Dây đai an toàn trong những chiếc xe ô tô thường ngày chúng ta hay sử dụng tưởng như một điều tất yếu khi lái xe. Thậm chí, việc sử dụng dây đai ngày càng trở thành một tùy chọn có cũng được, không có cũng được của những người ngồi xe, bao gồm cả tài xế. Tuy nhiên, liệu có mấy người không thắt dây đai nhận thức được rằng họ đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và thực tế rằng họ đang lãng phí, bỏ quên một trong những sáng chế cao quý nhất trong lịch sử nhân loại?

Tại Việt Nam, nhiều người tham gia giao thông trên xe ô tô, thậm chí bao gồm những người sở hữu xe ô tô, thường không nhận thức được rằng bất kì ai ngồi trên xe ở vị trí có dây đai, mà không đeo dây đai, thực ra đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ngược lại, hầu hết công dân Việt Nam chỉ mặc định hiểu rằng việc không thắt dây đai an toàn chỉ bị phạt khi mà người không thắt dây là tài xế – người điều khiển xe.

Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn khi điều khiển xe ô tô chạy trên đường hoặc hành vi chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.

Ngoài ra, khoản 5 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định rằng người được chở trên xe ô tô tại chỗ có dây an toàn nhưng không đeo sẽ bị phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng.

Theo đó, việc không thắt dây an toàn khi tham gia giao thông trên xe ô tô vừa là hành vi vi phạm pháp luật vừa là hành vi không tôn trọng sinh mạng của bản thân lẫn những người xung quanh khi không nhắc nhở họ về cơ chế thắt dây an toàn.

Về mặt sở hữu trí tuệ, việc không thắt dây an toàn khi di chuyển cũng về mặt nào đó là sự bất kính đối với cống hiến của Nils Bohlin – nhà sáng chế thiên tài của Volvo, người đã sáng tạo nên dây đai an toàn trên xe ô tô. Ông đã nguyện lòng cống hiến sáng chế của ông hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng vì mục đích bảo hộ mạng sống của con người.

Vài điều về Nils Bohlin – kỹ sư Volvo

Nils Ivar Bohlin (17 tháng 7 năm 1920 – 21 tháng 9 năm 2002) là một kỹ sư cơ khí và nhà sáng chế người Thụy Điển, người đã sáng chế ra dây đai an toàn ba điểm khi làm việc tại Volvo.

Sinh ra ở Härnösand, Thụy Điển, ông Bohlin nhận bằng kỹ sư cơ khí của Härnösand Läroverk vào năm 1939. Năm 1942, ông bắt đầu làm việc cho hãng sản xuất máy bay Saab với tư cách là nhà thiết kế máy bay và giúp phát triển hệ thống ghế phóng. Năm 1958, ông gia nhập Volvo với tư cách là một kỹ sư an toàn. Ông được ghi nhận là người đã sáng chế ra dây đai an toàn 3 điểm hiện đại, hiện là tính năng an toàn tiêu chuẩn trên tất cả các xe ô tô.

Bohlin đã làm việc về dây an toàn trong khoảng một năm, sử dụng các kỹ năng trong việc phát triển ghế phóng cho SAAB. Ông tập trung vào việc giữ an toàn cho người lái xe trong một vụ tai nạn xe hơi. Sau khi thử nghiệm dây đai an toàn 3 điểm, ông đã giới thiệu sáng chế của mình với công ty Volvo vào năm 1959 và nhận được bằng sáng chế đầu tiên của mình (số 3.043.625). Mười năm sau, ông lãnh đạo Phòng Nghiên cứu và Phát triển Trung tâm của Volvo vào năm 1969.

Năm 1974, ông được trao Giải thưởng Kỹ thuật An toàn Ô tô Ralph Isbrandt.

Năm 1985, ông nghỉ hưu, rời khỏi Volvo với tư cách Kỹ sư cao cấp, sau đó được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng các Nhà sáng chế Quốc gia.

