Sự khác biệt giữa một nhãn hiệu “tệ” và một nhãn hiệu vi phạm các nguyên tắc đạo đức rất phức tạp. Theo Quy định về nhãn hiệu thương mại của Liên minh Châu Âu (EUTMR), các nhãn hiệu trái với các nguyên tắc đạo đức đều bị cấm đăng ký. Tuy nhiên, quy định này không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Trường hợp mang tính bước ngoặt: Nhãn hiệu ‘Pablo Escobar’
Một quyết định đáng chú ý liên quan đến quy định về nguyên tắc đạo đức là phán quyết gần đây của Tòa án Châu Âu về việc từ chối nhãn hiệu ‘Pablo Escobar’.
Vào ngày 30 tháng 9 năm 2021, Escobar Inc., công ty quản lý tài sản của gia đình Pablo Escobar, đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại EU ‘Pablo Escobar’. Văn phòng SHTT Châu Âu (EUIPO) sau đó đã từ chối đơn đăng ký với lý do nhãn hiệu này vi phạm chính sách công và các nguyên tắc đạo đức. Escobar Inc. đã nộp đơn kháng cáo lên Hội đồng phúc thẩm (BoA) của EUIPO nhưng đã bị bác bỏ đơn kháng cáo. Sau đó, Escobar Inc. đã đưa vụ việc ra trước Tòa án Châu Âu.
Tòa án Châu Âu sau đó vẫn giữ nguyên quyết định của BoA, nhấn mạnh một số điểm chính:
Đánh giá nhận thức của công chúng: công chúng không chỉ bao gồm người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ mà còn bao gồm tất cả các cá nhân có thể tiếp xúc với hàng hóa và dịch vụ đó trong cuộc sống hàng ngày. Tòa án cho rằng đối với một bộ phận đáng kể công chúng, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, nhãn hiệu ‘Pablo Escobar’ mâu thuẫn với các giá trị đạo đức cơ bản của Liên minh Châu Âu, chẳng hạn như phẩm giá, tự do, bình đẳng và đoàn kết. Nhãn hiệu này được coi là có thể gây kích động, có thể gợi lại những đau khổ do băng đảng Medellín của Pablo Escobar gây ra. Tòa án đã cũng đã đề cập đến trường hợp công chúng ở các Quốc gia Châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi nhãn hiệu này, và ghi nhận mối liên hệ lịch sử giữa Tây Ban Nha và Colombia cũng như sự quen thuộc của công chúng Tây Ban Nha với Pablo Escobar.
Phía Escobar Inc. lại lập luận rằng phần lớn mọi người không cảm thấy nhãn hiệu này vi phạm nguyên tắc về đạo đức. Tuy nhiên, Tòa tuyên bố rằng việc đánh giá nhãn hiệu không thể dựa trên ý kiến của một bộ phận công chúng, mà phải dựa trên tiêu chuẩn một của người bình thường, có mức độ nhạy cảm và chịu đựng bình thường.
Bất chấp lập luận cho rằng Pablo Escobar chưa bao giờ bị kết án hình sự, Tòa án vẫn cho rằng nhận thức của công chúng, được định hình bởi hình ảnh tội phạm – khủng bố của Pablo Escobar trên các phương tiện truyền thông, là đủ để coi nhãn hiệu này có thể gây kích động và vi phạm nguyên tắc về đạo đức.
Quyết định này nhấn mạnh rằng nhận thức của công chúng là yếu tố quan trọng nhất trong việc đánh giá liệu nhãn hiệu có vi phạm chính sách công hoặc các nguyên tắc đạo đức được hay không. Nó đặt ra những câu hỏi thú vị về khả năng được đăng ký làm nhãn hiệu của những cái tên nổi tiếng trong thể loại phim tội phạm, như Tony Montana trong Scarface, Walter White trong Breaking Bad và Don Corleone trong The Godfather. Tên của những nhân vật này đã được đăng ký làm nhãn hiệu thương mại EU, và cho dù chỉ là nhân vật hư cấu nhưng họ đều là những ông trùm tội phạm. Việc này đã dấy lên câu hỏi liệu bản chất hư cấu của những nhân vật trên có giúp những nhãn hiệu liên quan đến họ không bị phản đối như những tội phạm ngoài đời thực giống Pablo Escobar hay không.