Ngày 05/11, Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông đã tổ chức Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”. Diễn đàn được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo.

Các nền tảng xã hội gây trở ngại trong việc bảo vệ bản quyền

Hiện nay, việc xử lý vi phạm bản quyền tác giả ngày càng trở nên khó khăn trước các nền tảng xã hội như Facebook và Google. Điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển của báo chính thống. Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay các mạng xã hội quốc tế như Facebook hay công cụ quảng cáo của Google gây trở ngại, thách thức lớn trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền.

“Nhiều nước trên thế giới đã có giải pháp siết lại hoạt động của Facebook và Google. Chúng ta cũng cần những giải pháp, phương án cụ thể hơn. Đây là vấn đề trên toàn thế giới, không riêng của Việt Nam”, ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.

Diễn đàn Bảo vệ tác phẩm báo chí
Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Du lịch

Theo khảo sát trong phạm vi hẹp, các báo lấy tin bài của nhau có dẫn nguồn (gồm cả được phép và chưa được phép) thì báo Tuổi Trẻ bị xâm phạm thông tin nhiều nhất (16.641 lần); tiếp đó là báo Thanh niên (9.764 lần); VnExpress (8.723 lần)…Các đối tượng xâm phạm tác quyền phần lớn là các trang thông tin “ba không”: không có địa chỉ, không có cơ quan chủ quản và không biết ai là chủ. Trước thực trạng này, việc các cơ quan báo chí cần liên kết lại với nhau là cần thiết. Tại diễn đàn, các đại biểu đề xuất thành lập một Liên minh bảo vệ bản quyền báo chí.

Việc thành lập một liên minh là cần thiết

Các cơ quan báo chí cần liên kết lại với nhau trên cơ sở hợp đồng chia sẻ quyền lợi. Tuy nhiên cũng cần phải có cơ chế tự bảo vệ mình. Theo đó, các cơ quan báo chí ký kết tôn trọng bản quyền của nhau. Trong đó một cơ quan nhà nước thực hiện chức năng trọng tài. Trong đó, các thành viên cần tuân theo Luật và văn bản dưới luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền và các chế tài liên quan. Các cơ quan cũng cần cùng nhau đấu tranh với các trang thông tin điện tử vi phạm.

Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, việc hình thành liên minh chống vi phạm bản quyền báo chí được đặt kỳ vọng cao. Nhờ đó nâng cao việc bảo vệ quyền SHTT cho các nhà báo các cơ quan báo chí chính thống. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao nhận thức về vấn đề bản quyền cho đội ngũ cán bộ, phóng viên và các biên tập viên. Các cơ quan này cũng cần tích cực tham gia vào quá trình thực thi; góp ý sửa đổi Luật SHTT và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

-Vicma-