Đến năm 1989, ông được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng về An toàn và Sức khỏe. Ông đã nhận được huy chương vàng từ Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ thuật Hoàng gia Thụy Điển vào năm 1995 và năm 1999, ông được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng Ô tô.

Nils Bohlin qua đời vào ngày 21 tháng 9 năm 2002 ở tuổi 82.

Quan hệ giữa Bohlin và Volvo khá tốt. Volvo đã từng tự hào tuyên bố rằng “ít người đã cứu được nhiều mạng sống như Nils Bohlin” xuyên suốt lịch sử các vĩ nhân trên thế giới.

Đúng vậy, với sáng chế dây đai an toàn của ông, số mạng người ông cứu tăng lên từng ngày và đến tận ngày hôm nay, bất kể thời điểm nào bạn đang đọc bài viết này, chắc chắn số mạng sống mà Bohlin đã cứu với sáng chế của mình vẫn tăng lên từng ngày, trừ trường hợp xe ô tô hoàn toàn biến mất khỏi thế giới.

Sáng chế dây đai an toàn ba điểm

Dây đai an toàn ba điểm đã thay đổi thế giới bằng cách ngăn ngừa chấn thương trong một vụ va chạm ô tô.

Theo một bài nghiên cứu từ Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ, trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 2012, dây an toàn đã cứu chính xác là 329.715 nhiều mạng người hơn so với tất cả các công nghệ xe khác cộng lại.

Trung bình, hiện nay có khoảng 15.000 mạng sống được cứu mỗi năm nhờ dây đai an toàn ở Hoa Kỳ nói riêng. Trong năm 2017, một nghiên cứu đã cho ra kết luận rằng những người vụ tai nạn không đeo dây an toàn có tỉ lệ tử vong cao đến 47%.

Vô vàn nghiên cứu khác đều chỉ rằng việc đeo dây an toàn chỉ có tốt cho người lái xe cũng như hành khách trên xe ô tô mà không có thiệt.  

Tuy nhiên, tại sao những người tham gia di chuyển trên xe ô tô lại không thích việc sử dụng dây đeo an toàn?

Nguyên nhân rất đa dạng nhưng có thể tổng kết lại thành 2 yếu tố chính là: Khó chịu và chủ quan.

Chủ quan là vì họ không nghĩ rằng mình sẽ có khả năng gặp tai nạn giao thông khi đang di chuyển, đặc biệt là đối với những quãng đường ngắn.

Khó chịu ở chỗ dây đeo an toàn bó sát người, tạo cảm giác khó thở, vướng víu trong cử động.

Yếu tố chủ quan khó thể thay đổi bởi nó còn tùy thuộc vào tính cách mỗi người nhưng yếu tố khó chịu thật ra đã được cải thiện qua nhiều năm nghiên cứu và phát triển kể từ khi Bohlin lần đầu trình sáng chế của mình ra cho thế giới.

sáng chế miễn phí vì cộng đồng, dây đai an toàn của Volvo, bằng sáng chế cho dây đai xe ô tô, sáng chế dây đai an toàn ba điểm,
Sáng chế miễn phí vì cộng đồng: Dây đai an toàn của Volvo

Chủ tịch của Volvo vào thời điểm sáng chế nên dây dai an toàn 3 điểm là Gunnar Engellau. Ông không may khi gặp tình cảnh gia đình chịu thương vong vì những thiếu sót trong dây đai an toàn 2 điểm vốn không phải là tính năng tiêu chuẩn trên xe hơi vào thời điểm đó.

Nhận ra thiếu sót này, Engellau đã quyết tâm cải thiện tính năng an toàn cho xe ô tô với cơ chế dây đai an toàn. Ông ‘săn trộm’ Nils Bohlin từ công ty đối thủ Sabb và sau đó, đầu tư nghiên cứu trọng điểm vào dự án dây đai an toàn 3 điểm do Nils Bohlin dẫn đầu.

Cho đến khi có sáng chế của Bohlin, những chiếc dây an toàn 2 điểm cũ này rất vụng về và khiến người dùng đặc biệt không thoải mái (không thoải mái hơn rất nhiều so với hiện tại).

