo vệ tác phẩm sáng tạo của các tác giả và nghệ sĩ.

Quyền tác giả trong thời kỳ đầu của truyện tranh

Thời kỳ Hoàng Kim của truyện tranh.

Những năm 1930 đến 1950 là “Thời kỳ Hoàng Kim” của truyện tranh, một thời kỳ chứng kiến sự xuất hiện của những nhân vật sẽ trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng.

Những tác giả tiên phong trong thời kỳ này là Jerry Siegel và Joe Shuster, những người đã sáng tạo ra Superman với xuất hiện lần đầu tiên trong “Action Comics #1” năm 1938. Được phát hành bởi National Allied Publications (một trong những công ty tiền thân của DC Comics), những câu chuyện về Superman đã trở thành một hiện tượng ngay lập tức. Sự thành công này cũng đã làm nổi bật tầm quan trọng của quyền tác giả trong ngành công nghiệp truyện tranh đang phát triển một cách nhanh chóng.

Siegel và Shuster sau đó đã bán bản quyền Superman cho một công ty tiền thân khác của DC Comics là Detective Comics chỉ với 130 đô la Mỹ. Hành động này khá phổ biến vào thời điểm đó, theo đó, người sáng tạo sẽ giữ ít quyền kiểm soát hơn với sản phẩm của họ và chỉ nhận được một ít lợi ích tài chính khi những câu chuyện của họ nổi tiếng được sử dụng. Giá bán này khi so với sự thành công của Superman thì trở nên thật nhỏ bé. Để minh họa giá trị lịch sử của giao dịch này, chiếc séc gốc của Detective Comics đã được bán được với giá 160.000 đô la Mỹ tại một buổi đấu giá vào năm 2012.

Đối với hai tác giả trên, những năm sống với những đồng tiền ít ỏi, đấu tranh với các vấn đề sức khỏe và phải làm nhiều công việc khác nhau, đã nhấn mạnh thách thức lớn trong ngành công nghiệp truyện tranh: sự cần thiết của việc bảo vệ quyền SHTT.

Bối cánh pháp lý trong Thời kỳ Hoàng Kim của truyện tranh

National Allied Publications và Detective Comics đã sáp nhập vào năm 1946 để tạo thành National Comics Publications, công ty sẽ chính thức đổi tên thành DC Comics vào năm 1977. Nhưng chỉ sau bốn năm từ khi thành lập, National Comics Publications đã vướng phải một trong những vụ kiện nổi tiếng nhất. Vụ tranh chấp giữa National Comics Publications vs. Fawcett Publications với cáo buộc Captain Marvel của Fawcett (còn được biết đến với tên gọi Shazam) vi phạm bản quyền Superman. Những tranh chấp trước đó đã xảy ra với những nhân vật như Wonder Man và Master Man, nhưng đây là lần đầu tiên một vụ kiện bản quyền xảy ra.

Sự tương đồng giữa Superman và Captain Marvel, bao gồm những khả năng siêu phàm, hay thậm chí là một số khía cạnh trong trang phục của họ, đã dẫn đến một cuộc chiến pháp lý căng thẳng kéo dài 12 năm, kết thúc với việc Fawcett Publications phải trả 400.000 đô la Mỹ tiền bồi thường và ngừng sử dụng nhân vật Captain Marvel trong nhiều năm. Vụ án này đã tạo ra một tiền lệ về cách quyền tác giả sẽ được tiếp cận, hoặc tránh bị vi phạm trong tương lai.

Trong thời gian Captain Marvel còn mặc chiếc áo choàng màu đỏ đặc trưng, một công ty thứ ba đã bí mật đăng ký nhãn hiệu “Captain Marvel” vào năm 1967. Marvel Comics sau đó đã trở thành đối thủ chính của DC, với việc Marvel Studio hoạt động gần như “độc quyền” về mảng siêu anh hùng trong thị trường điện ảnh trong khoảng 15 năm. Đến nay, Marvel Studios đã phát hành 33 bộ phim trong “vũ trụ điện ảnh” của mình với doanh thu hơn 29,5 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, cú sẩy chân gần đây của bộ phim “The Marvels” có thể đã chấm dứt chuỗi thành công đó.

