Thần đồng Đất Việt (TĐĐV) là một tác phẩm truyện tranh Việt Nam gây được tiếng vang lớn. TĐĐV gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ cuối 8x đầu 9x. Đây là bộ truyện tranh dài nhất và thành công nhất trong lịch sử truyện tranh nước nhà. Nó góp phần giáo dục thế hệ trẻ về các sự kiện lịch sử, các điển cố, điển tích. Tuy nhiên, TĐĐV lại “vướng” vào một vụ tranh chấp chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

See the source image
Ông Lê Phong Linh – Tác giả bộ truyện Thần đồng Đất Việt. Ảnh: Kênh 14

Tranh chấp xảy ra

TĐĐV được Nhà xuất bản Trẻ phát hành lần đầu tiên ngày 16 tháng 2 năm 2002. Năm 2001, họa sĩ Lê Linh đã đặt vấn đề với Công ty Phan Thị để cộng tác làm truyện. Lần lượt 78 tập TĐĐV được ra đời từ năm 2002 đến năm 2005. Cũng trong khoảng thời gian đó, bộ truyện được tung ra thị trường và gây được tiếng vang lớn. Năm 2006, Giám đốc Phan Thị đã thuê họa sĩ vẽ lại tranh của ông Linh trên ấn bản khác.

Từ việc làm này, vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” với tác phẩm TĐĐV đã xảy ra. Nguyên đơn là họa sĩ Lê Linh, bị đơn là bà Phan Hạnh  – Giám đốc Phan Thị. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả thể hiện ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả. Công ty Phan Thị có quyền khai thác, sử dụng tác phẩm.

Phân tích pháp lý

Câu hỏi đặt ra là quyền tác giả trong vụ án này được xác định thế nào? Theo luật, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân với tác phẩm TĐĐV đã quá rõ ràng và được bảo vệ vô thời hạn. Quyền tài sản mới chính là đối tượng chủ yếu của vụ kiện này. Bởi vì quyền tài sản mới là thứ gắn với lợi ích của các bên, là thứ tạo ra giá trị hữu hình.

Trong vụ án này, Công ty Phan Thị đã nộp đơn đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm TĐĐV. Theo đó bà Phan Hạnh và họa sĩ Lê Linh là đồng tác giả. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải thủ tục bắt buộc để hưởng quyền tác giả. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp. Trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Như vậy, tên tác giả trên Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký quyền tác giả không có nhiều ý nghĩa nếu một trong hai bên cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh mình trực tiếp thực hiện các công đoạn sáng tạo và định hình tác phẩm.

Bộ truyện tranh Thần đồng đất việt – niềm tự hào của nước nhà. Ảnh: Zingnews

Nhìn người

Ở Việt Nam chưa từng có tiền lệ cho các vụ án dạng này. Nhưng trên thế giới không phải là hiếm. Tại Mỹ, đã từng có một vụ án tương tự liên quan đến quyền tác giả. Đó là vụ Cộng đồng Sáng tạo phi bạo lực (Community for creative non-violence – bên nguyên đơn) kiện Reid (nhà điêu khắc – bên bị đơn) đòi quyền tác giả.

Theo hồ sơ, Reid tạo ra một tác phẩm điêu khắc khắc họa biến thể cảnh Chúa giáng sinh mô tả người vô gia cư. Tiền thực hiện dự án là tiền hoa hồng từ Cộng đồng Sáng tạo phi bạo lực. Reid làm việc trong xưởng điêu khắc của mình mà hầu như không có sự chỉ đạo từ tổ chức. Sau khi công bố, Reid đã đăng ký bản quyền đối với tác phẩm đó.

Cộng đồng sáng tạo phi bao lực nộp đơn xác lập quyền sở hữu đối với tác phẩm điêu khắc. Reid cho rằng anh ta không được tuyển dụng để làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận trên. Theo nguyên tắc của hệ thống pháp luật Anh Mỹ (common law), Reid phải là người sở hữu bản quyền tác phẩm. Tòa án Mỹ phán quyết bản quyền thuộc về Reid, người trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm.

Ngẫm ta

Vụ án này và vụ án TĐĐV có nhiều điểm tương đồng. Giả thiết, ông Linh là người lao động trong công ty Phan Thị. Tạo ra tác phẩm trong thời gian làm việc tại trụ sở công ty. Sử dụng máy móc, dụng cụ dưới sự tổ chức của công ty. Thì cơ sở đòi toàn bộ quyền đối với tác phẩm TĐĐV là không vững chắc.

Còn nếu mối quan hệ giữa ông Linh và Phan Thị chỉ đơn thuần là hợp đồng thuê khoán. Giống như vụ án năm 1989 tại Mỹ nói trên. Và ông Linh cung cấp được đầy đủ chứng cứ chứng minh cho giả thiết này. Có khả năng ông Linh sẽ có trọn vẹn quyền của mình. Bà Hạnh và Phan Thị sẽ không có quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm. Bên cạnh đó ông Linh có thể được hưởng bồi thường thiệt hại.

Vĩ thanh

TĐĐV được coi là một phần tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Chúng ta vẫn cần tỉnh táo nhận định dựa trên cơ sở pháp luật. Pháp luật sở hữu trí tuệ và quyền tác giả vẫn chứng minh tầm quan trọng của nó. Vụ tranh chấp này cho thấy sự cần thiết đảm bảo chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ để phòng tránh thiệt hại đáng tiếc cho các bên liên quan.

– The Cazzot –