Ngoài ra, các cái dây đấy cũng không có hiệu quả cao khi mà nếu tai nạn xảy ra, người dùng vẫn có thể bị chấn thương nặng ở đầu, ngực và cột sống khi va chạm. Đặt ở vị trí không tốt, dây đai có thể đè bẹp các cơ quan nội tạng của người dùng khi va chạm.

Với dây đai kiểu mới của Bohlin, việc đeo những chiếc dây đai này đã trở nên thoải mái hơn đáng kể. Giờ đây, người dùng có thể thắt dây an toàn qua ngực và thắt lưng chỉ bằng một tay. Thiết kế tân tiến được cải thiện dần dần cũng khiến cho tỷ lệ tai nạn và tử vong giảm đi đáng kể, minh chứng rõ ràng nhất khi ở hiện tại, dây đai an toàn đã trở thành một yếu tố buộc phải có khi thiết kế hay lái xe.

Bằng sáng chế cho dây đai xe ô tô

Khi Bohlin sáng tạo ra dây đai an toàn 3 điểm nguyên mẫu, đưa vào vận hành, Volvo đã đăng ký sáng chế cho sản phẩm này với USPTO.

Theo luật sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ, Volvo sẽ có quyền sử dụng độc quyền sáng chế này trong vòng 20 năm, đổi lại việc công khai chi tiết thông tin về dây đai cho toàn thế giới.

Có thông tin về cấu tạo của dây đai công khai, các nhà sản xuất xe nhỏ, trung và lớn trên thế giới hoàn toàn có thể chế tạo dây đai kiểu mới của Volvo. Tuy nhiên, nếu họ thật sự chế tạo ra và đưa vào sử dụng dây đai trong các mẫu xe của họ, họ sẽ vi phạm luật sở hữu trí tuệ vì sáng chế dây đai 3 điểm của Volvo đã được đăng ký và được cấp bằng sáng chế.

Theo luật thì phải sau 20 năm thì việc sản xuất và sử dụng dây đai mới được hợp pháp.

Tuy nhiên, khác với suy đoán của người dân và mọi hãng xe còn lại trên thế giới, Volvo đã không khăng khăng giữ lấy quyền lợi của mình trong 20 năm thông qua việc cấp phép đòi phí cao cho sáng chế này đối với các hãng xe lớn khác hoặc giữ sáng chế cho bản thân và duy trì tính độc quyền.

Trái lại, Volvo đã đưa tặng sáng chế dây đai an toàn 3 điểm của mình cho các đối thủ cạnh tranh là các hãng xe lớn khác thời bấy giờ để khuyến khích việc áp dụng hàng loạt dây đai an toàn, từ đó cứu sống nhiều sinh mạng hơn.

Ngay sau đó, với sự cho phép của Volvo, các hãng xe đã đồng loạt đưa thiết kế dây đai an toàn vào mẫu xe của mình, cứu được vô vàn sinh mệnh.

Tuy nhiên, dù đã được cải thiện nhưng thực tế rằng việc đeo dây vẫn gây khó khăn, cảm giác khó chịu cho người dùng đã khiến phần lớn người tham gia giao thông bằng ô tô không mặn mà với sáng chế này.

Mãi đến tháng 12 năm 1984, Bang New York ở Hoa Kỳ mới thông qua luật thắt dây an toàn bắt buộc. New York là bang đầu tiên trong số tất cả 50 bang luật hóa việc thắt dây an toàn khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, dù biết là vi phạm pháp luật nhưng ở Hoa Kỳ và Việt Nam nói riêng, cả thế giới nói chung, việc tự bảo vệ mình vẫn phụ thuộc rất lớn vào ý thức người dân, sự ‘chủ quan’ của họ. Chính ý thức này đã dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm có thể phòng tránh được, nổi tiếng nhất với cái chết của Công nương Diana năm 1997.

Góc nhìn

Dây đai an toàn 3 điểm đã thay đổi thế giới bằng cách ngăn ngừa chấn thương chết người trong một vụ va chạm ô tô. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù đeo dây đai, người lái xe, hành khách vẫn có thể chịu chấn thương dẫn đến tử vong nếu chịu tai nạn nghiêm trọng.