Quay lại với những người sáng tạo ra Superman, Siegel và Shuster, cuộc chiến với DC Comics của họ cũng mang ý nghĩa rất quan trọng. Vào mùa xuân năm 1975, khi sự mong đợi về một bộ phim Superman đang dần tăng lên, những thiệt thòi của 2 tác giả đã thu hút sự chú ý của công chúng. Ban đầu, DC Comics đã đề nghị một khoản tiền lớn cho Siegel để giải quyết vụ kiện, một lời hứa mà DC Comics đã hủy bỏ sau đó. Những bất công mà 2 tác giả trên phải chịu đã được các họa sĩ truyện tranh đồng nghiệp chú ý, họ đã khởi động một chiến dịch với những bức tranh miêu tả sự khó khăn mà các tác giả của Superman phải chịu đựng. Những áp lực từ công chúng, và việc DC cần duy trì hình ảnh tích cực cho các dự án phim mới, đã dẫn đến việc Siegel và Shuster nhận được sự công nhận xứng đáng vào cuối năm 1975.

Những cuộc đấu tranh liên tục về bảo vệ thương hiệu

Khác với những khó khăn mà Siegel và Shuster từng phải đối mặt, ngày nay ngành công nghiệp truyện tranh, do các ông lớn như Marvel và DC dẫn đầu, lại phải đối mặt với những khó khăn riêng biệt về SHTT. Ngày nay, giá trị của họ mở rộng từ những nhân vật biểu tượng đến cả thế giới mà các nhân vật đó đang sống, bao gồm cả các bối cảnh, các nhân vật phụ và các câu chuyện về nguồn gốc.

Sự mở rộng từ truyện tranh sang phim và truyền hình đã mang lại nhiều cơ hội mới để tạo ra thu nhập, nhưng cũng gây ra các vấn đề phức tạp về tính độc quyền. Bộ phim độc lập “Joker” của DC và việc Marvel phát triển vũ trụ điện ảnh của mình, bao gồm các series như “WandaVision” và “Loki,” cho thấy sự thay đổi về việc tự do sáng tạo khi sử dụng các tài sản SHTT quan trọng. Tuy nhiên, tất cả điều này chỉ có thể xảy ra khi quản lý quyền SHTT nghiêm ngặt. Các trường hợp thực thi pháp luật, như hành động thông báo pháp lý chung của Marvel và DC chống lại việc sử dụng thuật ngữ “siêu anh hùng,” làm nổi bật sự bảo vệ mạnh mẽ của những tài sản này.

Tương lai của SHTT và truyện tranh

Thời kỳ hoàng kim của truyện tranh đã qua, với việc sử dụng hình ảnh của các siêu anh hùng, phản diện vượt xa nguồn gốc ban đầu về tầm quan trọng. Tuy nhiên, những trang truyện tranh vẫn còn rất nhiều sức sống. Những biện pháp bảo vệ quyền SHTT dường như đã giúp ngành công nghiệp này hồi phục về doanh số bán hàng, với mức cao kỷ lục là 2,07 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021. Các tựa sách mới, nghệ sĩ độc lập, chiến dịch gọi vốn từ cộng đồng và sự quan tâm trên các nền tảng trực tuyến chắc chắn đã đóng góp vào việc biến truyện tranh từ lỗi thời thành một xu hướng mới.

Tuy nhiên, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc tạo nội dung, được nhấn mạnh bằng việc Marvel sử dụng hình ảnh được tạo ra bởi AI trong “Secret Invasion,” đặt ra những câu hỏi mới về vai trò của luật sở hữu trí tuệ trong thời đại mới này. Các quyết định về việc hạn chế bảo vệ cho các trang truyện tranh được tạo ra bởi AI có thể là dấu hiệu của một sự chuyển biến đáng kể trong ngành công nghiệp này, mang lại lợi ích cho các nghệ sĩ, nhà văn và những người sáng tạo khác.