Tại Singapore, các nhà khoa học SinFooTech đã khởi nghiệp từ đậu phụ bỏ đi. Họ đã sản xuất thành công rượu Sachi đắt tiền. Hiện tại, một chai rượu Sachi 500 ml trên thị trường có giá 26 euro, tương đương 672.000 VNĐ.

Singapore biến váng đậu phụ bỏ đi thành rượu đắt tiền (Hình ảnh: vulcanpost)

Như một phần của chương trình nghiên cứu tiến sĩ tại khoa Công nghệ Thực phẩm của Đại học Quốc gia Singapore, Chua Jian Yong đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu về váng sữa đậu nành vào năm 2016.

Dưới sự cố vấn của phó giáo sư Liu Shao Quan, cả hai thầy trò đều quan tâm đến việc sản xuất thực phẩm bền vững, và đã tiến hành các thí nghiệm lên men whey đậu nành để xác định xem nó có thể được tái chế hay không. Và khởi nghiệp SinFooTech ở Singapore đã biến nó thành rượu đắt tiền.

Quá trình biến chất thải thành đồ uống giá trị

Trong quá trình sản xuất đậu phụ, giai đoạn cuối là ép đậu nành thành khuôn và loại bỏ nước. Khi ép, váng đậu phụ sẽ sinh ra từ đây thường bị bỏ đi. Và nếu thải trực tiếp váng đậu phụ ra môi trường, nó sẽ gây ô nhiễm vì protein và đường hòa tan trong váng sữa có thể góp phần làm suy giảm ôxy trong hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, váng sữa đậu nành có chứa hàm lượng canxi cao cùng với các chất dinh dưỡng từ đậu nành. Nếu bỏ đi thì sẽ rất lãng phí. Dân gian vẫn thường nói rằng “thùng rác của người này lại là kho báu của người khác”, và SinFooTech có thể là ví dụ hoàn hảo về kinh tế tuần hoàn và có được “quay vòng sinh lợi”.

Sau khi thu thập hết váng sữa, anh bổ sung thêm đường, axit và men vào whey đậu phụ, và hỗn hợp này sau đó được lên men. Kỹ thuật lên men và biến đổi sinh học mới được thiết kế bởi thầy trò Jian Yong đã được áp dụng. Quá trình này sẽ sử dụng hoàn toàn váng đậu phụ mà không làm phát sinh bất kỳ loại chất thải nào. Quá trình sản xuất rượu sẽ mất tổng cộng khoảng ba tuần lễ.

Kết quả là sau ba tháng nghiên cứu và thử nghiệm, họ đã cho ra mắt một loại rượu chưa từng xuất hiện trên thế giới. Sachi là tên của thức uống này. Thức uống có nồng độ cồn chưa tới 7% này được các chuyên gia cho là có hương vị giống như rượu sake Nhật Bản thoảng mùi trái cây và thảo mộc.

“Vô cùng ngạc nhiên vì hương vị tuyệt vời” là lời nhận xét, đánh giá mà họ nhận được cho sản phẩm rượu của mình.

Vài tháng sau, Jian Yong và Jonathan đã cùng sáng lập ra SinFooTech vào năm 2018.

Và sau đó, Jonathan quyết định “rẽ ngang” sang công việc kinh doanh đầu tiên của mình, để đến năm 2020 anh là một trong 30 người dưới 30 tuổi được nhận giải thưởng của Forbes châu Á, cùng với người bạn Jian Yong.

Đồ uống không chứa gluten tốt cho sức khỏe

Hiện SinFootech là công ty duy nhất sử dụng 100% whey đậu nành thu được để chuyển nó thành thực phẩm. Sau khi được cấp bằng sáng chế, công ty đã bắt đầu tiến hành công tác sản xuất hàng loạt với tổng số lượng là khoảng 30 lít rượu trong khoảng một hoặc hai tuần.

Vào tháng 3 năm nay, Sachi đã được tung ra thị trường. Jonathan cho biết: “Cái tên Sachi cũng có nghĩa là sự nở hoa của trí tuệ, biểu thị sự ra đời của một loại đồ uống mới thông qua công nghệ và chúng tôi hy vọng rằng có thể mang lại sự thay đổi tích cực cho người tiêu dùng”.

Theo Jonathan, Sachi được đánh giá là một loại rượu nhẹ và khá dễ uống. Nó phù hợp cho những người chưa quen khẩu vị của các sản phẩm đồ uống có cồn hiện có trên thị trường. Điều đặc biệt nhất là nó không chứa gluten và không có hoa bia. Những ai bị dị ứng với gluten hoặc hoa bia hay đang tìm cách kiêng tránh chúng hoàn toàn thì đây là một sự lựa chọn phù hợp.

Rượu Sachi cũng rất giàu isoflavone, đây là một loại chất chống oxy hóa. Isoflavone hay còn được gọi là tinh chất mầm đậu nạnh. Chất này có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe của da và xương khớp, hỗ trợ chống lại các chứng bệnh như tim mạch hoặc loãng xương.

Anh Jonathan cho biết: “Trên thực tế, thông qua quá trình lên men, isoflavone được ‘mở khóa’ từ dạng liên kết thành dạng tự do để cơ thể chúng ta dễ dàng hấp thụ hơn”.

Chúng ta đều biết, váng sữa đậu nành không để được lâu và có thể hư hỏng trong vòng ba đến bốn giờ. Tuy nhiên SinFooTech đã cố gắng tìm ra cách để kéo dài thời hạn sử dụng của nó thông qua các phương pháp biến đổi sinh học, trước khi nó bị hư hỏng, lên khoảng bốn tháng.