Quyền sở hữu trí tuệ không phải là những ý tưởng xa vời, chúng là những công cụ hữu hình được sở hữu bởi các nền kinh tế đang nỗ lực phát triển và tiến bộ. Trong nền kinh tế toàn cầu liên tục được thúc đẩy bởi đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ (SHTT) có thể thúc đẩy hoạt động phát triển kinh tế bền vững tại các quốc gia kém phát triển trên thế giới.
Quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm sáng chế, nhãn hiệu và bản quyền, bảo vệ những sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ – từ những sáng chế, kiểu dáng đến các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Một báo cáo mới của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Khối thịnh vượng chung đã chỉ ra một loạt công cụ và lựa chọn, nhằm giúp các nước kém phát triển tạo ra môi trường thuận lợi để tận dụng quyền sở hữu trí tuệ một cách chiến lược, với mục đích thúc đẩy hoạt động đổi mới, thương mại, thu hút đầu tư và phát triển công nghệ.
“Bản chất của hành trình của chúng tôi không chỉ đơn thuần là việc áp dụng các quyền sở hữu trí tuệ mà còn là cách mạng hóa cách chúng tôi nhận thức và sử dụng chúng,” Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan phát biểu tại sự kiện ra mắt báo cáo, với sự tham gia của những người đứng đầu khối thịnh vượng chung và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Hỗ trợ các nước kém phát triển với quyền SHTT
Ví dụ, tại Campuchia, hạt tiêu cao cấp có xuất xứ từ tỉnh Kampot (đã được đăng ký làm chỉ dẫn địa lý) đã giúp nông dân tăng thu nhập gấp ba lần kể từ năm 2010. Hoạt động đăng ký chỉ dẫn địa lý giúp thiết lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm có chất lượng và danh tiếng gắn liền với địa phương xuất xứ.
Tại Ethiopia, những nhãn hiệu đã được đăng ký đã góp phần làm tăng 275% kim ngạch xuất khẩu cà phê kể từ đầu những năm 2000. Theo đó, những đổi mới được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ với mục tiêu phù hợp, có thể là công cụ để tăng cường năng lực sản xuất của các quốc gia kém phát triển.
‘Một phần nhỏ’ trong số lượng đơn đăng ký quyền SHTT trên toàn cầu
Mặc dù số lượng đơn đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã tăng lên tại các quốc gia kém phát triển trong những năm gần đây, nhưng chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong số lượng đơn đăng ký trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo của UNCTAD, nhãn hiệu là quyền sở hữu trí tuệ được khai thác nhiều nhất ở các nước kém phát triển, với trung bình 2.197 đơn đăng ký nhãn hiệu hàng năm từ năm 2017 đến năm 2021. Con số này thấp hơn nhiều so với số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu trung bình của các quốc gia trên toàn cầu (26.034) và của các nước đang phát triển (24.789). Bên cạnh đó, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích hàng năm tại các quốc gia kém phát triển lần lượt chỉ là 55 và 24.
Các quốc gia kém phát triển thường đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Toàn cầu, và chỉ có năng lực sản xuất hay mức độ sẵn sàng khai thác công nghệ tiên tiến ở mức thấp nhất. Việc nâng cao năng lực và hợp tác quốc tế sẽ vẫn rất quan trọng đối với các quốc gia này trong tương lai. Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang cho biết: “Khi thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ, chúng tôi sẽ giúp các bên liên quan ở địa phương có bộ kỹ năng phù hợp để tiếp thu và triển khai các công nghệ mới”.
Sự cần thiết của hệ thống SHTT mạnh mẽ hơn
Để thúc đẩy hoạt động đổi mới, báo cáo của UNCTAD cho rằng các nước kém phát triển cần một cách tiếp cận cân bằng để củng cố hệ thống sở hữu trí tuệ tại quốc gia của họ. Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, các quốc gia kém phát triển cần phải cải cách hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia, phổ biến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là cách tiếp cận toàn diện để phát triển kinh tế, và nâng cao năng lực trong hoạt động quản lý, thực thi và quản lý sở hữu trí tuệ.
Những nỗ lực này sẽ giúp tận dụng hiệu quả hơn quyền sở hữu trí tuệ và tính linh hoạt hiện có dành cho những quyền này thông qua Hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới về các khía cạnh liên quan đến hoạt động thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ mà 35 quốc gia kém phát triển đã thông qua.
Cuối cùng, quyền sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và đổi mới ở các quốc gia kém phát triển. Bằng cách tận dụng quyền SHTT theo chiến lược phù hợp và xây dựng môi trường thuận lợi, các quốc gia kém phát triển có thể tận dụng tiềm năng, thúc đẩy hoạt động thương mại, thu hút đầu tư và đạt mục tiêu phát triển bền vững.