Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về sự hình thành cũng như thịnh hành của các nghệ sĩ Crooners trong giai đoạn vàng của Jazz, Swing,… Giờ hãy cùng tìm hiểu sự thịnh hành, ảnh hưởng của Crooners trong giai đoạn 1940-1970 cho tới nay.
Cánh cổng “nhạc đồng quê”
Nếu là một người yêu thích Crooner, bạn chắc chắn sẽ biết đến các gương mặt vàng. Nghệ sĩ Frank Sinatra, Dean Martin hay Bing Crosby là ba ngôi sao sáng nhất của Crooner. Phải nói, Crooner được ưa chuộng từ những năm 1920; nhưng phải tới khi khi nhạc đồng quê trở nên phổ biến, Crooner mới thực sự tỏa sáng. Các ca sĩ như Al Bowlly, Gene Austin giờ là hình ảnh còn tồn đọng trong tâm trí của những đứa trẻ sinh thời 1920-1960; hoặc là những người yêu thích và tìm hiểu về những ca sĩ này.
Cũng có một sự khác biệt đối với tông giọng của những nghệ sĩ của giai đoạn 1940 này. Thay vì là giọng tông nam cao (tenor), các nghệ sĩ mới này hát với tông giọng baritone. Baritone là một loại tông giọng nằm giữa tông thấp (bass) và tông cao (tenor); hay nói một cách khác là một loại tông trung bình. Baritone còn có một đặc trưng rất “phá cách”; đó là những nghệ sĩ thường có một doạn hát “lệch tông” so với giai điệu nhạc. Nhiều lần nghe gần như là người nghệ sĩ đang thủ thỉ với người nghe.
Tông giọng “lệch”
Thực ra tông giọng lệch này không phải là một thức gì quá mức đột phá với nền âm nhạc. The Ink Spots, một nhóm ca sĩ nam da màu là nhóm đi đầu trong việc hát “lệch” này. Trong nhóm thường có một nam hát chính tông cao (tenor) và sau khi hết đoạn điệp khúc thường có một khúc nói trầm. Giọng nam trầm (bass) sẽ hát theo điệu nhạc; nhưng gần như là một điệu nhạc khác hoàn toàn với các giai điệu mà nam tenor đã hát. Đoạn nam bass hát gần như đọc thơ hoặc là nói chay. Xuất hiện lần đầu khi thu âm “If I didn’t care”, kiểu hát âm bass trầm này được sử dụng trong hầu hết các bài hát sau này của nhóm.
Nếu như bạn yêu thích nhạc xưa, hãy thử bỏ ra một vài lúc lắng nghe những giai điệu của The Ink Spots. Tuy lúc đầu có thể rất khó tiếp cận, nhưng một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra tại sao nhóm hát lại hay đến vậy. Biết đâu bạn cũng có thể nhận ra được “cái hay” của việc thu âm bằng microphone.
Những gương mặt điển hình
Bing Crosby
Một diễn viên, một ca sĩ, Bing Crosby là một trong những ngôi sao đa tài. Ông cũng là thần tượng của nhiều ca sĩ Crooner như Perry Como, Dean Martin, Frank Sinatra,… Ông sở hữu một tông giọng trầm ấm, có thể biến tấu theo nhiều loại nhạc, phong cách phối nhạc. Bing là một trong những giọng ca nổi tiếng với nhiều ca khúc về tình yêu và giáng sinh.
Các ca khúc mà bạn nên nghe: Beautiful dreamer, White Christmas, Pistol Packin’ Mama,….
Dean Martin
Cùng với Perry Como, đây là hai người yêu thích Bing Crosby tới mức họ làm Crooner để được theo nghề của thần tượng. Là một ca sĩ gốc Ý, chất giọng của ông tình cảm và có kỹ thuật một cách tài tình. Các bản nhạc mang đậm chất Ý là một trong những điểm sáng nhất trong các bản thu của Dean. Ông cũng có tham gia ngành diễn; tuy không được thành công về mặt diễn xuất, các bộ phim có đóng góp của ông đều có doanh thu ổn định.
Các ca khúc mà bạn nên nghe: Buona Sera, Return to me, Let it snow! Let it snow! Let it snow!,…
Frank Sinatra
Khác với Dean Martin và Bing Crosby, Frank được sinh ra với một chất giọng có phần “thô” hơn. Nhưng không vì thế mà các bản nhạc của ông mất đi phần hay. Có thể nói ông là một trong nghệ sĩ Crooner hiếm hoi gắn bó với Jazz mà vẫn gặt hái được nhiều thành công trong giai đoạn 1940-1970 này. Ngoài ra Frank Sinatra cũng có những show riêng và đóng các vở hài kịch, phim với Bing Crosby và Dean Martin.
Các bài hát mà bạn nên nghe: Fly me to the moon, My way, That’s life, The way you look tonight,…
Cho tới nay…
Các nghệ sĩ Crooner vẫn còn có sức ảnh hưởng tới âm nhạc hiện tại. Tuy nhiên, những người yêu thích những người nghệ sĩ này thường là những người có tâm niệm hoài cổ. Crooner đã trở thành biểu tượng của những người yêu thích giai thoại vàng của Mỹ những năm 1920 – 1970. Giai đoạn khi mà nền kinh tế phát triển vượt bậc với những cải tiến trong cả đời sống và xã hội.
-Iron Castle-