Luận điểm này đã dẫn đến một vài ý kiến phản bác về công dụng của dây đai trong đời sống như việc tin vào sự bảo hộ của dây đai sẽ dẫn đến việc các tài xế lái xe quá tự tin, cố ý lái xe bất cẩn, dẫn đến sự gia tăng ở số lượng tai nạn xe hơi.

Ý kiến này không được nhiều người ủng hộ.

Đến hiện nay, Volvo vẫn được công nhận là công ty hàng đầu thế giới về an toàn xe hơi. Nhà sáng chế Bohlin tiếp tục lãnh đạo các dự án mới tại Volvo cho đến giữa những năm 1980 và đã cho ra đời nhiều sáng chế hữu ích khác về an toàn giao thông. Nổi tiếng nhất phải kể đến Hệ thống SIPS (Hệ thống Bảo vệ Tác động Bên).

Không thỏa mãn với chỉ một sáng chế, Volvo và Bohlin tiếp tục đào sâu, nghiên cứu, nỗ lực không ngừng nghỉ để cứu giúp mạng sống con người và mang về những thành tựu cao quý.

Với sự đổi mới không ngừng của Volvo, công ty cũng đã gián tiếp thúc đẩy các hãng xe nổi tiếng khác trong việc đầu tư nhiều hơn vào bộ phận nghiên cứu và phát triển, để từ đó ra đời những sáng tạo hữu ích cho đời sống.

Việc đăng ký bảo hộ cho các tài sản trí tuệ là quyền lợi chính đáng của người sáng tạo và công ty đầu tư cho dự án đó.

Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, chủ sở hữu nên cân nhắc về việc tạm thời từ bỏ quyền lợi của mình nếu như việc đó giúp bảo hộ nhân loại, xã hội và Trái Đất. Sự hy sinh này đã được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử nhân loại, như với dây đai an toàn của Volvo hay bằng sáng chế cho vaccine bệnh sởi của tiến sĩ Jonas Edward Salk.

Hiện nay, trong thời kì Covid-19, có một sự đáng tiếc nhỏ rằng gần như không có một công ty dược lớn nào sẵn sàng miễn trừ quyền SHTT đối với vaccine của họ. Vaccine CORBEVAX được phát triển bởi tiến sĩ Maria Elena Bottazzi và Peter Hotez của Trung tâm Phát triển Vaccine của Bệnh viện Nhi đồng Texas tại Đại học Y khoa Baylor là một trường hợp ngoại lệ.

CORBEVAX hiện không bị giới hạn bởi bằng sáng chế và do đó, các quốc gia kém và đang phát triển sẽ có khả năng sản xuất CORBEVAX nếu như họ có đủ yếu tố cơ sở.

Quay lại với Volvo, việc miễn trừ hoàn toàn quyền SHTT đối với dây đai an toàn 3 điểm chỉ làm giảm đi một số lợi nhuận cho hãng xe khổng lồ nhưng bù lại, Volvo đã nhận được danh tiếng, uy tín là hãng xe thân thiện, vì người dân, vì xã hội.

Đối với các công ty tầm cỡ quốc gia và thế giới, lợi nhuận trong 1 thời gian nhất định chỉ là con số nhỏ. Điều quan trọng là tên tuổi, danh tiếng của công ty cùng với mối quan hệ tạo dựng nên được từ sự hi sinh đó cho thế giới, chính phủ và các ông lớn cùng ngành khác.

So với dây đai thì đại dịch Covid-19 hiển nhiên là một sự kiện tầm cỡ hơn nhiều và nếu như các công ty dược Moderna, Pfizer, AstraZeneca,… có thể hiểu được điều này thì chắc chắn họ sẽ vượt lên trở thành một hoặc vài công ty dược hàng đầu không chỉ tại Hoa Kỳ, Thụy Điển, Anh mà trên cả thế giới, thay vì chỉ là một ‘công ty dược sản xuất vaccine khác’ như hiện tại.