Các tin tặc được nhà nước bảo trợ ở Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đang phối hợp với nhau nhằm mục đích đánh cắp bí mật của vắc xin Covid-19. Động thái này được các chuyên gia bảo mật mô tả là “một cuộc chiến sở hữu trí tuệ”.
Cuộc chiến sở hữu trí tuệ
Trước đây, các tin tặc đã từng cố gắng đánh cắp bí mật thiết kế của vắc-xin Covid-19. Giờ đây, các tin tặc thù địch này lại bị cáo buộc tội cố gắng ăn trộm kết quả thử nghiệm sớm và thông tin nhạy cảm về việc sản xuất hàng loạt vắc xin Covid-19. Hành vi này còn có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng lên xã hội trong thời điểm các vắc xin Covid-19 sắp được duyệt để phân phát cho cộng đồng.
Cuộc chiến rực lửa trên không gian mạng có sự tham gia của các cơ quan tình báo phương Tây, bao gồm cả Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia của Anh (NCSC). Tuy nhiên, họ chỉ tiết lộ một phần nhỏ công việc của họ trước công chúng. Thay vào đó, họ làm việc đằng sau hậu trường với các công ty dược phẩm, phòng nghiên cứu và các chuyên gia an ninh mạng.
Ý kiến chuyên gia
Adam Meyers – phó chủ tịch cấp cao của Công ty công nghệ an ninh mạng Crowdstrike của Hoa Kỳ cho biết rằng các quốc gia như Nga và Trung Quốc đã bắt đầu “hack” các công ty và cơ quan phương Tây “trong 20 năm qua”. Tuy nhiên, kể từ tháng 3, họ đã bắt đầu tập trung hack vào một khía cạnh mới – Covid-19.

“Những gì bạn đang thấy ở đây là giai đoạn mới nhất trong một cuộc chiến sở hữu trí tuệ trường kỳ. Tuy nhiên, điểm khác biệt là giai đoạn này có ảnh hưởng đến mạng sống của nhiều người hơn nhiều. Cuộc chiến này đã trở thành vấn đề về niềm tự hào dân tộc – xem ai là người có thể phát triển ra vắc xin trước tiên.”
Chính sách ngoại giao giữa các quốc gia
Bất chấp biết được sự thật, các chính phủ phương Tây vẫn do dự khi “chỉ tay đổ lỗi” cho các vụ tấn công tin tặc vì lo ngại hậu quả ngoại giao. Chẳng hạn, do quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia nên nước Anh đặc biệt cẩn trọng khi có tranh chấp với Trung Quốc.
Tất cả các quốc gia bị cáo buộc đều phủ nhận liên quan đến việc hack. Nga cho biết rằng họ hoàn toàn “không biết gì” về các vụ hack. Trung Quốc thì lập luận rằng các thành tựu liên quan đến vắc xin Covid-19 của họ trội hơn rất nhiều so với các quốc gia phương Tây. Do đó họ “không cần phải ăn cắp những gì người khác đang làm”. Iran phủ nhận việc góp phần trong cuộc chiến tranh mạng.
Các chuyên gia trong khu vực tư nhân và khu vực chính phủ lại lập luận ngược lại. Họ nói rằng các nhóm hacker do nhà nước bảo trợ thường có liên kết với các cơ quan gián điệp hoặc cơ quan quốc phòng. Năm nay, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Vương quốc Anh cho biết các phòng thí nghiệm nghiên cứu vắc-xin Covid ở Anh, Mỹ và Canada đang trở thành mục tiêu của nhóm hacker Cozy Bear của Nga. Được biết, nhóm tin tặc này có liên hệ với cơ quan an ninh nội bộ FSB.
Bùng nổ chiến tranh mạng
Các chuyên gia phương Tây cho biết thêm rằng các cuộc tấn công đến từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên diễn ra với tần suất rất cao. Vào tháng 9, các tin tặc Trung Quốc đã bị Tây Ban Nha cáo buộc đánh cắp bí mật nghiên cứu Covid-19 từ các phòng thí nghiệm trong một chiến dịch “đặc biệt thâm độc”.
Vào tháng 5, các tin tặc có liên hệ với Iran đã bị cáo buộc cố gắng đánh cắp bí mật từ một công ty dược phẩm sinh học Gilead Research. Cụ thể, các tin tặc đã cố dụ một giám đốc điều hành cấp cao của công ty cấp quyền truy cập vào hệ thống thông qua một trang đăng nhập email giả mạo.
Các nguồn tin của Anh cho biết họ không tin rằng các tin tặc đã thành công cướp được bất kì thông tin mật nào của họ – dẫu rằng điều này chỉ là phỏng đoán và không thể chứng minh được. Tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều nơi thông báo rằng bí mật liên quan đến vắc xin Covid-19 của họ đã bị đánh cắp bởi hacker.
Hacker vi phạm luật gì?
Việc tấn công tài khoản mạng xã hội, ăn cắp bí mật thông tin của người khác là một hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Các hacker này có thể đối mặt nhiều năm tù giam và hàng triệu, thậm chí hàng tỷ tiền phạt hành chính, tùy thuộc vào mức độ phạm tội. Tuy nhiên, với sự tàn phá thảm khốc của đại dịch Covid-19, việc hack các thông tin bảo mật liên quan đến vắc xin Covid-19 không chỉ là vấn đề về tiền nữa. Giờ đây việc đánh cắp, ăn trộm các thông tin mật này không chỉ là tội vi phạm hình sự, mà còn là tội vi phạm luật sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến đại dịch Covid-19, mới đây các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất ra vắc xin phòng Covid-19 gọi là Nano Covax. Với các vụ hack vắc xin Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới, chính phủ ta cần phải đặc biệt cẩn trọng trong việc bảo vệ vắc xin Nano Covax – niềm tự hào của Việt Nam. Để làm vậy, ta cần phải nhanh chóng đăng ký bản quyền và đăng ký sáng chế đối với loại vắc xin mới này, tránh tình trạng bị trộm cắp bí mật sản xuất bởi các hacker ẩn danh ngoài kia.
-Monster Hunter-